Mô hình trường học mới: Hiệu quả nhìn từ thực tế

Mô hình trường học mới: Hiệu quả nhìn từ thực tế

d
 Một tiết học theo chương trình VNen tại Trường Tiểu học Phước Hội 4 thị xã La Gi

(GD&TĐ) - Cách đây ít lâu, có phụ huynh hỏi tôi: Con em nói năm nay nó sẽ được học theo chương trình VNen. Em không hiểu là học như thế nào? 

Vì chưa hiểu tường tận nên tôi cũng chỉ trả lời ngắn gọn: Đó là kiểu dạy học theo mô hình trường học mới, học sinh được ngồi theo nhóm, giáo viên không phải soạn thiết kế nhưng phải chuẩn bị đồ dùng dạy học nhiều hơn…

Ngày 2/11/2013 phòng GD&ĐT thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) đã tổ chức cho Phó Hiệu trưởng và đại diện tổ chuyên môn các Trường Tiểu học đến trường Tiểu học Phước Hội 4 dự giờ 3 tiết học (Khoa học, Tiếng Việt, Toán) dạy theo chương trình VNen. Quả là bản thân tôi đã được “Mở rộng tầm nhìn”.

Tiết học cụ thể

Tiết học bắt đầu, cô bé được giới thiệu là Trưởng ban Đối ngoại lên giới thiệu về lớp và mời Trưởng ban văn thể lên làm việc. Em học sinh đã rất tự tin điều khiển cả lớp hát và chơi trò chơi. Vào bài, các nhóm trưởng lấy vở phát cho nhóm của mình và: Mời các bạn ghi bài vào vở sau đó mời các bạn đọc mục tiêu. Giáo viên đọc bài và giao nhiệm vụ cho các nhóm. Nhóm trưởng điều khiển các bạn thực hiện nhiệm vụ 1. 

Từng em trong nhóm đọc, trả lời những yêu cầu nêu trong nhiệm vụ. Sau đó, cắm bông hoa đỏ (đã hoàn thành). Giáo viên kiểm tra xác suất, thưởng và giao nhiệm vụ tiếp theo.

Học sinh tham gia các hoạt động trong nhóm một cách tích cực, tự nhiên. Tôi và một số thầy cô khác có thể ngồi bên các nhóm, có người đi quanh theo dõi mà không gây bất cứ ảnh hưởng gì đến tâm lí của các em. 

Đi đến từng nhóm đang hoạt động, tôi thấy học sinh được tham gia 100% và khi có điều thắc mắc, tranh cãi các em cắm bông hoa màu xanh (cứu trợ) giáo viên lập tức xuất hiện, giải đáp, hướng dẫn…

Khi đã hoàn thành hết các nhiệm vụ yêu cầu và được cô giáo công nhận, nhóm trưởng lên ghi thứ tự vào bảng tiến bộ. Cuối tiết học, một học sinh là Trưởng ban Đối ngoại cầm cuốn sổ tới hỏi một số thầy cô dự giờ: Em chào cô! Cô tên gì? Cô dạy lớp mấy, trường nào? Cô có cảm tưởng gì khi dự giờ lớp em?

Hiệu quả nhìn từ thực tế 

Qua tiết dự giờ, tôi thấy nội dung kiến thức, thời lượng tiết học không thay đổi so với chương trình hiện hành. Nhưng ưu điểm nổi bật của chương trình VNen là thấy rõ. Các hoạt động sư phạm đã hoàn toàn đổi mới, chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ từ giáo viên sang học sinh tự học là chính. 

Học sinh hoàn toàn chủ động trong tiết học để khám phá và tìm ra tri thức. Các em vô cùng tự nhiên, mạnh dạn điều khiển nhóm học tập, tranh luận, nêu vấn đề và biết cách giải quyết vấn đề. Biết nêu yêu cầu đề xuất với giáo viên. Biết tự đánh giá mình, đánh giá bạn. Giáo viên không còn đóng vai trò là người truyền thụ kiến thức mà là người giao việc, tổ chức hoạt động học tập, tư vấn, giám sát. 

Vì thế, giáo viên phải có năng lực thật sự để khi giao việc mỗi học sinh phải hiểu được mình phải làm gì và làm như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra. Giáo viên không phải soạn thiết kế bài dạy nhưng phải chuẩn bị kĩ các phương án lên lớp sao cho hiệu quả, đưa ra một số tình huống giả định để giải thích, giúp đỡ khi học sinh thắc mắc. 

Giáo viên có quyền thay đổi hình thức, phương pháp giảng dạy miễn học sinh làm tốt mục tiêu hoạt động đó. Để tiết học thực sự đạt hiệu quả, giáo viên phải làm đồ dùng dạy học nhiều hơn. Chương trình VNen không đánh giá học sinh bằng điểm số, không xếp loại học sinh nhưng đánh giá bằng nhận xét (Thực hiện tốt cái gì và cần lưu ý điều gì…)

Từ những ưu điểm nổi trội của chương trình VNen so với chương trình hiện hành, phòng GD&ĐT thị xã đã chỉ đạo tất cả các trường Tiểu học trong địa bàn mà chưa thực hiện chương trình VNen, bước đầu tập huấn cho giáo viên và xây dựng một số tiết dạy minh họa. Tiếp cận dần, từng bước đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn thị xã.

Phan Tuyết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ