Mô hình 'Mẹ đỡ đầu' tại Cà Mau: Tiếp sức đến trường cho trẻ nghèo

GD&TĐ - Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 10/2021 đã được các cấp Hội LHPN tỉnh Cà Mau hưởng ứng và triển khai hiệu quả.

Bà Đào Thị Thanh An tặng quà, sách vở cho các con bà đỡ đầu trước thềm năm học mới. Ảnh: TG
Bà Đào Thị Thanh An tặng quà, sách vở cho các con bà đỡ đầu trước thềm năm học mới. Ảnh: TG

Chương trình đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trẻ em mồ côi do tác động của Covid-19; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, khuyết tật... có cuộc sống ấm no và được tiếp tục đến trường.

“Mẹ đỡ đầu” của 36 người con

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân hiện nhận đỡ đầu cho 36 trẻ em mồ côi, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ cho hơn 20 bé ngoài chương trình.

Bà Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái cho biết: Địa phương là xã ven biển, nhiều dân di cư, đời sống gặp nhiều khó khăn, nên số gia đình cần hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn so với những địa phương khác. “Hội ưu tiên hỗ trợ những gia đình có mong muốn cho con, cháu đi học đến nơi đến chốn, đang tìm cách để con cháu không phải bỏ học giữa chừng. Hiện tại trong 36 trẻ được hỗ trợ, có 35 trẻ được cắp sách đến trường, duy chỉ có 1 bé khuyết tật không thể đến lớp”, bà An cho biết.

Mỗi tháng, “Mẹ đỡ đầu” Đào Thị Thanh An sẽ tổ chức ít nhất một đợt phát quà gồm: Gạo, sữa, nhu yếu phẩm thiết yếu... cho các trẻ khó khăn từ nguồn vận động được từ các nhà hảo tâm. “Có những tháng vận động được nhiều, tôi tổ chức trao đến 2 - 3 đợt hỗ trợ cho các em. Như tháng 8 này trước thềm năm học mới tôi tổ chức trao đến 3 đợt. Ngoài tặng nhu yếu phẩm thiết yếu, các em còn được nhận tập sách, giầy dép, quần áo, xe đạp... để có điều kiện cắp sách đến trường”, bà An cho biết.

Mặc dù danh sách nhận đỡ đầu lên đến 36 người con, nhưng bà Đào Thị Thanh An nhớ rất rõ hoàn cảnh từng em. Chẳng hạn Nguyễn Huỳnh Như (7 tuổi, người Xê Đăng) thuộc diện hộ cận nghèo, mẹ bỏ đi khi em mới 6 tháng tuổi. Hiện Như sống với ông bà nội nhưng ông nội lại mắc căn bệnh khô não và phổi rất nặng, không đi đứng được. Nhà có 5 nhân khẩu (3 trẻ em dưới 10 tuổi), nhưng bà nội Như không có việc làm, không đất đai sản xuất, phải chăm chồng bệnh nặng và 3 đứa cháu nhỏ.

Một trường hợp khác là Trần Nguyễn Quốc Khánh (học lớp 2) và em trai là Trần An Khánh (học lớp 1). Hai anh em Quốc Khánh và An Khánh mồ côi cha, trong khi mẹ đang chấp hành án tù 11 năm. Hai em phải sống với ông bà ngoại, gia cảnh hết sức khó khăn. “Tôi từng là giáo viên nên đi đến đâu mà gặp học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đến trường là rất thương. Tôi muốn có những hành động thiết thực, hỗ trợ tiếp sức để các em biết chữ, có tương lai tốt đẹp hơn”, bà An tâm niệm.

Bà Trương Cẩm Lụa có 2 cháu là Trần Khánh Vân (12 tuổi, học lớp 6) và Trần Vĩnh Phúc (10 tuổi, học lớp 4) được bà Đào Thị Thanh An nhận đỡ đầu. Bà Lụa kể, hai cháu mồ côi cha, mẹ thì bỏ đi, gia đình không có nhà ở phải ở nhờ chòi giữ vuông của hàng xóm. Chồng bà thì ai thuê gì làm nấy, còn bà hàng ngày đi nhặt ve chai, rửa chén thuê kiếm tiền độ nhật. “Nếu không được bà Đào Thị Thanh An nhận đỡ đầu, 2 cháu tôi ngay cả cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn chứ nói gì đến việc được đi học. Tôi thấy chương trình “Mẹ đỡ đầu” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất cảm ơn ‘Mẹ đỡ đầu’ Đào Thị Thanh An đã giúp đỡ gia đình tôi”, bà Lụa nghẹn ngào nói.

Cũng đang được bà Đào Thị Thanh An nhận đỡ đầu, Nguyễn Thị Tú (học sinh lớp 8) cho biết, hiện em đang sống với người cha bị bệnh tâm thần phải cột lại bằng dây xích để không bỏ đi lang thang. Mẹ Tú đã bỏ nhà đi kiếm sống nơi xa, mặc kệ hai đứa con nhỏ dại. Hai chị em sống nương nhờ sự cưu mang của bà con, hàng xóm, chính quyền. “Con rất biết ơn mẹ An đã hỗ trợ giúp đỡ cho chị em con được ăn học. Con chỉ biết cảm ơn mẹ bằng sự nỗ lực học tập hết mình, giành kết quả tốt để làm vui lòng mẹ đỡ đầu”, Tú chia sẻ.

tiep suc den truong cho tre ngheo (1).jpg
Hội LHPN huyện Trần Văn Thời luôn quan tâm, thăm hỏi, tặng quà cho con đỡ đầu dịp lễ, Tết. Ảnh: TG

Lan tỏa và mở rộng chương trình nhân văn

Hội LHPN huyện Trần Văn Thời là một trong những đơn vị triển khai sớm và có hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Năm 2022, các cấp hội trong huyện bắt đầu nhận đỡ đầu cho 5 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch bệnh Covid-19. Đến thời điểm này, số trẻ nhận đỡ đầu đã tăng lên 10 em.

Hàng tháng, các “Mẹ đỡ đầu” sẽ đến tận nhà thăm hỏi đời sống, động viên các con, chia sẻ những khó khăn với gia đình và hỗ trợ mỗi bé hàng tháng ít nhất là 500.000 đồng tùy theo nguồn lực vận động của các “Mẹ đỡ đầu”. Ngoài ra, tùy theo điều kiện của mỗi người, “Mẹ đỡ đầu” sẽ hỗ trợ thêm tập sách, đồ dùng học tập, sữa, quần áo, các nhu yếu phẩm khác cho trẻ và gia đình, tổ chức sinh nhật cho các con… “Hiện tại 10 trẻ trong độ tuổi đến trường đều được gia đình cho đi học và được các “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ sách vở, quần áo, xe đạp để các bé đến trường”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch LHPN huyện Trần Văn Thời thông tin.

Hà Chí Thiện (14 tuổi, học lớp 7) mồ côi cha do dịch Covid-19, hiện tại em ở với mẹ và bà nội. Điều kiện kinh tế gia đình Thiện đã khó khăn lại càng thêm khó khăn bởi hậu Covid-19, mẹ của Thiện luôn ốm yếu. Em được Hội LHPN xã Phong Lạc nhận đỡ đầu. “Tôi rất cảm ơn chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã giúp đỡ con tôi được tiếp tục việc học. Không chỉ động viên con cố gắng học tốt, bản thân tôi cũng cố gắng làm thêm để cải thiện thu nhập, lo cuộc sống để con không phải bỏ học giữa chừng”, bà Trần Thị Kiều (mẹ Thiện) chia sẻ.

Cũng bởi dịch bệnh Covid-19, Nguyễn Minh Nghĩa (16 tuổi, lớp 11) rơi vào cảnh mồ côi mẹ. Gia đình không có đất sản xuất nên cha của Nghĩa phải đi làm thuê, bữa được bữa không nên cuộc sống rất bấp bênh. “Em rất biết ơn khi được Hội LHPN xã Khánh Hưng nhận đỡ đầu, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Em sẽ cố gắng học tập tốt để đền đáp công ơn, sự quan tâm, hỗ trợ của mẹ”, Minh Nghĩa bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời cho biết: “Mẹ đỡ đầu” là chương trình hành động giàu tính nhân văn. Ngoài hỗ trợ các điều kiện về vật chất cho các cháu, những “mẹ đỡ đầu” còn dành cho các con mình tấm lòng bao dung, che chở, yêu thương và sự uốn nắn, giáo dục của người mẹ. Việc đó không một tổ chức xã hội nào có thể đảm nhận nhiệm vụ này tốt hơn Hội LHPN. Thời gian tới, các cấp hội LHPN huyện Trần Văn Thời sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ, không chỉ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 mà còn cả trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ khuyết tật trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.