Và, ở “khu vực biên giới” xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, những tảng đá nằm sừng sững như thách thức sức người. Đá chồng lên đá, đất bám vào đất cứ bền chặt từ ngàn năm nay. Giữa núi rừng, con đường vành đai biên giới đã hiện hình từ máy móc và bàn tay người công nhân cần mẫn.
Công nhân làm đường giữa rừng biên giới
Con đường vành đai biên giới phía Tây Nghệ An, đoạn nối xã Na Ngoi với các xã Mường Típ, Mường Ải của Kỳ Sơn vắt ngang qua dãy Pù Xai – Lai Leng đang trong quá trình thi công. Bước chân đến “khu vực biên giới” những tảng đá nằm sừng sững như thách thức sức người.
Đá chồng lên đá, đất bám vào đất cứ bền chặt từ ngàn năm nay. Giữa núi rừng, con đường đỏ đã hiện hình từ máy móc và bàn tay người công nhân cần mẫn. Đâu đó có tiếng xe tải gầm gừ, ì ạch chở vật liệu xây dựng từ dưới xuôi lên.
Giữa trưa, cả tuyến đường thi thoảng mới có bóng người qua lại. Họ tỏ ra lạ lẫm khi thấy chúng tôi “lạc” vào chốn này. Khi mặt trời đã ở trên đỉnh đầu cũng là lúc những tốp công nhân dừng tay và quay trở lại các lán trại ven đường nghỉ trưa.
Họ hầu hết là công nhân của Công ty TNHH một thành viên 185 thuộc Bộ Quốc phòng. Những túp lều được căng tạm bợ bằng vải bạt. Nắng nóng bốc lên hừng hực. Hơn 20 con người sống chung một lán trại chưa đầy 30 mét vuông, mỗi người một miền quê với những thổ ngữ rất riêng, cùng chung nhau bát cơm, điếu thuốc.
Anh Khoa quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa rít mạnh điều thuốc vào, rồi chậm rãi phả ra ngụm khói: “Vất lắm, rừng thiêng nước độc, mùa đông thì rét buốt, mùa hè thì nóng cháy da. Anh em ngày làm, đêm về lán ngủ, nhiều khi mệt quá mà không ngủ nổi. Rồi anh tâm sự thêm, làm việc nơi chốn biên viễn này, nhiều khi nhớ vợ nhớ con phát khóc.
Con ốm gọi điện bảo bố về, mà đường về thì xa, đi lại khó khăn, tiền thuê xe ôm ra đến đường Quốc lộ cũng mất gần triệu bạc, tiền đâu mà chữa bệnh cho con nữa. Nên đành gửi tiền về cho vợ, rồi chờ những dịp tết nhất, hoặc có công việc đột xuất mới về.
Con đường dang dở nằm vắt mình qua những đỉnh núi cao. Chỉ có cây rừng, tiếng vượn kêu, và những người công nhân làm việc. Thỉnh thoảng có bộ đội biên phòng tuần tra đi qua. Nhiều khi, nhớ tiếng người, nhớ bữa cơm gia đình, những người công nhân cũng vào bản, để mua ít sản vật địa phương mang về, hay trò chuyện cho “có tiếng người”.
Chính những lần vào bản đó, những người làm đường như anh Khoa càng thấu hiểu cuộc sống vất vả, thiếu thốn của bà con. “Cũng mong làm cho xong được đoạn đường nào, thì mừng đoạn đường đó, thuận lợi hơn cho đi lại, buôn bán của bà con”.
Cách lán của anh Khoa một quãng, là lán tạm của những công nhân người dân tộc Thái. Giữa ngổn ngang xoong nồi, bát đũa, chăn chiếu, những chiếc phản được kê tạm làm giường, anh em công nhân đang ngồi ăn trưa. Ông Lữ Văn Huỳnh trú bản Hợp Thành (xã Đôn Phục, huyện Con Cuông) 53 tuổi cho biết đã theo một cai thầu nhận công trình ở gần bản lên đây từ sau Tết Nguyên đán.
Công việc của ông chủ yếu là đổ bê tông, đập đá. Mỗi người ở đây đều được tính công theo khối lượng công việc. Thu nhập cũng được hơn 3 triệu mỗi tháng. Đối với ông Huỳnh thì công việc này đều đặn hơn so với làm rẫy, làm ruộng, lại có giờ giấc. Điều quan trọng nhất đối với ông đi làm vậy có được khoản kiếm thêm những lúc nông nhàn.
Một người đàn ông trạc gần 60 tuổi tên là Vang Văn Hồng
(quê ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương) góp chuyện: “Chúng tôi đi làm theo những tuyến đường biên suốt từ xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) sang núi Pù Xai. Ngoài việc đập đá, trộn bê tông thì còn làm thêm cọc tiêu trên những đoạn đường biên”.
Công việc ở đây vất vả, khó khăn hơn dưới xuôi nhiều. Vì chở được 1 xe xi măng, cát sỏi vượt rừng lên đến nơi đã khó rồi, chưa kể “tiến độ” còn phụ thuộc nhiều vào ông trời. Trời rét, sương mù, hay nắng nóng vẫn có thể làm được, nhưng đến mùa mưa thì chịu. Nước trên rừng đổ xuống, sạt lở, lầy lội, công việc phải ngừng lại. Đồng nghĩa với việc những công nhân thời vụ như ông Hồng cũng phải nghỉ chờ trời hết mưa.
Mẹ nuôi của những đoạn đường
Bà Nguyễn Thị Giang (56 tuổi) là người phụ nữ duy nhất ở đỉnh núi hoang vu này, thấy khách đến, bà bưng bát cơm cháy ra mời. Rồi vừa gắp thêm thức ăn, bà vừa nói: “Cá, thịt này bà ướp muối cả tuần rồi đó, trên này thức ăn tươi khan hiếm lắm”. Đã 3 năm nay bà gắn bó với mảnh đất Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cùng với những công nhân làm đường, trở thành “mẹ nuôi” của họ.
Để lo cái ăn cho chừng ấy con người, bà Giang phải gửi mua thức ăn từ dưới thị trấn Hòa Bình lên. Thời gian đầu, đường sá đi lại còn khó khăn, thức ăn phải vài ba ngày sau mới lên tận nơi. Lúc mang ra chế biến, thịt đã có mùi hôi. Mọi người làm việc vất vả, muốn cải thiện bữa ăn cũng rất khó. Biết có người về quê, bà liền gửi họ mua gạo, gà vịt để lên thả, cải thiện bữa cơm cho công nhân.
Bà Giang chia sẻ: “Thời tiết trên này độc lắm, mới đầu lên tôi đau ốm liên tục. Gói thuốc tây mua ở quê đem đi dự phòng lúc nào cũng mang bên người. Mùa đông thì lạnh buốt, sương mù dày đặc, rét cóng hết cả chân tay, mùa bè thì nóng bức”. Quê ở thị xã Hoàng Mai, cách nơi núi rừng này hơn 200 km, cũng như các công nhân, bà cũng chẳng mấy khi về quê.
Mỗi năm bà chỉ về quê vào dịp lễ tết. “Kể cũng thương, nhiều khi ốm đau, nóng sốt, giữa rừng núi không có thuốc men, mấy anh em ai biết cây rừng chi chữa bệnh, là lặn lội đi hái, về giã ra uống. Thế nên, cứ mỗi khi có người dưới thị trấn đưa đồ lên, tôi lại dặn họ lấy thêm ít thuốc cảm cúm thông thường, để dùng lúc túng bí”, mẹ nuôi của các công nhân chia sẻ.
Hơn 1 giờ chiều, nắng vẫn gay gắt, nhưng từng tốp công nhân đã trở dậy, mặc quần áo quay ra công trường. Tay cuốc, tay xẻng, xúc đất đá, mồ hôi ướt đẫm lưng áo… Cuộc mưu sinh bao giờ cũng vất vả, nhưng để kiếm sống, và thấy công việc mình làm có ích, họ không kể ngày tháng, vắt mình trên lưng núi cho những đoạn đường sớm được khai thông, hoàn thành.