Mở 'chiến dịch' đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

GD&TĐ - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cùng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo một số cơ sở giáo dục Đại học, doanh nghiệp…

"Lõi" để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn là nhân lực

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50 nghìn - 100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Thủ tướng cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến để đạt mục tiêu nói trên trong thời gian ngắn nhất có thể. Gợi ý về cách làm, Thủ tướng cho rằng vừa cần giải pháp tiệm tiến, vừa cần các giải pháp đột phá.

Về cách làm tiệm tiến, Thủ tướng cho rằng trên nền tảng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin đã có, Việt Nam có thể dịch chuyển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử sang lĩnh vực bán dẫn. Cùng với đó, hình thành thêm một số khoa tại các cơ sở đào tạo, một số phòng tại các đơn vị nghiên cứu; tận dụng tối đa cơ sở vật chất đã có và bổ sung thêm.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, "để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu phát biểu, góp ý thêm về các giải pháp mang tính đột phá để đẩy mạnh đào tạo nhân lực bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao đổi về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao đổi về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trao đổi về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án.

Theo đó, đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo.

Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; thu hút chuyên gia, nhân tài; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì nhắc đến việc xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam.

Khả năng đáp ứng các nhu cầu về nhân lực chủ yếu là đi vào đào tạo lại và đào tạo trực tiếp trong ngắn hạn. Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 12 tháng.

Ngoài ra, nhân lực cũng được xác định là "lõi" để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Phải có thỏa thuận quốc gia cung cấp nguồn nhân lực mới bảo đảm thành công đề án nhân lực. Đào tạo nhân lực cũng phải dựa trên tín hiệu thị trường, đặc biệt có các thỏa thuận doanh nghiệp và thảo thuận của các quốc gia.

Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực

Từ góc độ cơ sở đào tạo, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn nhắc đến 2 hướng đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Một là đào tạo ngắn hạn chuyển đổi sang lĩnh vực này; hai là phải có sự dài hơi dựa trên lĩnh vực chúng ta đang đầu tư trong nhiều năm nay.

Về các giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực, ông Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề lớn:

Thứ nhất, đội ngũ giảng viên là vấn đề quan trọng. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đào tạo các chuyên gia, nhưng sẽ có 2 nhóm chuyên gia, nhóm có thể giảng dạy được và nhóm chuyên gia đầu ngành. Điều này cần sự định hướng dài hơi bởi phải gắn với các chương trình nghiên cứu, gắn với chương trình đào tạo dài hạn. Ngoài ra, cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng mà phải thu hút được các chuyên gia.

Hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm cũng rất quan trọng, Trường cũng đã đề xuất Dự án Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia đặt tại ĐHQG Hà Nội, tích hợp với các giai đoạn của công nghiệp bán dẫn, đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điểm đặc biệt của Trung tâm là cơ chế hợp tác công-tư để hợp tác với các doanh nghiệp, chia sẻ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu.

Cuối cùng là thu hút các sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này.

Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cũng ở góc độ cơ sở đào tạo, ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo chính thức khoảng 3.500 sinh viên các ngành gần, khoảng 150 sinh viên các ngành đúng liên quan đến thiết kế vi mạch, vi điện tử công nghệ nano. Số lượng này sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Trong số 2 chương trình đào tạo đúng và 7 chương trình đào tạo gần, có tới 2/3 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong 9 chương trình đào tạo của trường đều đã được kiểm định và xếp hạng, tầm 400-500 của châu Á và thế giới.

Cũng nhấn mạnh đến đội ngũ giảng viên, theo ông Huỳnh Quyết Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng một đề án thu hút nguồn nhân lực cao ở tất cả các lĩnh vực. Vừa qua, trường đã tuyển dụng được 2-3 PGS xuất sắc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc. Họ sẽ là nguồn lực để phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu, họ cũng sẽ là chủ lực chia sẻ kinh nghiệm và chúng ta có thể đào tạo lại nguồn giảng viên.

Hai nội dung khác cũng rất quan trọng. Thứ nhất là thu hút sinh viên giỏi phải có sân chơi và đầu ra cho các em, tức là các em phải có sản phẩm của chính mình để đưa vào thực tế. Phải tạo sân chơi cho sinh viên tạo ra các sản phẩm, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn. Vì vậy tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí. Cần có sự đầu tư, kết hợp các trung tâm lại với nhau để hình thành các phòng thí nghiệm đạt đẳng cấp, cần sự tư duy của các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và trên thế giới để hình thành các trung tâm nghiên cứu lớn, từ đó mới kỳ vọng mức độ khoa học, nghiên cứu của Việt Nam đạt chuẩn để hình thành các sản phẩm cũng như các doanh nghiệp phục vụ việc phát triển đất nước.

Cuối cùng, thị trường là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta có tạo được thị trường của các doanh nghiệp lớn để phục vụ nhu cầu của các kỹ sư bán dẫn hay không và muốn có thị trường đó thì cần phải có sự chung sức của các doanh nghiệp, các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và sự sẵn sàng của trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cao.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam thì cho rằng, với kỹ sư trong ngành bán dẫn, không có năng lực đầy đủ để đào tạo ra một kỹ sư bán dẫn giỏi mà năng lực đó được xây dựng trong quá trình làm việc. Để chuẩn bị cho quá trình đó một cách sẵn sàng, kỹ sư cần phải có những kỹ năng mềm, như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo… Những cái đó ở trường đại học cần phải tập trung hơn làm tốt hơn.

Ông Phùng Việt Thắng đồng thời lưu ý sự kết hợp giữa các trường đại học với các trung tâm nghiên cứu của các doanh nghiệp; thay vì đặt ở doanh nghiệp, đặt ở đâu đó, chúng ta có thể đặt gần trường đại học. Nhấn mạnh thêm “cơ chế sử dụng phòng lab một cách có hiệu quả là điều vô cùng quan trọng”, theo ông Phùng Việt Thắng, điều này liên quan đến hợp tác đầu tư công-tư cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia. Đây là bài toán chung cần giải.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã khái quát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới và giao nhiệm vụ các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan trong đào tạo nhân lực bán dẫn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã khái quát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới và giao nhiệm vụ các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan trong đào tạo nhân lực bán dẫn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 5 trụ cột để ngành công nghiệp bán dẫn gồm: Xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển.

Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm:

Thứ nhất, coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo qua sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, đa dạng hóa mọi nguồn lực, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước – xã hội – thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã khái quát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.

Thứ hai, đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất…

Thứ ba, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.

Thứ tư, phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài.

Thứ năm, huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện để triển khai các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn.

Trong đó, Bộ GD&ĐT lên kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn, xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành…

Thủ tướng mong muốn sau hội nghị, các chủ thể liên quan nâng cao nhận thức, hiểu rõ nhiệm vụ của mình để xác định và tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện được mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ