Tuổi thơ ám ảnh bởi âm nhạc
Sinh ra trong một gia đình viên chức, ba là kỹ sư điện tử, mẹ là giáo viên nhưng lại rất yêu thích văn nghệ, nên từ nhỏ, Hữu Minh (tên thật của Minh Vy) và em trai gần như được sống trong không gian của âm nhạc, nơi từng lời ca tiếng hát, giai điệu được vang lên liên tục từ ngày này qua ngày khác. Nhưng thay vì cảm thấy thích thú, thì với anh, đây không khác gì một màn “tra tấn”.
Minh Vy nhớ lại: “Sáng nào, ba tôi cũng mở những đĩa nhạc tiền chiến của Phạm Duy, Thái Thanh…, mẹ thì là tín đồ của cải lương. Có một lần thắc mắc vì sao ba lại nghe những bài nhạc này hoài, ông hỏi ngược lại tôi có thích không, và tôi đã thẳng thừng trả lời: Không thích”.
Minh Vy và mẹ - người truyền cho anh niềm say mê với cải lương tuồng cổ. Sau này trong liveshow Tự tình quê hương của Cẩm Ly, bộ môn nghệ thuật dân tộc này được anh dần thể nghiệm trong các tiết mục Tình chàng ý thiếp, Phụng Nghi Đình và Loan Phụng Hòa Minh. |
Khoảng 5, 6 tuổi, anh được học nhạc. Một lần nữa với cậu bé ở cái tuổi chỉ thích ăn rồi chơi, việc phải ngồi yên một chỗ để lần mò với từng nốt nhạc, phím đàn không khác gì một hình phạt đáng sợ nhất.
“Ngày xưa tôi và em trai không học tiểu học mà học tại trường dòng, được các sơ vừa dạy văn hóa vừa dạy piano. Tôi nhớ những ngày vừa học vừa khóc, nếu đánh không đúng thì việc bị đánh bằng thước sắt là bình thường”, anh kể.
Ngoài nhạc, Minh Vy và em trai còn được học vẽ, violin và thậm chí là… thể dục nhịp điệu do quan điểm “cái gì cũng phải biết” của ba.
Anh tâm sự: “Gia đình có khó khăn cách mấy cũng phải cố gắng cho con cái được học hành đầy đủ, nhất là những thứ mà ba ngày xưa rất thích nhưng không có điều kiện. Nhưng lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu được điều này mà chỉ biết học là do bị ép, không thích cũng phải học nên đã có lúc chán nản đến mức chỉ mong đến ngày đi chích ngừa để được nóng sốt và có cớ nghỉ ở nhà”.
Nhắc lại quãng thời gian ấu thơ, Minh Vy vẫn nhớ như in những chuỗi ngày vất vả và đầy áp lực khi phải đối mặt với những điều mình không thích.
Có lẽ vào thời điểm đó, chính anh cũng không ngờ những bài học căn bản đầu tiên này lại là tiền đề vững chắc để gây dựng sự nghiệp. Đặc biệt, quan niệm “cái gì cũng phải biết” của ba từng khiến Minh Vy phải nước mắt ngắn dài, lại chính là chiếc chìa khóa giúp anh mở ra rất nhiều hướng đi dẫn đến thành công sau này.
Con đường đến với nghệ thuật của Minh Vy được mở lối bởi ba của anh - ông Tư Lợi. |
Tuổi trẻ ngông cuồng
Năm lên lớp 6, gia đình làm ăn khá giả nên anh và em trai được sắm một cây organ – món đồ được xem như cả một gia tài của bất kỳ ai sở hữu vào thời bấy giờ. Lần đầu tiên trình diễn trước đám đông trong buổi lễ 20/11, Minh Vy cùng món “bảo bối” này đã khiến tất cả bạn bè đều phải thán phục.
Lên cấp 3, anh tiếp tục nổi danh toàn trường THPT Lê Hồng Phong và nhanh chóng được xem như “trùm văn nghệ”. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, chuỗi ngày trốn học, tụ tập ăn chơi bắt đầu diễn ra thường xuyên với cớ đi tập văn nghệ.
Theo lời lý giải của Minh Vy, đây là lúc anh chính thức bước vào “tuổi quậy và lì”, những trò ăn chơi như đua xe, đánh lộn và thậm chí là hút thuốc đều được nghiệm qua.
Đi nhiều, gặp gỡ nhiều lại mang đến cho cậu học sinh lớp 11 cơ hội tìm được những người cùng đam mê âm nhạc và thành lập lên nhóm Dòng Biển Lặng với 7 thành viên (4 thành viên chính và 3 ca sĩ thường trực), trong đó Minh Vy đảm nhận vị trí vừa đánh keyboard vừa là ca sĩ.
“Thời điểm đó tôi đi chơi là không ai được ý kiến, đi đến 1 - 2 giờ sáng là bình thường. Ban nhạc bắt đầu đi diễn khắp nơi từ Đà Lạt đến Vũng Tàu. Đó là khoảng thời gian rất đặc biệt mà tôi không bao giờ quên”.
Chơi nhạc được một thời gian, Minh Vy nảy ra ý định ghi lại những ca khúc của nhóm Dòng Biển Lặng như một kỷ niệm. Thời điểm này dù đang ngồi trên ghế nhà trường, anh đã bắt đầu mày mò kỹ thuật thu âm.
Với sự hỗ trợ của ba vốn là dân chuyên kỹ thuật, phòng thu dần hình thành ngay chính trong phòng ngủ của gia đình bởi những máy móc thô sơ, đơn giản nhất.
Và đây chính là bước khai sinh đầu tiên của phòng thu Kim Lợi sau này.
Gây dựng phòng thu Kim Lợi
Sau những bản thu đầu tiên cho ban nhạc của mình, Minh Vy được động viên, tiếp thêm động lực để thực hiện các sản phẩm khác. Bắt đầu bằng sự hợp tác giữa trung tâm Băng Nhạc Trẻ và phòng thu Kim Lợi để ra mắt một loạt sản phẩm cassette, video cải lương ăn khách, sau đó đến việc mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về thực hiện album. Trong đó, mối hữu duyên giữa anh và nghệ sĩ Tài Linh là một trong những bước ngoặc rất lớn.
Tài Linh lúc này đã có tên tuổi, nhưng lại là một nghệ sĩ cải lương chứ không phải ca sĩ, do đó Minh Vy phải bỏ ra ít nhiều công sức để chỉnh lại cách hát cho cô. Lần đầu kết hợp cùng Đình Văn trong băng cassette Tùy hứng lý qua cầu, cặp đôi này đã tiêu thụ được con số đáng kinh ngạc là 100 nghìn bản.
Tài Linh là một trong những giọng ca đầu tiên được Minh Vy phát hiện. |
Cuối năm lớp 12, Minh Vy tạm ngưng lại những chuyến đi diễn cùng ban nhạc cũng như công việc thu âm để tập trung luyện thi đại học. Nhiều năm sau trở lại với 2 tấm bằng Sư phạm Anh và Đại học kỹ thuật Thủ Đức trên tay, cũng là lúc các thành viên Dòng Biển Lặng đường ai nấy đi. “Từ đó, tôi hứa với lòng không bao giờ đụng tới cây đàn một lần nào nữa. Đến bây giờ, lời hứa này vẫn không thay đổi”, anh tâm sự.
Sau hụt hẫng đó, Minh Vy tìm lên Đà Lạt để giải khuây. Tưởng chừng như mọi công sức đã đổ sông đổ biển, nhưng một lần nữa, chuyến đi này mở ra cho chàng thanh niên trẻ mối duyên khác khi ca khúc Mưa bụi đình đám một thời ra đời do chính anh chắp bút cùng sự giúp sức của nhạc sĩ Vinh Sử.
Trở về Sài Gòn, anh và ba nảy ra ý định ghi âm thêm nhiều ca khúc rồi tổ chức ghi hình ngoại cảnh, trước tiên là là “làm cho đã” rồi sau mới đến việc kết hợp cùng Hãng phim trẻ để phát hành ra thị trường, lấy tên gọi Mưa bụi.
Ấn phẩm đầu tiên phát hành với sự tham gia của Đình Văn, Tài Linh, Sỹ Ben, Thạch Thảo, Ngọc Hải, Mộng Na… đã gây ra cơn sốt vượt mức tưởng tượng.
Từ thành công ban đầu, Mưa Bụi liên tục phát triển với những số tiếp theo luôn được công chúng ủng hộ nhiệt liệt và trở thành món ăn tinh thần quý giá của người dân thời đó.
“Những năm 1991-1993 là giai đoạn cực thịnh của nhạc trữ tình. Tôi vẫn nhớ trung tâm Kim Lợi mở cửa bán hàng vào 7h30 sáng, nhưng từ 4h30 đã có người xếp hàng để được mua trước như những ngày thời bao cấp”, anh kể.
Cho đến Mưa bụi 3 ghi hình năm 1993, Minh Vy gặp biến cố lớn nhất trong cuộc đời khi ba anh đột ngột qua đời.
“Trước đó gần như có điềm báo khi trong quá trình quay MV Hòn Vọng Phu ở Tuy Phong, chính tay ba tôi là người xé khăn tang cho các diễn viên quần chúng. Thời gian ngắn sau, ông qua đời.
Ngày ba còn sống, tôi và ba trái tính. Có lẽ thời điểm đó tôi đang trong độ tuổi thích chống đối nên hay nói hỗn. Đến khi đổ bệnh, ba vẫn thường nói: "Sau này khi tao chết đi thì mày mới thấy quý". Dù biết rằng ba đang mang trong người căn bệnh ung thư nhưng sự mất mát này vẫn quá đột ngột và để lại nhiều nỗi đau” - Minh Vy tâm sự.
Trong đám tang của ba, chứng kiến những gương mặt quen thuộc đến viếng nhưng thâm tâm lại dò xét khi nào Kim Lợi sẽ sụp đổ vì “có một đứa con phá gia chi tử”, Minh Vy quyết định ở nhà cũng như dẹp bỏ những thói quen ăn chơi để phát triển phòng thu bằng mọi giá.
Gặp gỡ Cẩm Ly
Để sản phẩm của mình thêm phong phú và hấp dẫn, Minh Vy chủ động đi tìm kiếm những giọng ca mới bước ra từ những cuộc thi hoặc thông qua lời giới thiệu của các ca sĩ mà mình quen biết.
Hai gương mặt mới được mời nhập “đại gia đình” Mưa bụi là Lam Trường sau khi anh giành giải nhất cuộc thi Thập đại tinh tú và Hà Phương do Đình Văn giới thiệu.
Nhận thấy xu hướng song ca đang được yêu thích, Minh Vy chủ động bày tỏ ý định tìm một giọng ca nữ để kết hợp cùng Lam Trường trong dòng nhạc trẻ.
Và cơ duyên này đã giúp anh gặp Cẩm Ly và Minh Tuyết, cũng do Hà Phương mở lời gợi ý. Lúc này, hai chị em vừa giành giải nhất trong cuộc thi Tìm kiếm giọng hát hay do nhà hát Hòa Bình tổ chức. Sau khi suy nghĩ, Minh Tuyết được ghép với Lam Trường, còn Cẩm Ly thành đôi với Cảnh Hàn.
“Ấn tượng đầu tiên về Cẩm Ly là… không có ấn tượng gì cả. Trong khi Minh Tuyết luôn rực lửa nghề, thì Cẩm Ly thuộc dạng đứng phía sau, phải có người lo từ A-Z, đẩy ra đường là không sống được”, Minh Vy nhớ lại.
Minh Vy, Cẩm Ly và hai nhạc sĩ Hoài An, Nguyễn Nhất Huy trong những năm đầu hợp tác. |
Lần đầu Cẩm Ly xuất hiện trong sản phẩm của Kim Lợi ở Mưa bụi 6 (1995), cũng là lúc Minh Vy tập tành với công việc đạo diễn với sự hướng dẫn của các đàn anh đi trước như Phạm Hoàng Nam, Trần Cảnh Đôn, Lâm Lê Dũng…
Mọi thứ không nhằm ngoài chữ duyên khi MV đầu tiên đóng mác Minh Vy cũng chính là Gửi người tôi yêu do chính người bạn đời sau này của anh thể hiện.
“Khi đó, đạo diễn Trần Cảnh Đôn do bận công việc riêng nên xúi tôi thử làm. Trước đây đã có thời gian dài theo học hỏi cũng như dựng thử một vài MV nên tôi cũng khá tự tin.
MV đầu tiên tôi làm là Gửi người tôi yêu với lý do là thích bài này, chứ không hề có ý gì cả. Thời điểm này, tôi và Cẩm Ly chưa có ý gì với nhau, nhưng cô ấy cũng là người chịu khó để tôi thử nghiệm nhiều nhất”, anh kể.
Dần dần, người dạy người, nghề dạy nghề, nhiều MV do anh làm đạo diễn lần lượt ra đời. Đáng chú ý là chuỗi MV thực hiện dựa trên các cốt truyện kiếm hiệp rất được yêu thích. Song song với Mưa bụi, Minh Vy còn thực hiện thêm chuỗi chương trình ăn khách khác như Tình xuân, Tình khúc vượt thời gian… với thế mạnh cả về thu âm, phối khí và quay MV ngoại cảnh.
Bắt đầu từ ngày tháng cùng nhau làm việc khiến Minh Vy và Cẩm Ly nảy sinh tình cảm.
Cặp đôi âm nhạc – mảnh ghép cuộc đời
Hoạt động một vài năm, Minh Tuyết nhận thấy cơ hội phát triển tại Việt Nam không còn nhiều, cô quyết định xuất ngoại để mở ra chân trời mới. Sự ra đi này vô tình để lại một Cẩm Ly hụt hẫng và thất vọng nơi quê nhà.
“Cái bóng của Minh Tuyết quá lớn nên khi đứng một mình, Cẩm Ly thậm chí không có tố chất hay bất cứ tiềm năng nào để trở thành ca sĩ, ngoại hình thì bình dân hơn cả hiện tại khoảng 10 lần”, Minh Vy nói.
Nhưng vì trót thương, nên anh quyết định làm liều để vực dậy tinh thần cũng như giúp cô trở lại với ca hát, tất nhiên trong vòng “kỷ luật thép”.
Minh Vy nhận giải VTV - Bài hát tôi yêu vào năm 2004, lúc này Cẩm Ly đang mang thai con gái đầu lòng. |
Những ngày đầu, Cẩm Ly không ít lần rơi nước mắt khi lần phải cắt amedan hay cắt đi mái tóc dài để thay đổi hình ảnh. Nhưng bù lại, cô luôn có Minh Vy – người vừa nóng tính nhưng cũng sống rất tình cảm bên cạnh.
Các năm sau đó, những bước chuyển trong sự nghiệp giúp Cẩm Ly vươn lên hàng ngôi sao từ bài hit đầu đời Người về cuối phố, hợp tác song ca cùng Đan Trường hay chuyển hướng sang dòng nhạc dân ca đều do Minh Vy định hướng và hỗ trợ thực hiện.
7 năm yêu nhau, Minh Vy và Cẩm Ly se duyên vợ chồng vào năm 2004. Nói về bà xã của mình, Minh Vy chia sẻ: “Cẩm Ly thuộc dạng phải cần có người hỗ trợ, còn tôi lại cần có người hậu phương. Tôi thương Ly ở chỗ kỹ tính và luôn lo cho tương lai.
Từ ngày yêu đến khi kết hôn, tôi cũng biết tính toán và cẩn thận hơn trong chi tiêu, chứ không kiểu làm nhiêu ăn nhiêu ngày trước. Cẩm Ly không thể sống một mình và tôi cũng vậy, nên cả hai gần như là mảnh ghép khít nhau một cách hoàn hảo”.
Gia đình Cẩm Ly và Minh Vy cùng hai cô con gái Cẩm Uyên, Cẩm Anh trong một chuyến đi chơi. |
Có 2 mụn con, cặp đôi chủ động giảm bớt công việc để lo cho gia đình, dù vậy, Minh Vy vẫn không quên tạo dựng cho bà xã nhiều sản phẩm ấn tượng khác từ xu hướng quay MV trên sân khấu, liveshow kỷ niệm 15 năm ca hát, chuỗi chương trình Tự tình quê hương…
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Minh Vy cho biết anh và bà xã sẽ vẫn hoạt động theo chiều hướng “không ồn ào nhưng bền” cũng như dần mở ra những con đường thiên về đào tạo lớp kế cận.
Hiện anh đang tập trung chuẩn bị cho liveshow Tự tình quê hương 5 dự kiến diễn ra vào năm tới cũng như thu âm album cho Thiện Nhân – quán quân The Voice Kids 2014 do anh và vợ cùng nhau đào tạo.