Miền Trung mưa lớn trên 450 mm, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

GD&TĐ - Sáng 23/10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác phòng chống thiên tai, ông Vũ Xuân Thành - Phó Chánh văn phòng chủ trì cuộc họp.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác phòng chống thiên tai. Ảnh:  cục PCTT.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: cục PCTT.

Theo báo cáo của trực ban tổng hợp, trong đêm qua các tỉnh khu vực miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi xảy ra mưa đặc biệt lớn, mưa tập trung ở khu vực đồng bằng, ven biển. Đến sáng nay, một số nơi đã tạnh mưa. Lũ trên các sông ở mức BĐ1-BĐ2.

Theo cập nhật nhanh của các địa phương thì chưa có thông tin ghi nhận về tình hình ngập lụt, chia cắt giao thông.

Theo dự báo, từ sáng sớm 23/10 đến ngày 25/10 ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa to đến rất to và dông, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 450mm.

Từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum với lượng mưa từ 50-150mm, có nơi trên 200mm…

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Để chủ động ứng phó, ngày 22/10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có Công điện số 15/CĐ-VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định đề nghị triển khai thực hiện một số nội dung nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ; văn bản số 486/VPTT ngày 22/10/2021 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình về chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng đã ban hành văn bản số 110/QGPCTT đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh Trung Bộ và Tây nguyên; Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam về việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Vũ Xuân Thành nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.

Đặc biệt cần nắm bắt tình hình, thông tin về ngập lụt, chia cắt giao thông. Tại Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây nguyên, xem xét cử cán bộ trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát, nắm bắt tình hình.

Đối với khu vực miền núi, cần kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn các ao hồ có nguy cơ mất an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Cảnh báo mưa lớn trên 450mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 22/10 đến sáng ngày 23/10, ở Quảng Bình đến Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to (lượng mưa tính từ 7h ngày 22/10 đến 07h ngày 23/10) với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi lớn hơn như: Lộc Trì (Thừa Thiên Huế) 426.8mm, Hòa Thuận (Quảng Nam) 374.4mm, Di Lăng (Quảng Ngãi) 342.8mm, Nhơn Hưng (Bình Định) 284mm,…

Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên từ sáng nay (23/10) đến ngày 25/10 ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên tiếp tục xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to; riêng Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến.

Cụ thể ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng từ 50-150mm, có nơi trên 150mm; Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 200-400mm, có nơi trên 450mm; Bình Định, Kon Tum và Gia Lai từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.