Con số ấy được cộng từ lượng khán giả yêu thích Michael Learns To Rock (MLTR), Wonder Girls , Sơn Tùng M-TP và Thu Minh .
Nhưng đêm qua, nhân vật chính vẫn là MLTR khi âm nhạc của họ mang tính kết nối cao nhất và được hưởng ứng rộng khắp.
Tay guitar Mikkel Lentz tuy đã già hơn nhưng vẫn lịch lãm như bao năm qua
1. Năm 1997 khi MLTR đang còn làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc châu Á, họ đến Việt Nam trong sự hò reo điên đảo của các fan. Hai đêm diễn tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) và Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) đều chật cứng khán giả.
Tuổi tác đã nhuốm màu phần nào trong giọng hát Jascha Richter nhưng anh vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng
Thậm chí lúc ấy ở TP.HCM, bức tường bên ngoài của nhà thi đấu Phan Đình Phùng in đầy dấu chân người và có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào vì lượng người nhảy tường vào trong đông đến không thể kiểm soát.
Lực lượng an ninh lúc ấy không biết làm cách nào vì người quá “mỏng” và họ cũng không lường trước được sự hâm mộ lại lớn đến vậy.
Rất nhiều người mê nhóm nhạc này nhưng không đủ tiền mua vé (mà cũng có thể có tiền nhưng cũng không mua được) đã làm cho chứng cuồng MLTR lên đến đỉnh điểm.
Tay trống Kare Wanscher
20 năm sau, MLTR trở lại nơi này trong một không gian đủ chứa tất cả trái tim của người hâm mộ. Và những công chúng khi xưa, giờ đã đến tham dự chương trình với hình ảnh khác đi: chững chạc hơn, đàng hoàng hơn nhưng trái tim họ thì vẫn bồi hồi như xưa.
Để đáp lễ điều này, 90% nội dung đêm diễn là những bài hát cũ. MLTR có lẽ không cần đến một sự mở rộng khán giả trong lần thứ 2 trở lại Việt Nam. Họ đã hát như khi họ đang ở đỉnh cao và ở dưới sân, hàng chục ngàn người đã hát theo họ.
Những ca khúc từ thời kỳ đầu danh tiếng như The Actor, Sleeping Child, Out Of The Blues, Complicated Heart… cho đến những bài của thời đỉnh cao như That’s Why You Go Away, Paint My Love, Someday, 25 minutes, Take Me To Your Heart… được MLTR hát lại bằng cả trái tim và đáp lại họ là những tiếng hò reo từ trái tim.
Hơn 20 năm trước, những đĩa nhạc của MLTR được tiêu thụ kỷ lục tại thị trường châu Á nhưng tại Việt Nam phần nhiều là qua băng đĩa nhái. Một thế hệ yêu nhạc đã sống cùng âm nhạc của họ và sau 20 năm sau, bây giờ mới được tận mắt chứng kiến những thần tượng năm xưa
Khán giả đã dành cho họ rất nhiều tình yêu
Mỗi bài hát của họ đều được hát vang cùng khán giả
20 năm sau, trở lại với nhau bằng trái tim cũng là một điều đáng quý bởi giọng hát của nhóm giờ cũng đã phai đi ít nhiều chất truyền cảm ngày xưa. Nhưng những khán giả đến xem họ trình diễn cũng chẳng câu nệ nhiều đến chất lượng giọng hát. Họ đến là để hồi tưởng lại một thời kỳ âm nhạc đã bùng nổ thế nào.
MLTR là một trong số ít những nhóm nhạc phương Tây đặc biệt thành công ở châu Á trong khi ngay tại chính quốc gia của mình (Đan Mạch) nhiều người lại không biết tới. Và đó cũng là lý do mà không ít người châu Á, kể cả người Việt, lại không thích MLTR bởi họ không giống một nhóm nhạc phương Tây nào.
Sự lạ lùng ấy rất khó để giải thích nhưng rõ ràng những sáng tác dựa trên giai điệu đẹp, ca từ êm tai là đích đến của nhóm nhạc này và chúng được chấp nhận tại thị trường châu Á. Chính vì thế mà ca sĩ chính của nhóm Jascha Richter đã nói rằng trở lại TP.HCM sau 19 năm giống như anh đang về nhà.
2. Năm 1997 nhóm MLTR đến Việt Nam biểu diễn khi đang ở đỉnh cao của danh tiếng. Lúc ấy Việt Nam nằm trong tour diễn châu Á của nhóm và quốc gia này được xem là mảnh đất đầy hứa hẹn cho giới bầu show tổ chức ca nhạc của nước ngoài.
20 năm sau MLTR trở lại nơi này, những chàng trai trẻ trung năm xưa giờ thành những gã trung niên vui tính và đang cố lưu giữ những nét thanh xuân. Và việc họ đến đây không phải trong tour diễn châu Á nào của nhóm, mà từ lời mời của một nhãn hàng.
20 năm trước Jascha Richter cũng có màn phi thân từ trên sân khấu và bây giờ anh cũng muốn lặp lại hình ảnh đó
20 năm qua Việt Nam ngày càng ít điểm đến chính thức của các nhóm nhạc, nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng.
Những tour lưu diễn châu Á của những nghệ sĩ nổi tiếng đều “ngó lơ” Việt Nam bởi cho rằng đây là thị trường mang nhiều tính rủi ro. Mà rủi ro thật, những show của Backstreet Boys, Westlife, Bi Rain… đã từng chứng thực cho điều này khi khán giả thấp hơn cả sự trông đợi rất nhiều.
Và vì thế, các nhãn hàng, các công ty lớn hoặc những chương trình âm nhạc lớn, đã xắn tay vào làm công việc của các nhà tổ chức để mang những nghệ sĩ nổi tiếng tới Việt Nam. Nhưng đó là những công việc “tay ngang”, nó không tuân thủ theo một quy luật của thị trường biểu diễn chuyên nghiệp khi Việt Nam cần phải nằm trong list những quốc gia có sức hấp dẫn về mặt thị trường.
Scorpions đã đến đây, Thomas Anders, Chris Norman, Richard Marx hay Boney M., Michael Learns To Rock cũng đã đến Việt Nam sau rất nhiều thập niên ngóng đợi của công chúng yêu nhạc Việt.
Sự thành công của MLTR trong lần thứ 2 trở lại TP.HCM cho thấy sức hút của họ vẫn rất lớn. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn là một bài toán mang nhiều tính rủi ro. Năm 2015, nhóm có đến Hà Nội nhưng lại không thật sự thành công. Gần như cùng một thời điểm nhưng lại cho 2 lời giải khác hẳn nhau
Nhưng việc họ đến cũng chỉ là những cũ “tất tay” chóng vánh bởi nhìn vào tour diễn chính thức của họ, đều không thấy tên Việt Nam.
Tất nhiên, đó là sự cố gắng rất lớn của những nhà tổ chức nhưng đó là sự cố gắng được xây dựng từ tình cảm nội tại mà thiếu hẳn một chiến lược lâu dài để đưa Việt Nam thành một sân chơi quốc tế có đẳng cấp.
Và một khi “tình cảm” của nhà tổ chức phai đi, họ cảm thấy rằng như vậy là đủ thì tất nhiên, khán giả sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác.
Lúc đó họ sẽ sang Thái Lan để xem Scorpions, sang Singapore để thưởng thức Smokie, sang Malaysia để xem Michael Learns To Rock, những tour diễn đã được lên lịch cả năm trước đó…
MLTR chào khán giả và liệu sẽ gặp lại nhau vào thời gian tới?
Thị trường biểu diễn quốc tế không phải được xây bằng sự cố gắng duy ý chí và túi tiền rủng rỉnh mà nó là cả một guồng máy chạy đều, xây dựng và có định hướng rõ ràng.
20 năm trước, Michael Learns To Rock đã đến đây và hôm nay họ đã trở lại, guồng máy ấy vẫn chưa hoạt động thật sự.
Michael Learns To Rock mang đến Việt Nam một sự hoài niệm nhẹ nhàng và sau đó là một nỗi buồn không tên.