Metaverse: Nghệ thuật ảo, nhức đầu thật

GD&TĐ - “Chúng ta sắp được vào trong metaverse rồi”, Lisa Bonos hào hứng nói với người xếp hàng phía sau mình.

Bonos đang bước vào vũ trụ ảo Verse.
Bonos đang bước vào vũ trụ ảo Verse.

Cô phải chờ khoảng 30 phút mới đến lượt được mang kính ba chiều (HoloLens) để có thể nhìn thấy những hình ảnh kỹ thuật số 3D bên trong căn phòng trống rỗng mà mắt thường không nhìn thấy được. Sau khi đeo kính, du khách sẽ được bước vào một vũ trụ ảo đầy kỳ thú. 

Từ một cuộc trưng bày NFT

Bonos đang bước vào vũ trụ ảo Verse, một triển lãm nghệ thuật nơi không có tác phẩm nào được đóng đinh vào các bức tường mà du khách chỉ có thể chiêm ngưỡng hình ảnh kỹ thuật số các “mã thông báo không thể thay thế” (NFT).

Triển lãm ảo được tổ chức tại Mint, một tòa nhà cổ ở trung tâm thành phố San Francisco (Mỹ). Vào thập niên 1870, Mint là nơi chứa gần một phần ba tài sản quốc gia. Nay, những căn hầm chứa vàng trơ trụi và không gian tường gạch là bối cảnh đẹp cho các đám cưới hoài cổ với “ngôi nhà ma ám”.

Peter, người đứng sau Bonos nói với Bonos là cô sắp trải nghiệm phiên bản của metaverse. Làm việc tại Meta (Facebook trước đây), anh cho biết công ty đang nỗ lực thuyết phục thế giới rằng metaverse rất tuyệt vời.

Thuật ngữ metaverse được nói đến cách đây 30 năm bởi tiểu thuyết gia Neal Stephenson, tác giả nghĩ ra một vũ trụ giả tưởng khoa học, nơi các avatar tương tác như con người trong thế giới thực.

Ông chủ của Peter, người đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Meta, Mark Zuckerberg, gọi metaverse là “Internet thế hệ mới, nơi bạn được trải nghiệm chứ không chỉ đơn thuần nhìn vào nó”. Thay vì đi dạo qua một triển lãm nghệ thuật 3D, đi xem các buổi hòa nhạc hoặc hội nghị ảo bạn sẽ sống trong chúng.

Trong metaverse, tiền giấy được thay thế bằng tiền điện tử, thứ bạn cần có để mua sắm những thứ nhìn thấy trước mắt trong Verse. Mỗi NFT có giá từ 25 - 250 nghìn USD tuỳ loại tiền điện tử sử dụng.

Cơn sốt NFT đã chinh phục nhiều người nổi tiếng như Melania Trump (cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đang bán 10 nghìn NFT với giá 50 USD mỗi chiếc để kỷ niệm những khoảnh khắc đáng nhớ trong nhiệm kỳ tổng thống của chồng), người mẫu Paris Hilton và các hậu duệ của Pablo Picasso (những người đang tạo ra bản phụ kỹ thuật số các tác phẩm của danh họa Tây Ban Nha).

Năm ngoái, một NFT vẽ Edward Snowden (kẻ phát tán thông tin mật của Cơ quan An ninh Mỹ NSA) và bán với giá hơn 5 triệu USD.

Những hoài nghi về triển vọng

Con gái 6 tuổi của Aaron Jones trải nghiệm vũ trụ ảo.
Con gái 6 tuổi của Aaron Jones trải nghiệm vũ trụ ảo.

Khi lang thang qua Mint, Sari Stenfors (nhà tương lai học đến từ Berkeley, California, Mỹ) vẫn hoài nghi về tương lai của metaverse. “Mọi người đang nói về nó. Nhưng không có quá nhiều người thực sự đi vào nó”, cô nói.

Mang kính, nhìn vào màn hình TV với đôi cánh rực lửa sau lưng, Stenfors không chắc mình đến từ thiên đường hay địa ngục! “Tôi cứ có cảm giác mình đang sống trong lễ hội Burning Man trên sa mạc.

Tôi muốn đụng chạm và tương tác nhiều hơn nữa trong vũ trụ ảo. Đụng chạm là cần thiết nên tôi chắc chắn nó sẽ có. Từ mùi đến chuyển động, tất cả”, Stenfors nhận xét. Sau đó, Stenfors đeo một chiếc kính cồng kềnh HoloLens2 (giá 3.500 USD của Microsoft) và cố gắng không va vào ai.

“Bị đưa đến một thế giới khác không hề thoải mái như bạn tưởng. Ngay chuyến đi vào thế giới ảo đầu tiên của tôi, HoloLens siết quá chặt đã để lại dấu trên trán đến vài giờ mới hết”, cô nói.

Thay vì triển lãm nghệ thuật truyền thống với các bức tranh trên tường, tại Verse, khách tham quan đeo kính hướng con trỏ về phía những biểu tượng NFT hình vuông để biết ai đã tạo ra nó, giá cả và cả mục đích của người sáng tạo. Rốt cuộc, vũ trụ ảo cũng là thương mại.

Trong vũ trụ ảo, thật là tuyệt khi bạn được đắm mình trong một khu rừng hoặc đi ngang qua những bông sen rực rỡ, nhưng việc điều hướng nó rất khó khăn. Mang kính cần chuyển động chính xác, nhưng hầu hết người tham quan Verse phải mày mò vài chục phút. Khi hướng HoloLens vào một biểu tượng (icon) cụ thể, chỉ cần nhích nhẹ đầu, màn hình sẽ biến mất.

Có quá nhiều thứ để xem đến mức bạn rất dễ quên là đừng chớp mắt và có thể bỏ sót một nhà máy nghiền thạch anh để chiết xuất vàng cuối thế kỷ 18. Một biểu ngữ bằng đèn LED mời những khách tham quan tự hỏi “Có thực không?” khi họ đi lang thang từ hologram (hình ảnh ba chiều) này sang hologram khác.

Trở ngại ngay từ chiếc kính chuyên dụng

Verse làm gợi nhớ cảm giác hồi hộp và mất phương hướng trong những ngày đầu làm quen với điện thoại thông minh. Smartphone tạo cảm giác quá tải thông tin. Phòng trưng bày ảo Verse tại Mint còn cho cảm giác chóng mặt hơn. Nó giống như việc mở hàng triệu trang web trong não rồi lướt qua chúng.

Ray Kallmeyer, người sáng lập công ty khởi nghiệp, cha đẻ của Verse, giải thích: “Học cách sử dụng HoloLens cũng giống như lần đầu tiên học sử dụng chuột và con trỏ. Thường phải mất từ 30 - 60 phút bạn mới quen được với nó”.

Aaron Jones, 32 tuổi, nhẹ nhàng đặt con gái Kaelyn, 6 tuổi (mang kính) xuống đất để nó xoay người cùng với vũ công ảo. “Nó thích con rồng nhưng ra lệnh cho con vật hãy biến khỏi khuôn mặt nó” – người cha nói.

Trước khi hết 30 phút với HoloLens, Kaelyn than “bị đau đầu rất nhiều”. Jones tháo kính cho con gái. Jones và Kaelyn đã từng làm quen với thực tại ảo trước khi đến Mint. Anh nhớ lại: “Tôi cố giải thích cho con hiểu nghệ thuật có thể là tiền và mua bán được”.

Summer Lindman, một nhà tiếp thị 32 tuổi ở San Francisco, đến Verse với số tiền điện tử Ethereum mà cô đã mua 6 năm trước với giá 11 USD/Ethereum (hiện có giá khoảng 2.500 USD). Cô chưa bao giờ nhìn thấy một NFT nên rất tò mò.

Tác phẩm NFT minh họa động một phụ nữ đang ngả lưng chụp ảnh tự sướng của một nghệ sĩ đã thu hút sự chú ý của cô vì nó “trông quá giống một tác phẩm nghệ thuật thực sự”. Nhưng cô quyết định không mua. “Tôi chỉ muốn trải nghiệm thực tế triển lãm ảo. Nhưng nay tôi không chắc mình còn muốn đến đây để xem NFT lần nữa không?”, Lindman nói.

Một số người tham dự Verse tỏ ra nghi ngờ về tương lai của nó khi lưu ý rằng các thấu kính ba chiều cần thiết để xem các tác phẩm nghệ thuật 3D không hề thoải mái và cho người mang cảm giác bị cô lập.

Xiaochen Yang, một cư dân San Francisco 32 tuổi, làm nghệ thuật và thiết kế, từng đến với metaverse khi HoloLens còn thô sơ, nhận xét: “Mặc dù, công nghệ đã phát triển và cuộc hành trình trong Verse khá sống động nhưng tôi vẫn cảm thấy đang đeo một chiếc khiên (kính) nhìn đêm để ra trận.

Người ta đến các phòng trưng bày để giao lưu giữa người và người, nay chiếc kính nặng nề đã tạo ra sự chia tách giữa con người và nghệ thuật. Là một nghệ sĩ, tôi không tin triển lãm ảo là giải pháp hay”.

Đối với một số người, các NFT chỉ có thể được hiển thị bằng kỹ thuật số (trên điện thoại, trên web hoặc xem qua thiết bị thực tế ảo) khiến họ không hứng thú lắm. Jorelle Jones, 40 tuổi, nói: “Tôi không biết mình có muốn cái này không khi nó không giống với bức tranh tôi đang treo trên tường”. 

Xem NFT như đồ sưu tầm hiếm

Những người mê NFT đến Mint với hy vọng được sở hữu bản quyền một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số (NFT) không có bản thứ hai. Ray Kallmeyer, người đã tạo ra một NFT có tên “Khuôn mặt” xem các cuộc triển lãm nghệ thuật như Verse là “sự phát triển của Internet”.

Anh cho biết, Verse đã bán được gần 40 nghìn USD NFT kể từ khi mở cửa vào đầu tháng 2/2022, trong đó có những người mua lần đầu tiên. Vì NFT là duy nhất nên có thể được mua đi bán lại như đồ sưu tầm. NFT của Kallmeyer gọi là “Nature”, để miêu tả sự tiến triển từ Internet sang metaverse. Đó là một người đàn ông da màu crôm, khom người và đi tập tễnh bằng bốn chân như loài linh trưởng.

Anh xem tác phẩm được bán với giá 1,5 Ethereum (khoảng 4 nghìn USD) này là “biểu tượng cho vai trò của nhân loại trên Trái đất”. “Chúng ta là một phần của tự nhiên hay tách biệt?” - Kallmeyer hỏi - “Nếu con người tạo ra một tòa nhà, một bức ảnh ba chiều hay Internet, thì chúng cũng là một phần của tự nhiên? Tôi nói là có”.

Kallmeyer cũng thừa nhận, một số NFT (ví dụ hai hình minh họa loài linh trưởng của Câu lạc bộ du thuyền Bored Ape-BAYC) được trưng bày tại Verse không đẹp mắt về thẩm mỹ.

Nhưng có người muốn đặt một con Bored Ape trong phòng ngủ vì yêu nghệ thuật? Sở hữu một NFT Bored Ape có thể giúp bạn sinh lợi từ 235 nghìn USD đến 2,8 triệu USD và địa vị đi kèm với nó (thành viên Câu lạc bộ đồng quê ảo) hơn là sự hấp dẫn nghệ thuật.

Theo The Washington Post 3/2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ