Metaverse là nơi thế giới vật lý và kỹ thuật số kết hợp với nhau, nơi nhân vật đại diện (avatar) của mọi người có thể tương tác với nhau rất sinh động.
Một chuyên gia định nghĩa: “Metaverse là một mạng lưới lớn của những hình ảnh 3D được dựng nên theo thời gian thực, cùng với đó là việc giả lập lại danh tính của người, các vật thể, lịch sử, thanh toán, cũng như trật tự xã hội. Không gian này có thể được trải nghiệm bởi không giới hạn số người dùng, mỗi người có một ý thức riêng về sự tồn tại của mình”.
Eric Schmidt - cựu Giám đốc Điều hành của Google, nói với The New York Times rằng, mặc dù ông tin rằng công nghệ metaverse sẽ sớm “có mặt ở khắp mọi nơi”, song ông cảnh báo nó “không nhất thiết là điều tốt nhất cho xã hội loài người”.
“Tất cả những người nói về metaverse là đang nói về những thế giới thỏa mãn hơn thế giới hiện tại - ở đó bạn giàu có hơn, đẹp trai hơn, xinh đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn. Vì vậy, trong một vài năm tới, mọi người sẽ chọn dành nhiều thời gian hơn với kính bảo hộ của họ trong metaverse” – Schmidt nói - “Và ai là người đặt ra các quy tắc? Thế giới được quan tâm sẽ là thế giới kỹ thuật số hơn là thế giới vật lý”.
Schmidt cho biết, ông coi AI, thứ mà Meta sử dụng để chạy phần lớn các thuật toán trên nền tảng của nó, là một “vị thần giả, khổng lồ” có thể tạo ra các mối quan hệ một chiều không lành mạnh.
Đó cũng là điều đã được cảnh báo tương tự trên nhiều diễn đàn. Chúng ta đã nghiện phiên bản hiện tại của mạng xã hội và phiên bản metaverse tiếp theo rất có thể sẽ còn gây nghiện hơn nữa. Facebook, Instagram và các công ty khác chi hàng tỷ USD để tạo ra những trải nghiệm khiến người dùng sử dụng nền tảng của họ nhiều nhất có thể.
Điều này có rất nhiều tác dụng phụ tiêu cực, chẳng hạn chúng ta sẽ tương tác nhiều hơn với những nội dung gây tranh cãi, gây ra sự tức giận và chán nản. Nếu metaverse gây nghiện hơn, số lượng các khía cạnh tiêu cực cũng sẽ tăng lên.
Trải nghiệm tương tác, nhập vai sống động khi dùng metaverse cũng đáng lo ngại. Người dùng, nhất là giới trẻ, sẽ lãng phí nhiều thời gian hơn trong thế giới ảo, tương tác nhiều trong thế giới ảo hơn là thế giới thực, thậm chí quên đi thế giới thực.
Một mối nguy hiểm thực sự khác là các công ty như Facebook sẽ nhận được nhiều dữ liệu hơn nữa về người dùng. Hiện giờ, họ đã ghi lại những gì chúng ta làm khi sử dụng sản phẩm của họ hoặc duyệt Internet trong khi Facebook đang mở trong một tab khác. Nhưng việc truy cập chỉ cần tai nghe và thiết bị điện tử đeo theo người sắp tới sẽ đưa điều này lên cấp độ tiếp theo.
Dữ liệu sinh trắc học là một mối quan tâm lớn khác về quyền riêng tư. Các công ty sẽ thu thập ngày càng nhiều dữ liệu về hành vi của chúng ta, dựa trên cách cơ thể chúng ta phản ứng với các kích thích khác nhau. Hãy thử tưởng tượng giờ đây FB có tư liệu của hàng tỷ người, họ có thể dự đoán hành vi của người dùng và ảnh hưởng đến hành vi, thậm chí có thể khơi gợi những cảm giác nhất định – một điều rất dễ bị lạm dụng.
Thậm chí người ta còn dự đoán rằng, sau giai đoạn của các thiết bị điện tử đeo trên người là vi mạch và hướng tiếp theo rõ ràng là tương tác bên trong tâm trí người dùng – một trong những vùng lãnh thổ nguy hiểm nhất.
Với người dân bình thường, việc nói về tác động an ninh chính trị của công nghệ metaverse cũng là một điều thú vị, nhất là khi có sự đối đầu chính trị của các nước lớn. Nhưng điều đó dường như quá xa vời nếu so với những lo ngại về trải nghiệm cảm xúc, hành vi mà người dùng hay con cái họ có thể chịu tác động khi metaverse trở nên phổ biến như cách Facebook đã phổ biến và tác động ngày nay.