Mẹo nhỏ nâng cấp máy tính hiệu quả, giá rẻ bất ngờ

GD&TĐ - Bạn đang muốn tăng thêm sức mạnh cho máy tính của mình? Những lựa chọn nâng cấp và các món phụ kiện giá rẻ bất ngờ này sẽ giúp bạn thực hiện được mong muốn mà không phải cắn răng... nhịn ăn sáng cả tháng trời.

Mẹo nhỏ nâng cấp máy tính hiệu quả, giá rẻ bất ngờ

Đầu tư các khoản nhỏ cho những phần cứng quan trọng có thể giúp máy tính của bạn tiếp tục "chiến đấu" tốt trong vài năm nữa.

Những nâng cấp này hầu hết đều có giá dưới 100 USD, sẽ giúp thổi một luồng năng lượng mới vào cỗ máy già cỗi của bạn. Những gì bạn cần là phải tính toán một cách kỹ lưỡng và đặt tiền vào nơi hợp lý nhất trong hệ thống PC của mình.

Tăng tốc PC với ổ cứng thể rắn SSD

Bắt đầu với nâng cấp hiển nhiên nhất. Nếu PC của bạn sử dụng ổ cứng HDD thông thường, đã đến lúc thay thế nó bằng một ổ cứng thể rắn SSD. Ổ cứng SSD sẽ đẩy nhanh thời gian khởi động máy, sao chép tập tin và tốc độ phản hồi của toàn bộ hệ thống.

Dù giá SSD đang tăng qua từng năm nhưng nhìn chung mức giá trung bình của loại ổ cứng này vẫn chấp nhận được. Các loại SSD cao cấp như Samsung 850 EVO (giá khoảng 2,7 triệu đồng cho bản 250 GB trên Tiki) và Crucial MX300 (giá khoảng 2,23 triệu đồng cho bản 275 GB trên Lazada) có thể được tìm thấy trên nhiều cửa hàng trực tuyến với giá dưới 2 triệu đồng.

Nếu mức dung lượng của chúng quá thấp so với nhu cầu của bạn thì bạn có thể vừa sử dụng ổ SSD làm ổ đĩa khởi động, vừa sử dụng ổ HDD thông thường mà bạn đang sử dụng để lưu trữ dữ liệu.

Cần chú ý là trên thị trường có rất nhiều hãng SSD nghe khá lạ, với các sản phẩm giá cực kỳ hời. Nhưng nếu mua các sản phẩm này, bạn như đang chơi một canh bạc, bởi chẳng ai biết tuổi thọ của chúng sẽ được bao lâu.

Ổ cứng dung lượng cao "rẻ như cho"

Một tin vui khác là giá ổ cứng thông thường hiện nay đã khá rẻ. Một ổ cứng Western Digital Blue dung lượng 1TB, tốc độ 7.200rpm chỉ còn 1 triệu đồng, trong khi ổ WD Blue 3TB chỉ khoảng 2 triệu đồng mà thôi (ổ này quay chậm hơn, 5.400rpm).

Một lựa chọn khác là các ổ đĩa lai, sở hữu những thuộc tính tốt nhất của cả hai loại ổ cứng, trong khi vẫn nhỏ nhẹ và nhanh nhờ sử dụng cache flash. Chương trình điều khiển của ổ đĩa sẽ theo dõi các tập tin mà bạn hay sử dụng và đưa chúng vào cache - nơi chúng được hưởng lợi từ tốc độ siêu khủng của SSD.

Một ổ cứng lai Seagate 2.5-inch tốc độ 5400rpm, dung lượng 1TB cùng một ổ SSD 8GB đóng vai trò cache chỉ có giá 1,3 triệu đồng, trong khi ổ 3.5 inch, 7200rpm, 1TB cùng một ổ SSD 8GB khác có giá 1,6 triệu đồng.

Lắp thêm RAM để cải thiện đa nhiệm

Nếu máy tính của bạn gặp vấn đề với các tác vụ đa nhiệm, nguyên nhân có lẽ là do thiếu bộ nhớ. Hệ điều hành Windows hiện tại chỉ cần 2GB tối thiểu để hoạt động mượt mà, và ngay cả các PC với 4GB RAM cũng có thể chậm chạp nếu bạn xử lý quá nhiều phần mềm, mở hàng tá tab Chrome, hay chơi game mà chưa tắt các ứng dụng chạy nền.

Không may là bộ nhớ RAM không hề rẻ. Bạn có thể theo dõi các dịp sale, biết đâu có thể mua được RAM DDR4 8GB với giá chỉ khoảng 1,6 triệu đồng, DDR3 8GB thậm chí còn rẻ hơn: 1,4 triệu đồng.

Bạn nên sắm RAM của các hãng nổi tiếng như Kingston và Corsair, ngay cả khi bạn đang cố tiết kiệm thì cũng nên nhớ rằng đừng bao giờ mua RAM của các công ty vô danh.

Cuối cùng, bạn nên biết rằng RAM được bán trên thị trường có nhiều loại khác nhau, và cách nhận biết là sử dụng phần mềm CPU-Z trứ danh.

Nâng cấp CPU

Một trong những nguyên nhân làm máy chậm có thể là do CPU đã lỗi thời. Thay thế CPU thường đi kèm với thay thế cả bo mạch chủ, khiến giá cả tăng vọt. Tuy nhiên nếu bạn đang sử dụng CPU của AMD thì lại khác.

Các bo mạch chủ AM3+ và FM2 của AMD đã hoạt động với các CPU và APU của AMD từ năm 2012. Nhiều hệ thống AMD lắp sẵn có chip xử lý khá "bèo", do đó việc nâng cấp lên CPU đời mới hơn sẽ giúp máy chạy bốc hơn nhiều.

Nếu bạn sử dụng CPU FM3+ thì Athlon X4 860K (giá 77 USD) là một lựa chọn hợp lý dành cho game thủ, trong khi CPU FX-8320E 8 nhân (giá 107 USD) là một nhà vô địch khi tính đến tỉ lệ giá cả - hiệu năng.

Nếu bạn sử dụng CPU FM2 với AMD APU thì CPU A10-7860K (giá 97 USD) là thứ bạn nên mua, bởi nó có chip đồ hoạ tích hợp cho phép bạn chơi các game e-sport với tỉ lệ khung hình khá tốt.

Trái với AMD, Intel thay đổi các loại bo mạch chủ và socket thường xuyên hơn, và chip của nó cũng đắt hơn nhiều. Việc thay thế chip Intel không phải luôn là giải pháp nâng cấp hợp túi tiền trong phần lớn trường hợp.

Bạn cần chắc chắn con chip mới tương thích hoàn toàn với bo mạch chủ hiện tại. Trước khi mua hãy dùng CPU-Z và tìm mục "Package" trong tab CPU để xem bo mạch chủ hiện tại của bạn dùng loại socket gì.

Không cần phải đắt mới chơi được game

Nếu mục đích nâng cấp máy là để chiến game, bạn nên bình tĩnh và đừng hấp tấp.

Card GeForce GTX 1050 (giá gần 3 triệu đồng hoặc cao hơn) của NVIDIA cho hiệu năng tuyệt vời khi chơi các game e-sport như League of Legends và Overwatch. Nó còn có thể chiến tốt các game hiện đại với tốc độ 30 fps, thiết lập Ultra ở 1080p, hoặc tối đa 60fps ở mức thiết lập Medium.

Nhiều mẫu card màn hình còn lấy điện trực tiếp từ bo mạch chủ, do đó bạn không cần các đầu cắm phụ nữa. Bạn có thể sử dụng chiếc card này để thêm khả năng chơi game cho các PC lắp ráp sẵn của HP và Dell.

Tuy nhiên, một phiên bản khác (overclocked) của GTX 1050 lại yêu cầu một đầu kết nối 6-pin. Nếu bạn không có đầu kết nối thì không nên mua card này, trừ khi bạn muốn sắm thêm...một bộ nguồn mới nữa. Một bộ nguồn 500 watt của các hãng tên tuổi không đắt lắm, ví dụ như chiếc EVGA 500 W1 có giá khoảng 700-800 đồng mà thôi.

Sắm bình thổi bụi

Bình thổi bụi rất cần thiết, bởi nếu bạn chưa lau chùi PC trong một năm hoặc hơn thì có lẽ nó đã bị đóng một lớp bụi dày đặc. Các quạt tản nhiệt bị đóng bụi và các cổng kết nối bẩn sẽ dẫn đến quá nhiệt, khiến PC tự động giảm hiệu năng. Bình thổi bụi có giá khá rẻ, khoảng 200-400.000 đồng/4 bình, đủ dùng trong vài năm liền.

Chú ý làm mát để cải thiện hiệu năng

Nếu PC vẫn nóng sau khi đã thổi bụi, có lẽ nguyên nhân là lớp keo tản nhiệt trên CPU hay GPU đã khô.

Đầu tiên, bạn cần cài ứng dụng SpeedFan và kiểm tra xem liệu CPU và GPU có thực sự đang quá nhiệt hay không. Nếu có, mua một xi-lanh keo tản nhiệt (loại Arctic Silver 5 khá tốt, giá khoảng 150.000 đồng) và xem các hướng dẫn trên YouTube để trét lớp keo này lên các thiết bị nhé.

Sau khi đã bôi keo mà máy vẫn nóng, đã đến lúc lắp thêm quạt lên thùng máy. Bạn có thể lắp một hoặc hai quạt, và chúng có giá khá rẻ: quạt của Cooler Master chỉ 160.000 đồng và thao tác gắn rất đơn giản, chưa tới 1 phút.

Sắm màn hình mới

Nếu bạn dành phần lớn thời gian làm việc và giải trí trên máy tính, bạn nên xem xét đầu tư một màn hình chất lượng tốt để đỡ hại mắt. Bạn có thể dùng màn hình HP độ phân giải 1080p, kích thước 21.5-inch công nghệ IPS với giá chỉ khoảng 2 triệu đồng. Màn hình IPS cho màu sắc rực rỡ hơn thông thường.

Nếu bạn là một game thủ sở hữu card đồ hoạ Radeon thì nên mua một màn hình hỗ trợ công nghệ FreeSync của AMD. FreeSync sẽ đồng bộ tần số làm tươi của card đồ hoạ, giúp giảm hiện tượng nháy hình và xe hình trong game.

Trong khi màn hình hỗ trợ công nghệ G-Sync của NVIDIA có giá khá cao thì màn hình hỗ trợ FreeSync lại chỉ tăng giá đôi chút so với màn hình thường. Một màn hình FreeSync 22-inch 1080p của ViewSonic có giá khoảng 2,5 triệu đồng mà thôi.

Sắm tai nghe mới

Loa đi kèm với các dàn PC ráp sẵn thường khá "cùi bắp".

Nếu bạn là một game thủ, hãy chọn tai nghe chuyên game Kingston HyperX Cloud Stinger với giá chỉ 1 triệu đồng, cho chất lượng âm thanh tốt, hoàn thiện tinh xảo và thoải mái khi đeo. Điểm trừ duy nhất của nó là microphone chỉ ở mức trung bình mà thôi.

Nếu bạn không cần mic thì hãy chọn Senheiser HD 280 Pro với giá 2,5 triệu đồng. Tai nghe này có bass không mạnh như Beats hay Monster, nhưng nó mang lại âm thanh chuẩn.

Sắm thêm chuột và bàn phím mới nữa nhé

Hãy dẹp bộ phím chuột đi kèm dàn máy ráp sẵn đi và nâng cấp lên bàn phím cơ để cảm nhận "sự sung sướng" trong mỗi lần nhấn phím. Logitech G610 Orion với switch Cherry MX Red giá 2 triệu đồng là một lựa chọn hợp lý dành cho người mới chơi bàn phím cơ.

So với bàn phím thông thường, G610 Orion quá đắt, nhưng so với các bàn phím cơ khác thì đây lại là mức giá khá rẻ. Sau khi gõ quen bàn phím cơ, bạn sẽ chẳng còn muốn quay lại dùng bàn phím su đâu.

Tương tự bàn phím, con chuột cũng là một thứ rất đáng để đầu tư. Razer DeathAdder với giá 900.000 đồng là một con chuột chơi game tuyệt vời, với thiết kế công thái học và cảm biến DPI cực cao, cầm vừa tay và chuyển động mượt mà.

Hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có thể nâng cấp dàn máy tính cũ kỹ của mình trong năm 2018 để đáp ứng tốt các nhu cầu công việc và giải trí trong thời gian đến.

Theo Vnreview/PCWorld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ