“Mẹo” làm bài thi môn Toán để “rinh” điểm cao

GD&TĐ - Theo các giáo viên dạy Toán, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, thời điểm này các em nên rèn kỹ năng làm bài thi và lưu ý một số sai lầm cần tránh.

ThS Nguyễn Thành Phước - Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang) ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh.
ThS Nguyễn Thành Phước - Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang) ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Học đâu, chắc đấy

Theo ThS Nguyễn Thành Phước - Tổ phó chuyên môn Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang), căn cứ vào đề thi minh hoạ và đề thi tốt nghiệp THPT 2020, đề thi bám sát chuẩn kĩ năng, kiến thức và theo chương trình SGK. Vì vậy, việc đầu tiên là các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản, sau đó mới có thể phát triển mở rộng kiến thức.

Chẳng hạn như với chủ đề tích phân được phân chia thành 3 dạng kiến thức chính, các em cần nắm vững: Thứ nhất, các định nghĩa, khái niệm liên quan tích phân và các tính chất của tích phân.

Thứ hai, các phương pháp giải bài tập tích phân như: Phương pháp đổi biến hoặc phương pháp tính tích phân từng phần.

Thứ ba, vận dụng tích phân vào tính diện tích của hình phẳng hoặc tính thể tích của một khối tròn xoay.

Cũng theo ThS Nguyễn Thành Phước, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần; do đó các em cần có tâm thế tốt để tự tin bước vào kỳ thi. Đặc biệt, thời điểm này các em cần rèn kỹ năng làm bài thi.

“Mẹo” làm bài thi môn Toán để “rinh” điểm cao ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

Sau khi tiếp nhận đề thi, các em lưu ý: Câu nào dùng máy tính cầm tay được thì sử dụng để tránh lãng phí, dành phần năng lượng tích cực đó cho các câu khó hơn hoặc những câu bắt buộc giải bằng cách tự luận.

Tích cực ôn tập bám sát theo đề minh họa môn Toán của Bộ GD&ĐT. Để tránh các sai sót và làm bài thi có hiệu quả, thì vai trò của giáo viên đứng lớp rất quan trọng. Giáo viên căn cứ vào năng lực của từng học sinh, giao nhiệm vụ cho các em, tránh để các em quá tải.

Ví dụ: Khả năng 1 học sinh trung bình mà dạy ở mức đạt điểm 7, 8 là rất khó. Nên dạy các em ở mức kiến thức 5 - 6 điểm. Các em cần sự thoải mái, tự tin để bước vào kỳ thi sẽ giúp các em ít mắc phải những sai lầm cơ bản nhất.

Ngoài ra, nhiệm vụ của học sinh cần nắm vững lí thuyết cơ bản, hiểu và vận dụng được các tính chất, sử dụng thành thạo máy tính cầm tay. Bởi kiến thức đề thi tốt nghiệp trên 60% là kiến thức nền cơ bản.

Đồng quan điểm, thầy Đỗ Văn Hải – Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh) nhận định: Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì Kỳ thi THPT quốc gia như những năm trước. Do vậy, mức độ các câu hỏi trong đề cũng nhẹ nhàng hơn.

Theo thầy Hải, để làm tốt bài thi môn Toán, các em cần chuẩn bị kiến thức thật tốt trước khi thi và rèn luyện các kỹ năng làm trắc nghiệm như: Làm tự luận, loại trừ, thử đáp án…

Thầy Đỗ Văn Hải – Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh)
Thầy Đỗ Văn Hải – Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh)

“Điểm danh” những sai lầm cần tránh

Cũng theo thầy Hải, trong quá trình làm bài, thí sinh cần tránh những sai lầm như: Một số học sinh chưa chắc kiến thức nên hay bị nhầm lẫn các công thức áp dụng cho việc tính toán. Chẳng hạn, đối với dạng bài tập về khối đa diện và khối tròn xoay, học sinh thường mắc phải các sai lầm: Xác định các yếu tố của giả thiết sai, nhất là những bài tập có cho yếu tố góc và khoảng cách.

Theo ThS Nguyễn Thành Phước, học sinh hay mắc phải là học tràn lan, làm nhiều đề mà không cô đọng thành cái riêng cho mình nên dễ dẫn đến tâm lý lo sợ và sai sót.

“Lời khuyên của giáo viên dành cho học sinh lúc này là: Học đến đâu là chắc đến đó, cái nào tiếp thu được thì chọn, nội dung nào khó quá, vượt sức thì bỏ ngay. Khi kiến thức các em vững, các em làm gì cũng đúng, kể cả bài tập khó, nhưng khi sợ hãi thì cái dễ cũng sai” - ThS Nguyễn Thành Phước trao đổi.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Trong quá trình làm bài, các em cần đọc kỹ đề, gạch chân các từ hoặc cụm từ quan trọng, phải tính toán cẩn thận tránh sai sót và mất điểm những câu dễ. Xác định rõ mức độ các câu hỏi trong đề (thường đã được sắp xếp) để bố trí thời gian hợp lý cho từng nhóm câu hỏi. Quá trình nháp cũng phải gọn gàng, tuần tự để tiện trong quá trình xem lại khi cần.

"Khi bước vào phòng thi đừng tự tạo áp lực cho mình. Làm bài tự tin, câu dễ làm trước, câu khó làm sau; câu nào vượt quá khả năng thì có thể làm theo cảm tính. Các em cần xem lại thật kĩ các câu đã làm và nhớ tô đáp án bài thi cho đúng trước khi nộp bài" - ThS Nguyễn Thành Phước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ