Loại bỏ những phần bị sâu
Muốn bảo quản rau tươi ngon hơn, bạn cần cắt bỏ những chỗ bị sâu, úa có trên rau củ để tránh bị lây sang những chỗ tươi khác trong quá trình bảo quản.
Có một số loại củ như khoai tây, cà rốt, củ dền,… dù có vết bẩn ở rễ và lớp vỏ nhưng chúng lâu bị hư, chỉ cần rửa sạch sẽ là có thể dùng được. Hãy để những loại củ như vậy ở chỗ thoáng mát, tránh ẩm ướt để bảo quản được tốt hơn.
Hạn chế sơ chế rau củ trước
Qúa trình sơ chế như cắt, nhặt, chẻ,… không đúng cách thì dễ làm thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng. Vì thế, cần chú ý đến cách bảo quản riêng cho từng loại thực phẩm.
Đồng thời, theo các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo khá nhiều trên phương tiện truyền thông rằng: việc nhặt, cắt rau sẽ làm cho vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi nhiều hơn từ chỗ cắt.
Gợi ý:
Rau tươi xanh, không nên rửa, cuốn nhẹ vào 1, 2 lớp giấy (vải sạch) để vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này giữ được màu sắc và lượng chất dinh dưỡng khoảng 3 – 4 ngày dù có hơi héo một chút.
Cà chua, nên chọn trái còn xanh, vì để được lâu trong những ngày Tết. Nếu bạn muốn chúng chín nhanh, thì để gần với một quả chuối hoặc táo từ 1 đến 2 ngày.
Một số loại đậu như đậu Hà Lan, ớt Đà Lạt,… có thể rửa sạch, cắt thành từng miếng, rồi nhúng vào nồi nước sôi. Tiếp theo là cho vào thau nước đá thật lạnh để làm giảm nhiệt độ đột ngột. Cuối cùng là cho vào túi hay hộp thực phẩm, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Cách làm này bảo quản được 2 – 3 ngày!
Bảo quản ở nhiệt độ nào
Muốn rau tươi lâu, bạn nên để tủ lạnh ở nhiệt độ 1-4 độ C. Vì vi khuẩn thường phát triển mạnh khi rau quả được bảo quản ở nhiệt độ trên 4 độ C, ngược lại, nếu nhiệt độ thấp quá lại có thể khiến rau quả đóng băng, nhanh hỏng.
Dự trữ rau xanh và trái cây riêng biệt
Phần lớn rau và trái cây được phân thành hai nhóm: Một nhóm được xem là những “nhà sản xuất” khí ethylene và nhóm còn lại nhạy cảm với ethylene. Vì vậy, nếu bảo quản chung thì sẽ làm những sản phẩm “nhạy cảm” chín nhanh hơn.
Táo, đu đủ, chuối, bơ và cà chua được xem là những nhà “sản xuất” khí ethylene. Những sản phẩm như rau diếp, bông cải xanh, chanh, cam và cà rốt lại thuộc nhóm nhạy cảm với khí ethylene. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rau quả bầm dập hoặc một số loại rau, trái cây cũng có thể là nguyên nhân khiến những thứ để chung sản xuất nhiều khí ethylene hơn. Thông thường trái cây sản sinh ra nhiều khí hơn còn rau xanh lại khá nhạy cảm với những ảnh hưởng nguy hiểm của ethylene.
Dự trữ rau có lá màu xanh đậm
Rau diếp và các loại thảo dược nên được bảo quản trong những chiếc hộp nhựa có khóa kéo đặc biệt, được thiết kế riêng dành cho việc bảo quản rau xanh. Những chiếc hộp này thường có nhiều ngăn, có rãnh nhựa nhằm giữa cho không khí được lưu thông tốt hoặc sẽ có các lỗ thông khí.
Nếu không có loại hộp này, bạn hãy sử dụng những chiếc túi nhựa có khóa kéo với những tờ giấy thấm bảo quản rau. Để 1 hoặc 2 tờ giấy thấm vào mặt trong của túi nhựa, cho rau vào và kéo khóa lại. Giấy thấm sẽ hút bớt chất ẩm do túi nhựa không có lỗ thoát hơi. Bạn có thể áp dụng phương pháp này đối với rau diếp, rau bina, ngò tây, mù tạc xanh, một số loại rau tương tự.
Thời gian giữ rau củ trong tủ lạnh:
- 2-3 ngày: măng tây, cải bắp
- 3-5 ngày: bông cải xanh, đậu Hà Lan, hành lá.
- 1 tuần: đậu, súp lơ, dưa chuột, rau lá xanh, tỏi tây, rau diếp, ớt, bí ngô.
- 1-2 tuần: cần tây.
- 2 tuần: củ cải, cà rốt, củ cải.
Hãy bỏ túi ngay mẹo bảo quản rau củ được chia sẻ trên đây!