Nếu lỡ nêm muối quá tay khi chuẩn bị bữa tiệc, bạn không có thời gian làm lại, cũng không muốn lãng phí đồ ăn nhưng không thể để khách ăn đồ mặn, đừng hoảng sợ, các đầu bếp chuyên nghiệp gợi ý 5 mẹo sau đây.
Rắc một ít đường
Đường được thêm vào nhiều loại gia vị, một mặt để cân bằng hương vị của chính loại gia vị đó, mặt khác để làm cho hương vị của gia vị có nhiều lớp hơn.
Tương tự như vậy, chỉ cần rắc mật ong, mật đường, đường trắng hoặc đường nâu không những trung hòa vị mặn của súp, nước sốt mà còn tăng thêm hương vị cho món ăn.
Nếu nước sốt có màu đậm hơn thì nên dùng đường nâu. Mỗi lần thêm một ít, nếm thử và khuấy kỹ.
Bổ sung các sản phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa như sữa tươi và sữa chua, đặc biệt là sữa tươi, có tác dụng trung hòa vị mặn tốt nhất, đồng thời trung hòa hương thơm của gia vị, giúp món ăn không bị loãng hoặc nhạt nhẽo, đồng thời tăng thêm cảm giác đậm đà và êm dịu.
Nước cốt dừa là một lựa chọn khác, nguyên liệu này làm giảm độ mặn và làm cho món ăn đặc hơn, mịn hơn.
Ngoài ra còn có một nguyên liệu đơn giản và tiện lợi, đó là một thìa sữa chua đặc và thơm, giúp ức chế vị mặn đồng thời pha loãng muối.
Nếu sốt cà chua quá mặn, bạn có thể cho thêm kem tươi vào để biến trực tiếp thành sốt kem cà chua nhằm giảm bớt vị mặn.
Thêm nguyên liệu
Nếu súp hoặc nước sốt quá mặn, bạn có thể dùng nước kho không muối, rượu vang đỏ hoặc cà chua thái hạt lựu. Thêm các thành phần mới để tăng hương vị, không làm loãng hương vị.
Không nên cho thêm nước để làm loãng vị mặn, vì nước cũng sẽ làm loãng hương vị đậm đà của món ăn. Nếu chỉ pha loãng với nước và súp hoặc nước sốt không đủ đặc thì phải thêm một số nguyên liệu ban đầu để điều chỉnh nồng độ tối ưu và gia vị cần được nêm lại.
Bột gia vị hoặc lá thơm tươi có thể cho trực tiếp vào nhưng đối với một số loại gia vị như tỏi, hành, gừng hoặc các loại gia vị có kích thước lớn thì nên xào chín trên chảo riêng trước khi cho vào món ăn.
Tăng số lượng công thức
Nếu số lượng nguyên liệu chuẩn bị ban đầu đã đủ thì số lượng công thức có thể tăng lên. Cho các nguyên liệu còn lại vào nồi khác và nấu không thêm muối. Sau khi chín, thêm từng chút một vào món bị mặn cho đến khi vừa miệng.
Hoặc thêm một số nguyên liệu có thể nấu nhanh như rau lá xanh tươi vừa giữ được hương vị của món ăn vừa làm loãng vị mặn.
Ngoài ra, các loại rau có hương vị nhẹ như súp lơ hay bông cải xanh sẽ không làm mất đi mùi vị của nguyên liệu mà bản thân các loại rau sẽ thấm nước súp và có hương vị thơm ngon hơn.
Bạn cũng có thể thêm một ít mì đã nấu chín, chưa nêm gia vị, gạo, lúa mạch, hạt diêm mạch... để món ăn không có vị mặn và dù nhiều hơn nhưng cũng không bị lãng phí tiền bạc.
Một số người cho rằng việc bổ sung một số thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây có thể hấp thụ muối, nhưng cách làm này vẫn còn gây tranh cãi và hiệu quả hấp thụ dường như không rõ ràng.
Thêm vị chua
Nêm một số nguyên liệu có tính axit như giấm trắng để trung hòa vị mặn của súp, nước sốt nhưng không nên dùng quá nhiều. Giấm táo hoặc giấm rượu vang đỏ có vị dịu, sảng khoái, có tính axit có khả năng che đi vị mặn để vị giác của bạn không cảm thấy mặn.
Hoặc vắt một ít nước cốt chanh, nước cam rồi rưới lên các món ăn. Vị chua khiến hương vị đậm đà hơn và trung hòa vị mặn.