Mệnh lệnh cuộc sống thấm vào suy nghĩ, hành động đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Nhân dịp đầu Xuân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã có cuộc trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, đánh giá những chuyển động và sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục – Đào tạo năm 2014 và hình dung về những nhiệm vụ của toàn Ngành trong năm 2015.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Chuyển động trong nhận thức, tư duy về đổi mới giáo dục

Thưa Bộ trưởng, nhìn lại năm 2014, đâu là điều Bộ trưởng tâm đắc nhất và là kết quả nổi bật nhất của ngành Giáo dục - Đào tạo?

- Điều tôi thấy tâm đắc nhất là sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đối với giáo dục.

Bên cạnh đó, sự chuyển động trong nhận thức, trong tư duy về đổi mới giáo dục như một mệnh lệnh cuộc sống đã thấm vào trong suy nghĩ, hành động của không chỉ những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mà của toàn xã hội.

Sự hưởng ứng của các thầy cô, các em học sinh khi Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường chính là điểm tựa để đổi mới giáo dục có những bước đi vững chắc.

Ở khối phổ thông, nhà trường đã được giao chủ động để xây dựng kế hoạch học tập.

Ở khối đại học, các trường được tự chủ và chịu trách nhiệm về hoạt động chuyên môn theo tinh thần Luật Giáo dục Đại học, Bộ không can thiệp sâu như trước. Chương trình khung đại học cũng đã được bỏ, các trường được khuyến khích, tạo động lực để gắn kết với doanh nghiệp, để sản phẩm đào tạo gần hơn với thị trường lao động...

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành nhiều công tác để triển khai.

Nhưng cũng phải lưu ý rằng: Giáo dục là sự nghiệp lâu dài. Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Những công việc của sự nghiệp đổi mới ngành Giáo dục đang triển khai hôm nay phải mất một thời gian nữa mới thấy kết quả. Đây không phải là việc làm có thể thấy ngay toàn bộ kết
quả.

Để chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo cạnh những công việc chuyên môn, việc chuẩn bị về phần tâm lý cho học sinh, giáo viên, giải bài toán “quá độ” với chương trình, sách giáo khoa hiện tại, đào tạo sư phạm… đã và đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Để chuẩn bị cho việc đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào giảng dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên. Nhưng ngay từ bây giờ, đội ngũ giáo viên phổ thông đang từng bước đổi mới nhận thức và hoạt động giáo dục. Đây là những bước đầu tiên tập dượt cho việc đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào giảng dạy.

Việc đổi mới thi cử đã và đang được triển khai cùng với đổi mới cách dạy của thầy và cách học của trò. Chương trình, sách giáo khoa hiện hành đang được tổ chức dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng kiểm tra trí nhớ.... nay phải chuyển dần sang đánh giá phẩm chất, kỹ năng người học. Hướng đổi mới này sẽ tiếp tục với mức độ sâu hơn ở những năm về sau.

Quá trình này vừa nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa là hoạt động trải nghiệm thực tiễn để các thầy cô giáo làm quen và nắm vững cách dạy học theo hướng phát triển kỹ năng.

Như vậy, đây là quá trình biến đội ngũ giáo viên hiện nay sang dạy - học theo chương trình mới, sách giáo khoa mới trong những năm tới. Đây cũng chính là những bước đầu tiên của quá trình bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay về kinh nghiệm và kiến thức giáo dục phát triển năng lực.

Nghiêm túc, thận trọng, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp

Thưa Bộ trưởng, phương châm những gì có lợi cho học sinh thì quyết tâm làm, chuẩn bị kỹ, cân nhắc cẩn thận nhưng không do dự triển khai… đã được thể hiện rất rõ trong những công việc mà ngành Giáo dục đã làm trong năm 2014, đặc biệt ở công tác đổi mới thi cử với chủ trương tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ trưởng cảm thấy khó khăn lớn nhất khi triển khai đổi mới công tác thi cử là gì và ngành Giáo dục đã có những biện pháp nào để tháo gỡ khó khăn này?

- Khó khăn lớn nhất chính là sức ỳ và thói quen. Trong ngành Giáo dục, cách dạy, cách học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều hiện hành đã tồn tại từ lâu, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và toàn xã hội đã quen thuộc với cách thức đó.

Thay đổi một nếp nghĩ, nếp làm đã thành “truyền thống” là công việc không dễ. Có thể ai cũng nhận thức được là cần phải thay đổi nhưng khi thực hiện thì vô hình trung nếp cũ lại quay về, cản trở quá trình đổi mới.

Vấn đề chính là phải thay đổi nhận thức và tư duy. Chúng ta phải làm cho khoảng 2 triệu thầy cô giáo hiểu thống nhất nhận thức và hành động; làm cho khoảng 20 triệu học sinh cùng chủ động thay đổi; rồi tiếp đến là mấy chục triệu phụ huynh học sinh cùng đồng thuận, ủng hộ và giúp đỡ thầy và trò đổi mới.

Sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua luôn bắt đầu từ sự đổi mới nhận thức. Trong quá trình đổi mới đó, chúng ta sẽ giữ lại những nề nếp tốt đẹp, đồng thời cũng phải mạnh dạn loại bỏ những điều không phù hợp.

Cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp luôn rất nghiêm túc, thận trọng, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía, cân nhắc, có trách nhiệm khi đưa ra quyết định không chỉ vì sự nghiệp chung mà còn vì từng học sinh, trong đó có cả con chúng tôi.

Cá nhân Bộ trưởng có cảm thấy áp lực không?

- Tôi không nghĩ đến áp lực, mà chỉ tập trung nghĩ đến các giải pháp tổ chức, triển khai Kỳ thi THPT quốc gia và công việc của Ngành. 

Có lòng tin, tính nguyên tắc, tinh thần trách nhiệm - sẽ vượt mọi khó khăn

Năm 2014, Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh đến “niềm tin vào đội ngũ”. Phải chăng đây chính là cơ sở để ông không nghĩ đến áp lực và tự tin vượt qua khó khăn khi triển khai công cuộc đổi mới giáo dục?

- Sự nghiệp đổi mới Giáo dục - Đào tạo cũng như sự nghiệp đổi mới mà Đảng đã khởi xướng từ năm 1986 là sự nghiệp của toàn dân, của quần chúng, do Đảng ta lãnh đạo.

Nói riêng trong ngành Giáo dục, tôi có lòng tin mạnh mẽ vào đội ngũ đông đảo thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang vượt qua vô vàn khó khăn trở ngại, từng bước kiên trì vượt qua chính mình, chủ động sáng tạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Có lòng tin, có tính nguyên tắc, có tinh thần trách nhiệm sẽ vượt qua được mọi khó khăn.

Được biết, năm 2014 Bộ trưởng đã có nhiều chuyến công tác đến địa phương, Bộ trưởng ấn tượng với vùng đất, với chuyến đi nào nhất?

- Năm qua, tôi có nhiều chuyến đi cơ sở để lại ấn tượng khó quên. Xin đơn cử:

Chúng tôi khởi công xây dựng ngôi trường trên huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đảm bảo việc học, quyền được sống cùng với cha mẹ, gia đình của các cháu.

Tôi nghĩ qua đó các cháu sẽ cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của xã hội và từng bước ý thức được trách nhiệm của mình.

Tôi cũng đã trở lại Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) để trao tặng thầy cô ở đó nhà công vụ được xây dựng bằng sự chia sẻ cả vật chất cũng như tinh thần của các thầy cô giáo trong cả nước.

Những con người, những hoàn cảnh tôi đã gặp trong các chuyến công tác đó giúp tôi có thêm sức mạnh để cùng với các đồng nghiệp vượt qua khó khăn.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện!

Xin cảm ơn tất cả các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo trong năm 2014 đã gửi ý kiến góp ý, hiến kế việc đổi mới giáo dục, cảm ơn các thầy cô giáo đã đi đầu trong triển khai các mô hình, các phương pháp giáo dục hiện đại, tích cực, đóng góp tâm huyết, trí tuệ, sát cánh cùng chúng tôi trong việc giải quyết những bất cập, hướng tới đổi mới giáo dục.

Nhiều thầy cô giáo công tác, dạy học ở vùng sâu, vùng xa đang từng ngày phải vượt qua khó khăn để bám trường, bám lớp. Tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả về vật chất, về điều kiện làm việc, về gánh nặng trách nhiệm mà các thầy, cô giáo đang phải chấp nhận và vượt lên.

Về trách nhiệm của mình, tôi đã và vẫn đang cố gắng để góp phần làm vơi bớt những khó khăn, vất vả này, góp phần tạo điều kiện để các thầy cô giáo yên tâm hơn, chủ động, sáng tạo hơn trong công việc của mình.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ