Mẹ và con gái - ruột thịt yêu thương mà vẫn bất đồng

Năm 5 tuổi, ba mẹ tôi ly hôn, tôi được mẹ nuôi dưỡng. Mẹ thường hay ôm ấp tôi, bảo tôi là báu vật của mẹ. Tôi cảm nhận được tình cảm mẹ dành cho tôi ngay từ khi tôi còn bé, nên tôi cũng rất yêu mẹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có thể nói, ngoài giờ học, mẹ con tôi như hình với bóng. Mỗi lời tôi nói ra, hoặc tôi đang nghĩ điều gì, mẹ đều nắm bắt cả. Càng lớn, tôi càng được mẹ khen là biết đọc được suy nghĩ của mẹ.

Thỉnh thoảng ba tới thăm tôi. Và chỉ có tôi mới hay nhắc về ba. Dù chưa đủ lớn, nhưng tôi cảm nhận rằng, khi ba mẹ đã không còn yêu nhau nữa, thì hình ảnh về nhau trở nên nhạt nhòa cũng là điều dễ hiểu. 

Bản thân tôi tự nhận thấy tôi là đứa trẻ “cuồng” mẹ, vì tôi tin mẹ là người phụ nữ hiểu biết và độ lượng, nên những điều mẹ nói, với tôi đều là... chân lý.

Tưởng rằng tôi và mẹ mãi là cặp “bài trùng” của nhau, nhưng đến khi bà nội tôi mất, mẹ nhất định không cho tôi về chịu tang. Khi ấy tôi đã học lớp 10. 

Tầm tuổi này, dù không bám váy mẹ mỗi ngày nhưng tôi cũng đủ lớn để thấy mẹ vô lý, vì con cái phải có nguồn cội. Tôi cho rằng mẹ ích kỷ. Mẹ giận và bảo lần đầu tiên tôi cãi lời mẹ.

Mẹ kể ngay từ ban đầu, bà nội tôi đã không chịu mẹ làm con dâu bà, chỉ vì lý do nhà ngoại nghèo, không xứng với cơ ngơi bề thế của gia đình nội. 

Nhưng vì ba tôi cương quyết, cuối cùng thì nội cũng đầu hàng trước mối tình bền chặt của ba mẹ tôi. Khi mẹ sinh tôi, bà nội cũng không yêu thương tôi, vì cho rằng tôi giống mẹ y đúc.

Làm dâu nhà nội, mẹ bảo chẳng khác osin, và đã có rất nhiều chuyện mẹ âm thầm chịu đựng, nên bị stress nặng. Mẹ kể, ba tôi dù thương mẹ nhưng không đủ bản lĩnh để đưa mẹ con tôi ra riêng. 

Rồi mẹ chủ động ly hôn vì mẹ cho rằng ba nghe lời nội, không cảm nhận được những nỗi đau của mẹ. Với mẹ, nguyên nhân chính ba mẹ ly hôn là vì nội. Mẹ tôi hận nội từ đó.

Đám tang nội, ba tới đưa tôi về chịu tang, nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo tôi bây giờ là con mẹ, rằng nội có thương cháu đâu mà phải về chịu tang. 

Ba vất vả thuyết phục mẹ, nhưng vẫn không thành công. Tôi không được về chịu tang nội. Đó là bất đồng đầu tiên giữa mẹ con tôi.

Bấy giờ tôi mới phát hiện ra mẹ tôi là người “ôm hận” đến nỗi mất hết lý trí. Nếu trước đây mẹ chẳng hề nhắc chuyện nội, chuyện ba tôi, thì nay mẹ bắt tôi nghe đến phát ớn. Câu chuyện làm dâu như thước phim quay chậm qua ký ức mẹ, một vết thương lòng khó liền sẹo. 

Tôi bảo mẹ chỉ chuốc khổ cho mình, rằng quá khứ đau buồn thì hãy cố quên đi. Tôi không muốn thể hiện sự bất đồng với mẹ, mà cố gắng hiểu mẹ và lựa lời chia sẻ, để mẹ con luôn “hút” nhau, “cuồng’ nhau như đã từng.

Một người mẹ đơn thân, sống với đứa con gái rất cần có cùng quan niệm sống. Tôi muốn mẹ sống vui vẻ, cởi mở và độ lượng, nhất là trong chuyện tôi muốn nhìn nhận dòng họ nội. 

Tôi tin, thời gian sẽ giúp mẹ mở lòng với quá khứ đã từng làm mẹ tổn thương. Để mỗi ngày được bên nhau, mẹ con tôi vẫn mãi là cặp đôi mà mỗi người hiểu về nhau như thể hiểu chính bản thân mình.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.