Mẹ ơi! Con mong mẹ ly hôn với bố

Thật là ngược đời phải không? Thường con cái chẳng bao giờ mong muốn bố mẹ mình chia tay, li dị nhau. 

Ký ức đầu tiên của tôi về bố là hình ảnh của người đàn ông đang say rượu và quát mắng vợ con (Ảnh minh họa)
Ký ức đầu tiên của tôi về bố là hình ảnh của người đàn ông đang say rượu và quát mắng vợ con (Ảnh minh họa)

Vậy mà giờ tôi lại đang cầu khẩn mẹ hãy làm điều ấy, vì tôi, vì đứa em gái nhỏ còn thơ dại, và trước hết vì chính bản thân mẹ.

Mẹ tôi lấy chồng khá muộn, ngoài ba mươi mẹ mới gặp và cưới người kém mình 3 tuổi. Bà ngoại tôi thường bảo ngày xưa bà phản đối dữ lắm, nhưng đứa con gái quá lứa lỡ thì của bà quá kiên quyết nên bà đành chịu. Bà kể mẹ tôi gặp và quen biết bố khi ông trở về nước sau chuyến đi xuất khẩu lao động.

Đi xuất khẩu lao động hơn 5 năm, bố tôi tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ, về nước ông mua được mảnh đất đẹp ngay mặt phố. Cao to, đẹp trai, giàu có, bố tôi là hình mẫu lý tưởng của bao cô gái, vậy mà ông lại để mắt đến cô công nhân may hơn mình 3 tuổi. Mẹ tôi lúc đó đã ngoài ba mươi, lại được người đàn ông nhỏ tuổi hơn để ý nên càng dễ xiêu lòng.

Tuy trong lòng cũng sốt ruột muốn gả con gái đi cho nhanh nhưng bà ngoại không ưng bố tôi vì không có nghề ngỗng gì, tiền nhiều đến mấy rồi sẽ tiêu hết, cộng thêm ít tuổi hơn, sợ con gái mình lấy xong lại khổ. Nhưng dù bà khuyên can thế nào mẹ tôi vẫn không nghe, vẫn quyết lấy bố tôi.

Sau khi sinh em tôi, mẹ nghỉ ở nhà. Kinh tế của cả gia đình trông chờ vào tiền thuê mặt bằng tầng một. Bố tôi là người giữ tiền nên mẹ tôi không có tiếng nói trong nhà. Ký ức đầu tiên của tôi về bố là hình ảnh của người đàn ông đang say rượu và quát mắng vợ con. Ông rất hay uống rượu, rồi cứ uống vào là ông tìm mọi cớ gây sự, mắng chửi mẹ con tôi là đồ ăn bám. Những lần như thế, mẹ tôi chỉ im lặng chịu đựng. Với con cái, ông cũng rất lạnh lùng, hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay dù chúng tôi chả làm gì sai. Đơn giản ông thấy ngứa mắt thì ông đánh.

Chính vì thế tôi đã từng mong lớn thật nhanh, đi làm kiếm tiền để không phải sống phụ thuộc vào bố. Tôi bắt đầu đi làm thêm từ những năm học cấp 3. Tôi cũng đi học võ để tự vệ, để có thể bảo vệ mẹ và em gái trước ông bố bạo lực.

Nhiều người khuyên mẹ tôi nên li dị với nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng cam chịu. Mẹ nghĩ cho chúng tôi. Mẹ sợ hai anh em tôi lớn lên không được bằng người ta, rồi khó khăn trong việc kết hôn vì bị mang tiếng là có bố mẹ bỏ nhau…

Vừa rồi, khi tôi đang làm việc ở công ty thì bác hàng xóm gọi điện bảo phải về ngay. Hóa ra bố tôi không hiểu có việc gì bực tức lại tìm đến rượu, uống say bí tỉ rồi lôi mẹ tôi ra trút giận. Hàng xóm phải nhảy vào can và đưa mẹ tôi đến bệnh viện.

Nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi cùng những vết bầm tím, rỉ máu trên gương mặt và cánh tay của mẹ, lòng tôi đau như dao cứa. Giá mà lúc đó tôi ở nhà thì mọi chuyện đã không đến nỗi. Cũng may là em gái tôi đi học chưa về, không thì cũng phải hứng chịu cơn “điên” của người không đáng làm bố.

Đến lúc này thì tôi không thể nín nhịn, chịu đựng hơn nữa. Giờ tôi đã đi làm, đã có thể tự lo cho bản thân, lo cho cả mẹ và em gái nếu cần. Và câu đầu tiên tôi nói với mẹ khi mẹ tỉnh dậy trong bệnh viện: “Mẹ ơi! Hãy li hôn với bố. Đừng sống chung thêm một ngày nào nữa".

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.