Theo Fox News, ca ghép tạng diễn ra ở Nam Phi vào năm 2017 song mới được đơn vị tiến hành là Đại học Witwatersrand tiết lộ ngày 4/10. Hiện chưa rõ em bé nhận gan từ người mẹ dương tính với HIV có nhiễm virus hay không.
Trên tờ AIDS, nhóm chuyên gia từ Đại học Witwatersrand cho biết số lượng tạng hiến tặng ở Nam Phi rất hạn chế và họ không thể tìm được phần gan khỏe mạnh. Trong khi đó, người mẹ đang dùng thuốc kháng virus điều trị HIV lại sẵn sàng cho con lá gan.
"Đội ngũ y tế đã phải đối mặt với tình huống vô cùng khó xử. Chúng tôi biết rằng cấy ghép có thể cứu đứa trẻ nhưng lại đẩy bé vào nguy cơ nhiễm HIV", đại diện nhóm chuyên gia viết.
Vài tuần sau ca ghép, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi nhiễm HIV bởi phát hiện dấu vết kháng thể. Tuy nhiên, xét nghiệm chuyên sâu cho thấy em bé vẫn khỏe mạnh. Trước khi ghép tạng, bác sĩ đã cho bệnh nhi dùng thuốc nên hy vọng ngăn chặn được HIV.
Nam Phi là nước có chương trình trị liệu kháng virus lớn nhất thế giới, nhờ đó cải thiện đời sống của nhiều bệnh nhân HIV. Với sự tiến bộ của các thuốc điều trị HIV hiện nay, các bác sĩ nhận định đứa trẻ vẫn có thể "sống một cuộc đời tương đối bình thường" kể cả khi nhiễm bệnh.
"Giữa cái chết và sự sống với căn bệnh có thể điều trị được, tôi nghĩ họ đã chọn đúng", bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc đơn vị bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Quốc gia Mỹ nói. Tuy vậy, ông Fauci cho rằng nên cẩn trọng và không nên vội vã tiến hành thêm ca cấy ghép nào tương tự.
Y văn từng ghi nhận một số trường hợp vô tình ghép tạng của bệnh nhân HIV cho người âm tính với virus. Tại Mỹ, những năm gần đây các bác sĩ Đại học Johns Hopkins đã triển khai cấy ghép tạng giữa những người nhiễm HIV.