Dễ đến gần 10 năm nay, chị mới bị ốm một trận nặng như thế. Trước đó một tuần, chị đã thấy cơ thể khác thường nhưng vẫn cố gắng gượng. Bởi, chị sợ mình nằm một chỗ thì nhà cửa không ai lo, con không ai quản.
Lâu nay, chị vẫn thầm trách mình hẩm hiu, không được nhờ “đường con cái”. Hai con của chị, tiếng là thiếu nữ tuổi teen, lớn bằng sào bằng gậy nhưng chẳng giúp được chị việc gì. Con lớn lúc nào cũng bận rộn học hành, về tới nhà là lại ngồi vào bàn học. Con út thì suốt ngày chỉ biết “cắm mặt” vào iPad, facebook.
Từng đó năm vất vả nuôi con, chưa bao giờ chị được nhận một lời nói biết ơn từ lũ trẻ. Chúng vô tư hưởng thụ những gì mẹ mang lại như thể đó là nghĩa vụ của chị.
Biết lũ trẻ thiếu tình thương, chị bù đắp cho con tất cả những gì có thể. Chị cho con học trường tốt dẫu mỗi lần nộp học phí là đôi vai chị thêm oằn xuống. Chị không bắt con làm việc gì trong nhà vì sợ con phải vất vả hay ảnh hưởng đến việc học của con. Ai đời, tiếng là ở nhà mà các con chị không khác gì khách trọ, đồ dùng để đâu cũng không biết.
Vì thế, từ lâu, chị đã không cho phép mình được ốm. Bởi, thiếu chị thì nhà cửa sẽ lộn tùng phèo. Hai đứa con gái của chị, tuổi teen rồi nhưng vẫn chưa biết cách tự chăm sóc bản thân. Sáng nào chúng cũng chỉ dậy đi học khi mẹ đánh thức.
Chị còn nấu sẵn đồ ăn sáng, chọn quần áo, khăn quàng, khẩu trang cho từng đứa rồi đặt sẵn ở đầu giường. Trường gần nhà nhưng chị lo con tự đi không an toàn. Thế là, ngoài vai bảo mẫu, chị còn kiêm luôn xe ôm, bảo vệ của con.
Chị không thể ngờ, mỗi tuổi lại đuổi xuân đi. Sau từng đó năm lao lực, cuối cùng, cơ thể chị cũng... đình công chứ không chịu khỏe lại như một vài lần ốm trước đó.
Trận sốt cao gần 40 độ khiến chị choáng váng, không thể lết đi được. Chị đành phó mặc mọi thứ, kệ con, kệ việc nhà, việc cơ quan, chỉ kịp uống mấy viên thuốc rồi chìm vào giấc ngủ mệt nhoài. Thật may, hôm đó là ngày nghỉ cuối tuần, ít nhất chị cũng không phải lo đưa đón lũ trẻ đi học.
|
Và chị cũng phải đặt niềm tin dù các con có thể chưa chỉn chu với công việc mình làm. Ảnh minh họa |
Chị không hiểu mình đã lịm đi bao lâu, chỉ biết khi tỉnh lại thì trời đã tối mịt. Ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong chị là tối nay lũ trẻ sẽ ăn gì vì chị đâu thể đứng bếp. Bỗng nhiên, chị thấy bên ngoài có tiếng lanh canh của bát đũa, xoong nồi... Chị hốt hoảng cất tiếng gọi yếu ớt:
- Hai chị em làm gì vậy? Mẹ ốm quá, hôm nay hai đứa ra ngoài hàng ăn tạm món gì vậy nhé!
- Dạ, chúng con đang nấu ăn rồi. Mẹ yên tâm.
- Nấu làm sao được. Hai đứa biết gì mà làm, không khéo thì bỏng hay làm hỏng hóc, đổ vỡ đồ đấy.
- Mẹ đừng lo, mẹ cứ nghỉ đi. Chúng con nấu sắp xong rồi.
Ngày thường, chắc chị đã lao ra ngoài rồi đuổi lũ trẻ đi chỗ khác. Chị thà tự làm một loáng còn hơn là phải dọn trận địa do chúng để lại. Nhưng lần này, chị không thể nhấc nổi đôi chân.
Độ nửa tiếng sau, chị thấy con gái lớn bưng vào tận giường mẹ một chiếc bát to cháo. “Mẹ ăn đi cho chóng khỏe, chúng con vừa nấu xong.
Lần đầu trổ tài chưa ngon nhưng hy vọng mẹ sẽ không chê”. Theo sau là con gái út tay cầm cốc nước cam: “Mẹ cũng phải uống nhiều nước thì mới mau khỏe. Ăn và uống xong, mẹ nghỉ thêm nhé. Mẹ cần gì nữa thì cứ bảo con”.
Chị đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, xen lẫn cả sự xúc động vì không thể nhận ra đây là 2 con gái tuổi teen vô tâm mọi ngày.
Dù là cháo nấu còn sượng nhưng chị vẫn thấy đó là bát cháo ngon nhất mình từng ăn. Hai con còn thay nhau bóp chân, tay cho chị khiến chị rất hạnh phúc, thấy mình khỏe lên rất nhanh.
Sau lần đó, chị bỗng nhận ra, lâu nay, chị đã sai lầm trong cách nuôi dạy con. Hai con chị không lười, không hư, không vô tâm mà chỉ là chị chưa biết cách giao việc và tạo cơ hội để các con thể hiện trách nhiệm, tình cảm với gia đình.
Sự thực là khi chị ốm, các con chị vẫn biết tự bảo ban nhau học hành, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, còn tự tìm tòi cách nấu ăn trên internet.
Những việc chúng làm có thể chưa chỉn chu nhưng vẫn còn hơn chị cứ tự ôm hết trách nhiệm, vất vả về phía mình để rồi mệt mỏi và chỉ biết trách thầm các con không thương mẹ.