Mẹ con tìm thấy nhau sau gần 50 năm thất lạc

GD&TĐ - Cách đây 49 năm, vợ chồng bà Phạm Thị Lâm thất lạc cậu con trai mới tròn 5 tuổi.

Hai mẹ con ông Tuấn đoàn tụ sau nửa thập kỉ lạc nhau.
Hai mẹ con ông Tuấn đoàn tụ sau nửa thập kỉ lạc nhau.

Không quản đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, ai mách đâu bà Lâm đều rong ruổi đi tìm. Thế nhưng, sau gần 50 năm lạc nhau, mẹ con bà Lâm mới được trùng phùng.

Chuyến tàu định mệnh

Sau 49 năm thất lạc bố mẹ và gia đình, vừa qua ông Lê Văn Tuấn (54 tuổi, trú huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã gặp được người thân của mình tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Nói trong nước mắt, bà Phạm Thị Lâm (90 tuổi – mẹ ông Tuấn) chia sẻ, trước kia gia đình bà sinh sống tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Nam Hà (nay là TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Vào một ngày của năm 1973 vợ chồng bà đi chia lúa, chia rơm nên để 2 người con ở nhà. Lúc bấy giờ bà căn dặn người con lớn là Nguyễn Thị Anh (khi đó mới 9 tuổi) lo cho em trai là Nguyễn Văn Tuấn (5 tuổi) ăn uống và đi học.

Thế nhưng, đến chiều muộn khi 2 vợ chồng bà trở về nhà chỉ thấy cô con gái còn Tuấn thì mất tăm. Nghĩ con đi chơi quanh làng nên vợ chồng bà đi tìm nhưng mãi chẳng thấy.

Gia đình cũng nhờ bà con láng giềng đến các ao, hồ, sông suối tìm kiếm vì lo lắng có chuyện chẳng lành. Mặc cho hàng chục người tìm kiếm sáng tối nhưng mãi không thấy tung tích của Tuấn.

Gia đình bà Lâm lại lặn lội lên các tỉnh biên giới phía Bắc hỏi thăm tung tích vì lo con trai bị bắt cóc bán sang Trung Quốc. Cũng có thầy bói phán con bà đã bị đuối nước tử vong. Tuy nhiên, không tin con mình đã mất nên gia đình bà Lâm vẫn dốc sức kiếm tìm.

Nhiều năm kiếm con trong vô vọng, năm 1979, vợ chồng bà Lâm cùng người con gái chuyển vào huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai theo diện kinh tế mới. Dù xa quê nhà nhưng bà vẫn không quên hỏi thăm tung tích của người con thất lạc.

Nghĩ về ngày định mệnh đó, ông Tuấn chỉ nhớ một người hàng xóm tên Phúc (khi đó khoảng 15 tuổi) dắt ông đi ra ga tàu hỏa (cách nhà khoảng 5km). Khi lên tàu thì hai người lạc mất nhau. Ở nơi xa lạ, không có người thân bên cạnh ông Tuấn lúc bấy giờ chỉ biết gào khóc, cầu cứu mọi người xung quanh.

Thương đứa trẻ lạc người thân, một người đàn ông tên Trần Văn Kiệm đã dỗ dành, đưa Tuấn về nhà ở tỉnh Thanh Hóa nuôi dưỡng. Sau đó, Tuấn được một đôi vợ chồng không có con, gần nhà ông Kiệm nhận làm con nuôi và đổi tên từ Nguyễn Văn Tuấn thành Lê Văn Tuấn.

Nỗi nhớ gia đình

Bà Lâm òa khóc khi gặp lại người con trai.

Bà Lâm òa khóc khi gặp lại người con trai.

Mặc dù ở gia đình mới được quan tâm, chăm sóc và thương yêu nhưng ông Tuấn vẫn không ngừng nhớ về người thân ruột thịt của mình. Nhiều đêm ông giật mình thức giấc, oà khóc khi mơ thấy bố mẹ. Cuộc sống khốn khó nên mãi đến năm 2019 ông Tuấn mới có điều kiện để đăng tin tìm kiếm lại gia đình.

“Trong kí ức mơ hồ, tôi chỉ nhớ người chị hay chơi và chăm sóc mình tên là Anh. Gia đình làm nghề mộc và chuyên đóng xe bò, xe lôi. Tôi bị thất lạc vào những năm 1972 – 1973. Từ những dữ liệu ít ỏi đó, tôi nhờ chương trình truyền hình rồi đăng lên mạng xã hội với hy vọng tìm lại người thân sau hàng chục năm thất lạc”, ông Tuấn bộc bạch.

Vô tình trong một lần lên mạng xã hội, người thân của bà Nguyễn Thị Anh nhìn thấy thông tin tìm người thân của ông Tuấn. Cho rằng có nhiều điểm trùng khớp với người em thất lạc của bà Anh nên người này đã xin số điện thoại để liên hệ.

Qua những cuộc trò chuyện chóng vánh trên điện thoại, đoạn kí ức mơ hồ mà ông Tuấn kể lại trùng khớp với hình ảnh xưa cũ ở quê nhà nên bà Anh tin rằng đây là em trai của mình. Thế rồi, những cuộc điện thoại ngày càng nhiều hơn, hai chị em kể về những ngày xưa cũ.

Khi chắc chắn ông Tuấn là em ruột mình, bà Anh bảo người con gái đầu vào ngôi chùa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đón mẹ. Tưởng rằng con nói dối để mình về nhà nên bà Lâm một mực từ chối. Khi gia đình đưa hình ảnh ông Tuấn, có nét giống người bố đã mất ra, dù bà Lâm chưa tin nhưng vẫn đồng ý đi về nhà.

Bà Lâm và ông Tuấn có cuộc điện thoại video đầu tiên. Khi thấy con trai thất lạc nửa thập kỉ, bà Lâm chỉ òa khóc mà không nói nên lời. Hai người cứ thế nhìn nhau rồi khóc đến khi điện thoại hết pin.

Thấy những nếp nhăn trên gương mặt mẹ già, ông Tuấn liền sắp xếp công việc từ Thanh Hóa vào tỉnh Gia Lai để gặp mặt, đoàn tụ với gia đình. Ngày gặp mặt, ông Tuấn và bà Lâm ôm nhau khóc nức nở, nước mắt cứ thế lăn dài, chẳng ai nói nên lời.

“Từ khi hai mẹ con gặp nhau thì tràn ngập trong nước mắt nên chẳng nói chuyện với nhau nhiều. Chỉ mong mẹ có thể cùng tôi về Thanh Hoá sinh sống để tôi có thể chăm sóc, phụng dưỡng mẹ tuổi già. Sau bao nhiêu năm xa cách mẹ con tôi mới có thể tìm thấy nhau”, ông Tuấn tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.