Máy vớt rác tự động của học sinh miền núi

GD&TĐ - Nhóm học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã chế tạo máy vớt rác tự động chạy bằng năng lượng mặt trời.

Máy vớt rác là hệ thống băng chuyền bằng lưới sắt. Ảnh: NTCC
Máy vớt rác là hệ thống băng chuyền bằng lưới sắt. Ảnh: NTCC

Nhận thấy lượng rác thải trên kênh chảy qua trường gây ô nhiễm môi trường, nhóm học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã chế tạo máy vớt rác tự động chạy bằng năng lượng mặt trời.

Rác tràn ngập

Xã Sam Mứn, huyện Điện Biên nằm ở cuối kênh Đại thủy nông Nậm Rốm - con kênh chảy từ thành phố Điện Biên Phủ qua nhiều xã huyện Điện Biên. Hằng ngày, xã Sam Mứn “bất đắc dĩ” nhận lượng rác thải lớn từ các xã khác đổ về, theo dòng nước chảy, tràn khắp đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường.

Một đoạn kênh ấy chảy qua cổng Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn. Trước thực trạng ô nhiễm ấy, thầy và trò nhà trường cùng lên ý tưởng và bắt tay chế tạo “Thiết bị vớt rác tự động từ mương nước”.

Em Cà Bảo An - học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn chia sẻ: “Ngày trước, chúng em có thể chơi đùa, tắm dưới dòng nước mát lạnh của con kênh này. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngoài việc đưa nước về thì con kênh cũng mang đến một lượng rác khổng lồ vào cánh đồng”.

Trước đây, UBND xã Sam Mứn đã thuê người vớt rác trên dòng kênh từ đầu xã. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn hẹp nên công việc này không được duy trì thường xuyên. Rác lại tiếp tục theo dòng nước chảy vào cánh đồng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và quá trình canh tác của bà con nông dân.

Thầy Bùi Tiến Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn cho biết: “Ý tưởng được hình thành xuất phát từ thực tế ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt. Với mong muốn góp sức xử lý vấn đề này, học sinh đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị vớt rác”.

Thầy Bùi Tiến Phong hướng dẫn học sinh trong quá trình triển khai chế tạo máy. Ảnh: NTCC

Thầy Bùi Tiến Phong hướng dẫn học sinh trong quá trình triển khai chế tạo máy. Ảnh: NTCC

Theo thầy Phong, năm học trước, thầy cô và học sinh nhà trường cùng dọn vệ sinh một đoạn kênh, ruộng gần trường. Chỉ hơn 1km, trong 1 buổi chiều mà thu được trên 4 tấn rác. 90% là rác thải sinh hoạt, nông nghiệp, thậm chí có cả lợn, gà chết, trôi theo dòng nước từ các xã phía trên tuyến kênh đổ về, đọng lại và chảy vào ruộng đồng. Thường thì người dân vớt rác lên bờ, không có người thu gom, gây ô nhiễm môi trường.

Em Cà Trí Dũng - học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn chia sẻ: “Một lần đi với mẹ đến cơ sở chế biến đá, em nhận thấy việc sử dụng băng chuyền giúp giải phóng sức lao động của con người trong việc vận chuyển vật liệu từ nơi này đến nơi khác. Với mong muốn làm giảm lượng rác đổ vào cánh đồng, em cùng các bạn lên ý tưởng chế tạo một thiết bị như băng chuyền có khả năng vớt rác tự động từ dưới mương nước lên, tập kết lại một chỗ để chuyển đến nơi quy định”.

Là thành viên nhóm sáng chế, em Lò Hoàng Long, lớp 6, chia sẻ: Sau thời gian bắt tay vào tìm tòi, thử nghiệm và làm đi làm lại, thầy và trò đã hoàn thiện sản phẩm có khả năng tự động vớt rác trôi nổi từ mương nước lên bờ.

Thiết bị vớt rác tự động từ mương nước của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn. Ảnh: NTCC

Thiết bị vớt rác tự động từ mương nước của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn. Ảnh: NTCC

Ươm mầm nghiên cứu khoa học

Từ sự tư vấn, hỗ trợ của thầy cô và trực tiếp là hướng dẫn của thầy hiệu trưởng, vận dụng kiến thức các môn đã học, nhóm học sinh của trường bắt tay vào chế tạo thiết bị vớt rác.

Thiết bị gồm mô tơ điện và hệ thống băng chuyền làm bằng lưới sắt mắt nhỏ, một đầu được đặt chìm dưới mương nước cho nước chảy qua còn rác giữ lại. Băng chuyền nghiêng 30 – 35 độ, được gắn trên khung sắt dài 3m, rộng 1m, vừa kín bề ngang kênh thủy lợi tại địa bàn. Thiết bị vận hành bằng mô tơ điện, quay liên tục để vớt rác từ trong mương nước lên bờ.

Em Cà Trí Dũng cho biết: “Thiết bị hoạt động chủ yếu nhờ ánh sáng mặt trời thông qua dàn hấp thụ năng lượng đặt phía trên thiết bị, sử dụng nguồn điện 12 vôn vận hành mô tơ điện 1 chiều. Khi hoạt động, băng chuyền quay liên tục”.

Do một đầu hệ thống băng chuyền ngập trong nước. Nhờ sức đẩy của dòng nước, rác sẽ được băng chuyền đưa lên và đổ vào xe/thùng chứa phía sau. Thiết bị vận hành tự động thông qua việc sử dụng công tắc hẹn giờ và đảm bảo thu gom toàn bộ các loại rác trôi đến.

Kết quả khi vận hành thực tế cho thấy, máy vớt rác của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn đã thu gom được trên 95% rác từ mương nước lên bờ mà không ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường nước.

Với hiệu quả ấy, thầy và trò nhà trường tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả của thiết bị theo “đơn đặt hàng” của UBND xã Sam Mứn. Qua đó, kỳ vọng giúp xã Sam Mứn xử lý “vấn nạn” rác thải tồn tại nhiều năm trên các dòng kênh, mương xã.

Thầy Bùi Tiến Phong cho biết: “Nếu để máy chạy tự động sẽ tốn năng lượng. Chính vì thế, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, nhóm tiếp tục sáng chế thêm hệ thống cảm biến để máy chỉ hoạt động khi có rác thải”.

Nói về mô hình sáng tạo của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn, ông Ngô Xuân Chinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: “Mô hình máy vớt rác tự động trên kênh mương khá hữu ích trong việc bảo vệ môi trường. Việc thu gom rác thải của học sinh trên dòng kênh là hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, giúp xử lý vấn đề rác thải ở kênh mương. Qua đó, hạn chế ảnh hưởng của rác thải đến quá trình canh tác của người dân”.

“Sáng tạo thành công thiết bị vớt rác tự động không chỉ ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, mà còn giúp nhà trường phát hiện ra những học sinh có khả năng nghiên cứu khoa học. Qua đó, định hướng và ươm mầm đam mê khoa học công nghệ cho các em”, thầy Bùi Tiến Phong chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

Địa chỉ sửa máy phát điện đồng naiMáy lạnh âm trần funikimua xe quét đường, quét rác chính hãng, giá tốtPLC SiemensSửa lò vi sóng Quận 1Cung cấp Máy nén điều hòa chất lượngBáo giá sua cong tu dong uy tín