Máy vớt rác làm từ rác - sáng chế của giảng viên ĐH Cần Thơ

GD&TĐ - Máy vớt rác WSCA2.0 của ThS Huỳnh Ngọc Thái Anh, Trường ĐH Cần Thơ đã giành giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không rác thải nhựa”, do UNESCO tổ chức năm 2020.

Máy vớt rác được tiến hành thử nghiệm ngoài thực địa.
Máy vớt rác được tiến hành thử nghiệm ngoài thực địa.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay chiếc máy mới được đưa vào sử dụng.

ThS Thái Anh chia sẻ, ý tưởng làm chiếc máy vớt rác có từ 2 năm trước. Dịch Covid-19 bùng phát, ngoài giờ giảng dạy, thầy Thái Anh dành thời gian nghiên cứu, chế tạo, cải tiến để tạo ra các tính năng tối ưu nhất cho chiếc máy của mình.

Khi đó, ThS Thái Anh và một nhóm bạn trẻ đã cùng nhau thực hiện dự án CaiRang Green River với mô hình Máy thu gom rác chợ nổi. Đây là phiên bản đầu tiên của chiếc máy vớt rác WSCA 2.0.

Ở phiên bản này, máy hoạt động theo nguyên lý băng tải, rác được cuốn vào băng chuyền và chuyền xuống hộc chứa. Mỗi lần chứa được từ 15 - 20 kg rác thải nhựa. 40% chi tiết tạo nên chiếc máy được làm từ những nguyên liệu tái chế như sắt cũ, ống nước, dây sên xe đạp…

Ở phiên bản lần thứ hai, máy được cải tiến, sử dụng được năng lượng mặt trời và tích hợp điều khiển bằng điện thoại, máy tính bảng. Máy vớt rác WSCA2.0 được thiết kế để thu dọn các loại rác nổi nhẹ trên bề mặt nước như túi nilon, vỏ chai nhựa, hộp nhựa, giấy, rác hữu cơ trôi nổi…

“Tôi đã nghiên cứu và thử nghiệm với nhiều loại vật liệu tái chế khác nhau, cách sử dụng điện năng lượng mặt trời và tính toán cả độ chìm nổi của máy khi vận hành trên sông, hồ. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng vận dụng những kiến thức mình có và nhờ sự tư vấn hỗ trợ nhiệt tình của nhiều chú bác, anh chị đi trước để có thể giúp điều khiển máy từ xa bằng điện thoại thông minh”, thầy Anh chia sẻ.

Sau khi lắp ráp và chạy thử nghiệm nhiều lần, máy WSCA2.0 được hoàn thiện với các bộ phận gồm phao và khung sườn, lưới cuộn, xích tải được cải tiến bằng inox và thép chống ăn mòn; động cơ lưới cuộn và chân vịt chạy bằng nguồn điện của bình ắc quy và có thể sạc lại trong ngày bằng tấm pin năng lượng mặt trời; hệ thống đèn báo và chiếu sáng cho thiết bị khi vận hành vào buổi tối.

Thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, người dùng “lái” máy đến nơi có rác thải, rác sẽ được cuộn vào phần lưới cuộn cho vào thùng chứa.

Máy vớt rác WSCA 2.0 đang được vận hành thực tế trên khu vực sông Hoài (Quảng Nam), bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực. Phần lớn các bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa cao, trong đó Bãi Xếp trên và Bãi Bắc của Cù Lao Chàm được đánh giá là rất ô nhiễm.

Các hoạt động du lịch đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hội An (Quảng Nam) nhưng cũng làm gia tăng lượng rác thải ra môi trường.

Không những vậy, vị trí địa lý cùng ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt gần đây đã khiến lượng rác thải bị trôi dạt và mắc kẹt tại bờ biển Cửa Đại tăng cao. Máy vớt rác trôi nổi trên bề mặt nước giúp giải quyết tình trạng này, tạo ra cảnh quan môi trường sạch đẹp.

Ưu điểm của máy là đơn giản, dễ dàng nhân rộng, chi phí rẻ và giảm ngay lượng rác thải nhựa tại nguồn. Với lượng rác thải tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) là 4 - 5 tấn/ngày, nhóm dự tính để giải quyết 70% rác thải tại đây cần 5 máy thu gom.

Tác giả cho biết đang thực hiện những thủ tục cần thiết để đăng ký cấp bằng sáng chế cho WSCA2.0. “Nếu có thêm kinh phí hoặc được tài trợ, tôi sẽ tiếp tục làm ra thêm nhiều máy nữa để đưa đến những nơi cần thiết như khu du lịch có sông, hồ, góp phần làm sạch môi trường nước Việt Nam”, ThS Thái Anh chia sẻ.

Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển, sử dụng công nghệ camera quan trắc được lập trình trí tuệ nhân tạo để nhận dạng rác nổi và camera 360 xây dựng nội dung đa phương tiện thực tế ảo.

Với vai trò là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, thầy Thái Anh đã liên kết một số đơn vị mạnh về công nghệ thông tin để có thể hỗ trợ và phát triển hệ thống điều khiển từ xa cho mô hình.

Sau khi làm được hệ thống điều khiển từ xa, nhóm sẽ tiếp tục ứng dụng một số công nghệ tiên tiến vào mô hình này. Mục tiêu xa hơn mà nhóm mong muốn là làm ra nhiều robot như thế này, vận hành trên khắp Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ