Máy khử mùi “giá sinh viên”

Máy khử mùi “giá sinh viên”

Mong ước của nhóm là tối ưu hóa để tạo ra một sản phẩm có “giá sinh viên” nhưng hiệu quả cao.

Lọc hơi người, khí thải, mùi hôi… trên xe

Ngày 28/6, vòng chung kết cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020 diễn ra với sự tham gia của hơn 20 đội có ý tưởng xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Đây là năm thứ 3 cuộc thi được tổ chức. Giải Nhất cuộc thi thuộc về ý tưởng lọc không khí trên xe buýt Air Mask của nhóm sinh viên BKIN.

Đây là giải pháp lọc không khí trên xe buýt sử dụng vật liệu nano oxit titan và tia UV. Không chỉ lọc mùi hơi người, khí thải, mùi hôi từ nhiều nguồn trên xe… mà còn có thể lọc không khí, làm sạch không khí trong ô tô nói chung….

Trần Quang Tiến, sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, ý tưởng của nhóm ra đời từ việc mỗi lần đi xe buýt đến trường vào buổi sáng, mùi thức ăn, thuốc lá, hơi người… trên xe rất khó chịu.

 Nhóm tác giả nhận thấy mùi khó chịu là một trong số những tác nhân khiến xe bus công cộng không phải là lựa chọn ưu tiên của người dân. Nếu có máy lọc sẽ xử lý hết mùi đồ ăn, thuốc lá, mùi cơ thể… Đặc biệt còn khử được khói ô nhiễm xả thải, bụi mịn, làm sạch không khí. Đây là đặc tính rất có ý nghĩa trong thời điểm dịch Covid-19.

Máy được cấu tạo từ một loại nhựa đặc biệt là tên BOA. Nhựa này có khả năng tự phân hủy sau khi sử dụng. Không khí được hút vào máy bằng cánh quạt, sau đó đi qua lớp lọc đầu tiên là cacbon có chức năng giữ mùi và các hạt bụi thô. 

Những hạt bụi nhỏ hơn sẽ đi qua lớp màng lọc thứ hai. Lớp lọc thứ 3 dùng để lọc vi khuẩn, nấm mốc. Lớp lọc cuối cùng là TiO2 cùng với xúc tác quang là tia UV diệt các loại vi khuẩn nấm mốc, bụi mịn PM2.5. Cuối cùng lại là lớp lọc cacbon có chức năng tạo cho luồng không khí sạch nhất có thể.

"Trong giải pháp này, chúng em sử dụng phương pháp xúc tác quang TiO2. Vì qua tìm hiểu và nguồn kiến thức từ thư viện, chúng em hiểu rằng vật liệu TiO2 không độc hại với con người. Nó thậm chí được ứng dụng trong chất bảo quản trong thực phẩm.

Hơn thế, TiO2 là vật liệu có tiềm năng sản xuất tại địa phương, không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và có giá thành phải chăng. Vì thế, nhóm BKIN đã mạnh dạn thử xử lý vấn đề với TiO2", Đặng Minh Đức, Đại học RMIT, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

"Giá sinh viên"

Đặng Minh Đức, Đại học RMIT, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, trong quá trình thực hiện ý tưởng, nhóm gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, phải mất 5 tháng mới hoàn thiện sản phẩm. 

Trước tiên là lựa chọn TiO2, dù vật liệu này đã được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực lọc không khí, xử lý nước. Tuy vậy việc tìm ra vật liệu để lọc không khí trên xe hơi thì đây là lần đầu tiên được thực hiện. Giải pháp này nếu được áp dụng trên xe buýt nói riêng, các phương tiện công cộng nói chung sẽ chung tay phòng dịch hiệu quả.

Nhóm đã thử nghiệm trong quy mô nhỏ bằng cách lắp đặt hệ thống lọc không khí Air Mask trên xe ô tô. Phỏng vấn những người tham gia thử nghiệm thì đều cảm nhận mùi hôi trên xe được cải thiện rõ rệt. Cảm giác thư thái rõ ràng khi trong xe có lắp đặt hệ thống lọc không khí.

TS Võ Thanh Hằng, giảng viên ĐH Bách khoa TPHCM chia sẻ, nhóm không có sinh viên nào học ngành y khoa hay môi trường. Nhưng tất cả đều đam mê với sản phẩm máy lọc không khí cho ô tô, tăng sự thân thiện với phương tiện giao thông công cộng, từ đó làm giảm ô nhiễm, tắc đường.

"Sản phẩm này khác với các dòng máy lọc không khí trên thị trường. Máy lọc không khí có vật liệu lọc khác nhau thì sẽ lọc được các chất khác nhau. Nhưng phương pháp này sử dụng TiO2 để lọc không khí và tất cả các thành phần ô nhiễm. 

Nhóm đã phun sơn tĩnh điện tạo ra một bề mặt để lọc các chất ô nhiễm. Đối với phương pháp xúc tác quang, nhóm đã dùng tia UV giúp khử trùng tốt hơn so với các máy lọc không khí trên thị trường", TS Võ Thanh Hằng cho hay.

Mong ước của nhóm là làm sao để tối ưu hóa tất cả các khâu để tạo ra một sản phẩm có "giá sinh viên" nhưng mang lại hiệu quả sử dụng tốt nhất. Trong thời gian nghiên cứu, thực nghiệm, nhóm gặp phải những khó khăn về tài chính nên chưa thể hoàn thiện sản phẩm tốt nhất theo ý tưởng, mong muốn của cả nhóm. 

Sau cuộc thi, nếu được hỗ trợ từ doanh nghiệp, nhóm sẽ tiến hành thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

Dự kiến sản phẩm có giá thành khoảng 50.000 đồng. Trong khi các dòng máy lọc không khí trong xe ô tô trên thị trường hiện nay có giá từ 1,8 – 8 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ