Máy đo an toàn thực phẩm: Tác dụng đến đâu?

Trong bối cảnh thực phẩm không rõ nguồn gốc, tẩm hóa chất được sản xuất, kinh doanh tràn lan như hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã tin tưởng sử dụng các loại máy kiểm tra nhanh độc tố trong thực phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả của loại máy này như thế nào, có tốt như quảng cáo hay không vẫn là câu hỏi đặt ra cho nhiều người.

Không ít người tiêu dùng đã coi máy kiểm tra thực phẩm như máy vạn năng trong kiểm tra chất độc thực phẩm. (Ảnh nguồn Tâm Đức)
Không ít người tiêu dùng đã coi máy kiểm tra thực phẩm như máy vạn năng trong kiểm tra chất độc thực phẩm. (Ảnh nguồn Tâm Đức)

Như là máy vạn năng...

Lựa chọn mua thực phẩm tại những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nhưng hàng ngày, chị Nga (Quan Nhân, Hà Nội) vẫn đắn đo khi lựa chọn đồ ăn cho bữa cơm gia đình vì thấy có nhiều thông tin về rau tồn dư hóa chất, thịt lợn có chất tạo nạc…

Đứng trước nỗi lo đó, được nhiều bà nội trợ mách bảo, chị Nga đã mua máy đo an toàn thực phẩm So... để kiểm tra độ an toàn của thực phẩm.

"Máy có khả năng kiểm tra được hơn 30 loại thực phẩm. Người sử dụng chỉ cần cắm đầu kim vào thực phẩm, đợi 20 giây là biết thực phẩm có hóa chất hay không. Máy có giá 4,5 triệu” – Chị Nga cho biết.

Gia đình có con nhỏ, cần chế độ dinh dưỡng an toàn, chị Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cũng chọn mua "máy đo an toàn thực phẩm". Được sự hỗ trợ của máy, chị Ngọc an tâm hơn khi lựa chọn thực phẩm nhưng cũng gặp không ít tình huống oái ăm.

"Thỉnh thoảng thử với trái cây bán trong siêu thị, được dán tem nhập khẩu, tem VietGap nhưng vẫn không đạt yêu cầu, không biết độ chính xác như thế nào”.

Tìm hiểu về loại máy được các bà nội trợ truyền tai nhau, tôi được anh Phương Đông - nhân viên cửa hàng bán loại “máy đo an toàn thực phẩm” trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) giới thiệu:

"Máy bán tại công ty mình sử dụng tiếng Việt có thể đo được hơn 100 loại thực phẩm khác nhau. Máy tự kiểm tra bằng cách cắm ngập kim vào sản phầm cần đo, kết quả sẽ hiển thị sau 15 giây.

Máy đo được Nitrat sẽ loại trừ được nguy cơ thực phẩm mất an toàn khoảng 40%. Ngoài rau củ, thì máy này còn đo được cả thịt và hải sản. Người tiêu dùng có thể mua được máy này với giá khoảng 5 triệu đồng”.

Khi hỏi về các loại máy khác, anh Phương Đông cho biết: “Có loại máy đo chất phóng xạ nhưng ở Việt Nam không sản xuất điện hạt nhân nên không có phóng xạ, không cần dùng loại máy đó”.

Với giá bán khoảng 4-5 triệu đồng và khả năng đo được từ 30 – 100 loại thực phẩm, thiết bị trên nếu nghe qua sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dùng nhưng trên thực tế không phải vậy.

Về phía người tiêu dùng, chị Nga cho biết: “Sau thời gian sử dụng, tôi thấy máy này hơi bất tiện. Vì khi đi mua thực phẩm, không phải ai cũng cho mình cắm thử đầu kim của máy vào để đo. Có người còn tỏ ra khó chịu vì lo sợ bị phát hiện thực phẩm của mình không an toàn”.

... Nhưng "chỉ mang giá trị trấn an tinh thần"

Để rõ hơn về hiệu quả của chiếc máy trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Thịnh cho rằng: “Cái máy này không phải là cái máy vạn năng, đây là loại máy được Nga sản xuất dùng để đo nồng độ Nitrat trong thực phẩm rất tốt, không có vấn đề gì nhưng nó chỉ có chức năng phân tích một số ít chất thôi, không phải máy đo an toàn thực phẩm.

Muốn nghiên cứu hàm lượng chất có trong rau, củ, quả hay không thì phải lấy nhiều mẫu mang vào phòng thí nghiệm, nghiền ra và bảo quản trong điều kiện an toàn rồi mới sử dụng máy để đo.

Vì hàm lượng chất Nitrat ở mỗi bộ phận (thân, rễ, lá) của rau, củ có một hàm lượng khác nhau, phải nghiền sản phẩm ra để lấy số liệu trung bình. Ở chợ không ai cho mang sản phẩm ra nghiền để đo cả”.

“Tôi không hiểu tại sao các bà nội trợ lại thích tìm mua cái loại máy đó vì nó chỉ có thể đo được dư lượng Nitrat, mà Nitrat cũng chỉ là một trong rất nhiều chỉ tiêu đánh giá độ an toàn của thực phẩm.

Muốn đo hàm lượng Nitrat thì phải có phương pháp lấy mẫu, có dụng cụ lấy mẫu, phải đọc được số liệu. Mặt khác, rau củ ở chợ đều ngấm nước sẽ cho kết quả không chính xác. Do vậy, mang máy ra đo ở chợ không có ý nghĩa gì cả” – Ông Thịnh cho biết.

Tìm kiếm giải pháp để phòng chống thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình là điều nên làm. Tuy nhiên, lựa chọn máy đo “an toàn thực phẩm” chỉ là một giải pháp trước mắt, mang yếu tố trấn an tinh thần. Người tiêu dùng nên kết hợp với nhiều biện pháp khác, trước hết nên lựa chọn thực phẩm sạch ở những địa chỉ uy tín, nguồn gốc rõ ràng.

Theo Hải Quan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ