Máy chấm trắc nghiệm của thầy giáo trường làng

GD&TĐ - Thầy giáo Nguyễn Việt Cường, giáo viên Trường THPT Phú Hữu (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã lập trình thành công phần mềm chấm thi trắc nghiệm 4 đáp án phiên bản tiếng Việt. 

Máy chấm trắc nghiệm của thầy giáo trường làng

Để thực hiện việc chấm bài nhanh, thầy Cường còn sáng chế nên hộp dụng cụ, được làm bằng thùng giấy A4. Giờ đây, với sản phẩm do mình làm ra, thầy Cường có thể chấm thi với tốc độ 1 bài thi trắc nghiệm/giây, với độ chính xác đạt 100%.

“Cái khó ló cái khôn”

Trong quá trình công tác, nhận thấy việc chấm thi trắc nghiệm bằng phương thức thủ công mất khá nhiều thời gian, công sức, đồng thời độ chính xác không cao, thầy giáo Nguyễn Việt Cường đã mày mò nghiên cứu và thực hiện thành công bộ công cụ chấm thi trắc nghiệm bằng điện thoại di động. Với thao tác nhanh chóng, độ chính xác cao, sản phẩm trên đang được triển khai ứng dụng vào thực tiễn…

Sinh ra và lớn lên ở xã vùng sâu của tỉnh Hậu Giang, mong muốn đóng góp và xây dựng địa phương ngày càng phát triển, vì thế năm 2007 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm chuyên ngành Sinh học, thầy Cường đã chủ động xin về nhận công tác tại Trường THPT Phú Hữu đến nay.

Quá trình công tác thực tế, thầy Cường hiểu được những khó khăn, thiệt thòi trong việc dạy và học của giáo viên, học sinh nơi đây. “Khi tôi về đây nhận công tác, Trường THPT Phú Hữu chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 lớp học, từ cây thước kẻ, compa, tấm bản đồ… đều do thầy trò tự tay làm lấy. Thiết bị công nghệ thông tin thiếu thốn, việc tiếp cận kiến thức mới gặp nhiều khó khăn”, thầy Cường chia sẻ.

Cũng theo thầy Cường, bên cạnh những khó khăn về trang thiết bị, thì việc đổi mới phương thức giáo dục ngày càng hiện đại cũng là một trong những vấn đề khiến giáo viên phải “đau đầu”. Hầu hết các môn học với kiến thức tổng hợp, đều chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm.

“Cái khó ở đây là với vốn kiến thức khổng lồ, giáo viên muốn kiểm tra tiến độ nắm bắt, hiểu bài của học sinh thì nhất thiết phải thường xuyên làm các bài thi thử. Tuy nhiên, việc chấm bài và đánh dấu các đáp án đúng ở những câu học sinh làm sai để sửa lại, mất rất nhiều thời gian, công sức, nhất là những lúc cận kì thi học kỳ, cuối cấp. Từ đó, tôi suy nghĩ phải tạo ra phần mềm, ứng dụng hỗ trợ cho việc chấm thi trắc nghiệm với độ chính xác cao” - thầy Cường cho biết.

Để thực hiện dự định của mình, thầy Cường đã tìm kiếm, cập nhật thông tin trên Internet, thông qua một số trang mạng nước ngoài và phát hiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Thế nhưng, để chấm thi trên máy tính cần phải kết nối với máy scan, nhưng do giá thành của máy scan khá cao (trên 10 triệu đồng/máy), nên giáo viên rất khó để tự trang bị.

Quyết tâm không bỏ cuộc, thầy Cường tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm từ các nguồn khác nhau và biết được trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android có ứng dụng ZipGrade, phục vụ việc chấm bài thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, ứng dụng này chủ yếu chấm bài thi tiếng Anh, lại có 5 đáp án, còn đề thi dành cho các em học sinh ở Việt Nam thường chỉ có 4 đáp án.

Sáng kiến có giá trị ứng dụng cao

Thầy Cường (phải) hướng dẫn các giáo viên chấm thi trắc nghiệm bằng điện thoại
Thầy Cường (phải) hướng dẫn các giáo viên chấm thi trắc nghiệm bằng điện thoại

Vui mừng vì tìm được điểm khởi đầu, thầy Cường tiếp tục mày mò phiên dịch và lập trình lại phần mềm để phù hợp với thực tế, nhưng vì là giáo viên dạy Sinh học, thế nên kiến thức về công nghệ thông tin và tiếng Anh là một hạn chế rất lớn.

Sau hơn 3 tháng kiên trì, nỗ lực, thầy Cường “thở phào” vì đã lập trình thành công phần mềm chấm thi trắc nghiệm 4 đáp án, đặc biệt là phiên bản bằng tiếng Việt.

Chưa dừng lại ở đó, để thực hiện việc chấm bài nhanh, không gặp những trục trặc, thầy Cường còn linh hoạt sáng chế nên hộp dụng cụ, được làm bằng thùng giấy A4, nhằm tiện cho việc đưa bài thi vào đúng cự ly, kích cỡ để không mất nhiều thời gian, mà hiệu quả lại cao. Giờ đây, với sản phẩm do mình làm ra, thầy Cường có thể chấm thi với tốc độ 1 bài thi trắc nghiệm/giây, với độ chính xác đạt 100%.

Về nguyên lý hoạt động của dụng cụ chấm thi trắc nghiệm, thầy Cường cho biết: Bộ dụng cụ khá đơn giản, gồm: một smartphone có camera, một thùng đựng giấy A4 rỗng, một thanh để kê điện thoại bên trên. Khi chấm bài thi, người dùng chỉ cần bật phần mềm lên, đưa bài vào thùng thì camera sẽ quét, giáo viên chỉ việc ghi kết quả lại. Hình ảnh các bài thi đã chấm được lưu lại, đáp án nào đúng, đáp án nào sai, đều được sao lưu. Sau đó được trình chiếu lại cho học sinh xem trong tiết sửa bài thi hôm sau, đảm bảo tính khách quan và hiệu quả.

Nhận thấy sự tiện ích và thiết thực từ bộ dụng cụ chấm thi trắc nghiệm của thầy Cường, nhiều giáo viên trong và ngoài trường đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm và được thầy Cường chia sẻ tận tình. Mọi người đều phấn khởi vì đã đỡ vất vả, thức khuya chấm bài, một số bạn học sinh cũng tìm đến để “xin” phần mềm về nhằm tự kiểm tra kết quả của những bài thi thử tại nhà, trước những kỳ thi quan trọng.

Thầy Cường chia sẻ thêm, do hiện nay ứng dụng chỉ thực hiện chấm thi được 4 mã đề, thế nhưng ở các kỳ thi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định chặt chẽ với 24 mã đề. Chính vì thế, sắp tới thầy Cường và đồng nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra phần mềm nâng cao hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu chấm thi trắc nghiệm, ngay cả các kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia.

Thầy Trần Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Hữu, cho biết: “Trong điều kiện thực tế, trường còn rất nhiều khó khăn trong việc trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học, thì sáng kiến của thầy Cường là rất hữu ích, thiết thực cho công tác giáo dục của nhà trường.

Từ đó, phát huy tinh thần sáng tạo, học hỏi của toàn thể giáo viên và học sinh của trường. Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã động viên và yêu cầu tổ Toán - Tin phối hợp với thầy Cường viết một ứng dụng riêng, không chỉ phù hợp với điều kiện thi hiện tại mà còn có thể chấm thi theo 24 mã đề khác nhau”.

Sau hơn 3 tháng kiên trì, nỗ lực, thầy Cường “thở phào” vì đã lập trình thành công phần mềm chấm thi trắc nghiệm 4 đáp án, đặc biệt là phiên bản bằng tiếng Việt.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.