Theo giới thiệu, đặc điểm nổi bật của Yak-130M là sự xuất hiện của trạm radar hàng không BRLS-130R và còn được tích hợp trạm trinh sát quang - điện tử SOLT-130K (dưới dạng pod treo ngoài).
Những cải tiến trên giúp nâng cao vượt trội năng lực tác chiến của máy bay, cả trong vai trò đối không lẫn đối đất. Ngoài ra dự kiến Yak-130M vẫn đủ khả năng thực hiện chức năng huấn luyện nâng cao đối với phi công tiêm kích cho Không quân Nga.
Tuy nhiên ở giai đoạn này, chúng ta chỉ đang nói về nguyên mẫu Yak-130M, các cuộc thử nghiệm sơ bộ theo kế hoạch sẽ chỉ bắt đầu vào năm 2025, cho nên triển vọng vẫn ở mức cực kỳ mơ hồ.
Trong bối cảnh đó, điều thú vị là trang Defence24 của Ba Lan đã quyết định bày tỏ ý kiến của mình về triển vọng đối với Yak-130M, họ nhấn mạnh một chi tiết quan trọng - ngay từ năm 2012, Nga đã công bố kế hoạch từ bỏ hoàn toàn cường kích Su-25 khi đã tìm được phương án thay thế phù hợp.
Vào năm 2017, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga khi đó là ông Shoigu đã tuyên bố rằng Su-25 có thể được thay thế bằng Yak-130 "trong phiên bản sửa đổi phù hợp", nhưng cả số lượng lẫn khung thời gian đều không được đề cập.
Yak-130 có thể thành công đến mức nào trong vai trò thay thế Su-25 là một câu hỏi gây tranh cãi, đặc biệt nếu so sánh đặc điểm của hai loại máy bay chiến đấu này.
Trong khi Su-25 có thể mang tải trọng vũ khí lên tới 4,5 tấn, bán kính bay 750 km; thì chiếc phi cơ huấn luyện - chiến đấu Yak-130 ở phiên bản cơ sở chỉ có thể mang tải trọng đến 3 tấn, bán kính bay khoảng 550 km.
Trong bối cảnh đó, có vẻ Moskva sẽ phát triển Yak-130M như một phiên bản kế thừa trực tiếp cho cường kích tấn công mặt đất Su-25, mặc dù không có lớp giáp bảo vệ mạnh mẽ như Su-25, nhưng thay vào đó Yak-130M sẽ có nhiều cơ hội hơn để sử dụng vũ khí dẫn đường.
Nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta không nên loại trừ khả năng Liên bang Nga sẽ quyết định không tìm kiếm "người kế nhiệm" cho Su-25, họ chỉ đơn giản từ bỏ chiếc cường kích tấn công mặt đất và đặt cược vào UAV tấn công, hoặc máy bay chiến thuật đa năng.