(GD&TĐ) – Hôm nay (13.12), Nhật đã lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi một máy bay của chính phủ Trung Quốc bay vào khu vực mà Nhật cho là không phận của mình ở phía trên nhóm đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông – Bộ Ngoại giao Nhật cho biết.
Một máy bay của Trung Quốc bay qua khoảng 15km phía nam một trong những hòn đảo tranh chấp với Trung Quốc có tên Senkaku/Điếu Ngư |
Vụ việc này khiến cho quân đội Nhật phải triển khai 8 chiến đấu cơ F15 – Bộ Quốc phòng Nhật nói. Sau đó các quan chức Nhật cho biết chiếc máy bay đã rời khỏi khu vực trên.
Mối quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng vào tháng 9 sau khi Nhật mua nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật.
“Mặc dù chúng tôi liên tục cảnh báo, tàu của chính phủ Trung Quốc vẫn vào lãnh hải của chúng tôi trong 3 ngày liền” – Thư ký nội các Osama Fujimura nói với các phóng viên – “Cũng thật là đáng tiếc rằng, một vụ xâm nhập không phận đã diễn ra theo cách này” – ông cho biết thêm rằng Nhật Bản đã chính thức phản đối thông qua các kênh ngoại giao.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, đây là lần đầu tiên trong năm một máy bay Trung Quốc xâm nhập vào không phận gần nhóm đảo mà Nhật đang kiểm soát. Tuy nhiên Trung Quốc cho rằng chuyến bay đó “hoàn toàn bình thường” và kêu gọi Nhật dừng việc vào lãnh hải và không phận gần nhóm đảo.
Vụ việc trên xảy ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nhật được dự đoán quyền lực sẽ về tay Đảng Tự do dân chủ (LDP) mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe đang lãnh đạo. Ông Abe đã cam kết có quan điểm cứng rắn trong vấn đề tranh chấp nhóm đảo có tiềm năng trữ lượng khí đốt lớn và ông đã phê phán cách xử lý lỏng lẻo của đảng cầm quyền trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.
Cựu thủ tướng Nhật Abe cũng hứa sẽ tăng cường chi tiêu cho quốc phòng bao gồm bảo vệ bờ biển.
Trong chuyến thăm tới châu Á vào tháng 11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã thúc giục các nhà lãnh đạo châu Á kiềm chế căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ. Washington không có vai trò về chủ quyền của nhóm đảo trên nhưng cho biết chúng nằm trong một thỏa thuận an ninh năm 1960, theo đó Mỹ có bổn phận hỗ trợ Nhật nếu nước này bị tấn công.
Hà Châu (Theo Reuters)