Như đã đưa tin, vào hồi 6h17’ sáng ngày 28/12, chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 thuộc hãng hàng không Air Asia đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Jakarta.
Được biết, máy bay này đang trên hành trình từ Indonesia tới Singapore thì bất ngờ “bốc hơi” không một tung tích.
Cho tới nay, cả thế giới đang nín thở chờ đợi thông tin về chiếc máy bay gặp nạn trên. Nguyên nhân hiện chưa được làm rõ tuy nhiên đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra.
Một trong số các thông tin đáng lưu ý, đó là vào thời điểm chiếc QZ 8501 mất tích có một cơn bão đang dần hình thành tại phía Bắc Surabaya – nơi máy bay khởi hành.
Vậy liệu có khả năng nào chiếc máy bay này gặp nạn do hiện tượng trên? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về điều này với giả định cuộc đụng độ giữa máy bay và bão tố.
Máy bay có thể sống sót khi gặp bão?... Hoàn toàn có thể.
Điều đầu tiên cần khẳng định, đó là sự nguy hiểm của cơn bão không như chúng ta thường nghĩ. Nhiều người cho rằng, mọi chiếc máy bay gặp bão đều sẽ tử nạn, nhưng sự thật không phải vậy.
Lịch sử thế giới từng chứng kiến những phi công thuộc quân đội Mỹ bay thẳng vào cơn bão chỉ vì… thú vui nhưng vẫn sống sót. Sau này, rất nhiều máy bay không người lái được thiết kế chỉ để bay vào bão thu thập thông tin khí tượng.
Như vậy, có thể nói máy bay hoàn toàn có thể sống sót khi gặp bão. Theo các chuyên gia hàng không, nếu phi công có đủ sức bình tĩnh và kinh nghiệm dày dặn, họ có thể giúp máy bay thoát khỏi cơn bão mà không mảy may gặp nguy hiểm.
Vậy khi nào máy bay chạm trán cơn bão?
Thông thường, các máy bay vận tải hành khách ngày nay đều có radar theo dõi thời tiết cũng như được lập trình đường bay trước để tránh các hiện tượng tự nhiên như bão lốc. Khoảng cách bay an toàn thường là 20 hải lý (hơn 37km) so với cơn bão.
Các thiết bị này sẽ thông báo tín hiệu cảnh báo trước khi gặp bão khoảng vài phút, đủ để phi công điều chỉnh là lên phương án tránh gặp nguy hiểm.
Vì thế, chỉ khi các hệ thống cảnh báo gặp sự cố và phi công không thể làm chủ tình hình, việc bay vào bão mới có thể xảy ra.
Máy bay chiến đấu với bão ra sao?
Đi kèm với các cơn bão thường là gió lốc và sấm sét. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học thì cả hai đều rất khó có thể đánh gục một chiếc máy bay dân dụng.
Cụ thể, máy bay cũng gần như bất khả xâm phạm đối với sấm sét. Mặc dù vỏ máy bay làm từ nhôm dẫn điện, tuy nhiên lại được thiết kế theo nguyên lý chiếc lồng Faraday.
Nhờ đó, vỏ máy bay có thể chịu được những dòng điện có cường độ mạnh tới 250.000 ampe, trong khi các cú sét đánh thông thường chỉ có cường độ khoảng 32.000 ampe.
Mặt khác, tại các vị trí có bình nhiên liệu, máy bay hiện đại được thiết kế với lớp bảo vệ cực dày, được tính toán chống được các tia sét đánh qua. Nói cách khác, xét trên lý thuyết, khả năng sấm sét trong bão hạ gục được máy bay là rất thấp.
Sự nguy hiểm thật sự của các cơn bão đến từ những luồng gió lốc thổi xoáy. Về lý thuyết, chúng chỉ gây ra tình trạng thay đổi độ cao liên tục và gia tốc của máy bay bởi các dòng đối lưu khí chứ không thể lật nhào phi cơ như nhiều người tưởng tượng.
Nếu phi công giữ được tốc độ ổn định và thăng bằng đủ lâu, máy bay sẽ thoát khỏi cơn bão hung thần.
Nếu vượt quá giới hạn độ cao cho phép của máy bay, hệ thống sẽ không còn hoạt động ổn định (đặc biệt là đồng hồ đo độ cao), gây nên tình trạng hỏng động cơ. Hậu quả xấu nhất sẽ xảy ra: máy bay mất kiểm soát và gặp nạn.
Ngoài ra, đối với các máy bay loại nhỏ, nếu trong bão có độ ẩm và nhiệt độ dưới 0 độ C sẽ gặp phải tình trạng đóng băng.
Hiện tượng này vô cùng nguy hiểm bởi nó làm thay đổi tình trạng khí động học của máy bay. Nếu băng đóng ở cánh hay thân sẽ làm máy bay nặng hơn, lực nâng của cánh giảm dẫn tới những tình huống nguy hiểm khác.