Dù trông giống như một khí cầu siêu lớn, Airlander 10 kết hợp công nghệ máy bay, trực thăng và tàu bay.
Phương tiện được thiết kế để bay lơ lửng trên không trung ở độ cao 6.100 mét trong 5 ngày khi có người lái, theo Hybrid Air Vehicles, công ty chế tạo Airlander 10. Với chiều dài 92 m, đây là chiếc máy bay lớn nhất thế giới hiện nay.
Hôm 10/5, Airlander 10 bay tổng cộng 180 phút để kiểm tra khả năng vận hành của phương tiện cũng như công nghệ hạ cánh cải tiến.
Đây là chuyến bay thử thứ ba của Airlander 10. Lúc đầu, phương tiện ra đời với tên gọi HAV-304 và bay thành công năm 2012 trong chương trình Long Endurance Multi-intelligence Vehicle của quân đội Mỹ.
Sau khi thay đổi kiểu dáng và trải qua nhiều thay đổi, Airlander 10 cất cánh lần đầu tiên vào tháng 8/2016, bắt đầu chương trình thử nghiệm để đánh giá hiệu suất của chiếc máy bay và đạt mục tiêu bay xa hơn căn cứ Cardington, Anh.
Chuyến bay mới nhất phục vụ hai mục tiêu chính ngoài cất cánh, bay và hạ cánh an toàn. Mục tiêu thứ nhất là xác định cách Airlander 10 vận hành, bao gồm bộ phận tiếp đất mới bổ sung thuộc hệ thống đáp phụ trợ Auxiliary Landing System (ALS). Mục tiêu thứ hai là thu thập dữ liệu về hiệu suất của chuyến bay như tốc độ bay, Hybrid Air Vehicles cho biết.
Trong suốt chuyến bay thử, Airlander 10 "vận hành một cách xuất sắc", theo Dave Burns, phi công chính lái thử phương tiện. Theo thông báo từ Hybrid Air Vehicles, đội thử nghiệm bay rất hài lòng với kết quả phân tích sơ bộ về Airlander 10.
Trong tương lai, chiếc máy bay có thể sử dụng cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, tuần tra biên giới, kiểm soát đám đông, bảo an, quay phim hoặc nghiên cứu khoa học.
"Sẽ có nhiều đối tượng hành khách trải nghiệm bay và sau này, Hybrid Air Vehicles có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chở hàng hóa đến những khu vực xa xôi", lãnh đạo công ty chia sẻ.
Airlander cất cánh lần đầu tiên