Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Mạng xã hội lan truyền một clip đề cập đến nghi phạm Cao Văn Hùng, 51 tuổi, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với nhân viên của một quán cà phê ở Hà Nội mà đốt quán, làm chết 11 người hôm 20/12. Trước cán bộ điều tra của Công an Hà Nội, Cao Văn Hùng vừa phì phèo thuốc lá vừa kể lại chuyện đốt quán bằng vẻ mặt “tỉnh rụi” như thể kể lại một chuyện vui!

Chỉ vì lời qua tiếng lại với nhau, thế mà vẫn nhẫn tâm kết liễu cùng lúc 11 mạng người, mà những người ấy không mâu thuẫn gì với y cả. Cũng lời qua tiếng lại sau khi bị vấp vào dây trang trí đèn điện giữa nhân viên thu vé chợ và chủ cửa hàng gas ở Hải Phòng mà dẫn đến đâm chém nhau làm một người tử vong hôm 21/12.

Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính như thế. Một anh tài xế xe tải ở Bình Phước bị một người lạ đánh đấm túi bụi vào mặt trong lúc chờ đèn đỏ, chỉ vì người lạ nọ nghĩ anh tài xế xe tải này “vượt mặt” anh ta trước đó vài phút!

Một trường hợp khác ở Quận 4, TPHCM, chỉ vì một vụ va quệt nhỏ mà một người đàn ông đã đánh tới tấp một cô gái khiến cô này ngã quỵ xuống đường. Một thanh niên 33 tuổi lái ô tô trước Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), đánh tới tấp người đàn ông đáng tuổi bố mình chỉ với một lý do “thấy mặt ông ấy đáng ghét” - như lời khai của đương sự trước cơ quan công an.

Điều đáng nói là, tất cả các vụ va quẹt hoặc “nhìn mặt thấy ghét” dẫn đến hành vi côn đồ nói trên, khi đối diện với các điều tra viên, tất cả đều “dịu giọng” và tỏ ra ăn năn, hối lỗi và “mong được pháp luật khoan hồng”!

Giá như trước khi hành động, những kẻ hung hăng kia biết kiềm chế một tí, biết giải quyết mâu thuẫn (nếu có) bằng lời nói nhẹ nhàng thì vụ việc sẽ không đi quá xa như thế. Vì đối với hành vi hung hăng, đánh người gây thương tích như thế, ngoài chuyện phải bồi thường cơm thuốc, những kẻ côn đồ hung hãn kia chắc chắn sẽ phải đối mặt với tù tội.

Tục ngữ đã đúc kết lời khuyên của cổ nhân: “Một sự nhịn, chín sự lành”, nghĩa là, làm người nên biết nhường nhịn một chút thì sẽ nhận lại kết quả tốt đẹp. Khi có những mâu thuẫn với nhau thì cả hai phía đều cùng “nhịn”, cùng “chịu thiệt” một chút thì mọi việc sẽ êm xuôi.

Thế nhưng, nhiều người luôn “chứng tỏ” mình trước đám đông bằng việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, sẵn sàng giơ nắm đấm, thay vì bằng một nụ cười kèm lời xin lỗi.

Có nhiều nguyên nhân để con người phải hành xử với nhau bằng vũ lực, như cuộc sống quá bức bách, buồn bực vì chuyện riêng hoặc con nợ đang réo gọi chẳng hạn… nên họ nghĩ, “xả” cơn bực tức của mình vào một nơi mà họ cho rằng làm như vậy sẽ “giảm bớt căng thẳng” nhưng đâu biết rằng, hành vi hung hăng thay cho lời nói sẽ đưa những người ấy đối diện với những mức án nghiêm khắc.

Mâu thuẫn giữa người với người trong cuộc sống là điều khó tránh. Nhưng giải quyết mâu thuẫn bằng kiềm chế trên tinh thần “hòa hiếu” thì không phải ai cũng làm được. Đừng biến những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống để nhận lãnh những hậu quả lớn như vụ đốt quán làm chết 11 người ở Hà Nội mới đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: