Mắt xích quan trọng trong tuyển sinh Đại học 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuyển sinh ĐH năm 2023, muộn nhất ngày 31/3, các sở GD&ĐT phải hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về KV ưu tiên, đối tượng ưu tiên.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến kế hoạch tuyển sinh chung trên toàn quốc sẽ sớm hơn năm trước, để thí sinh bắt đầu năm học mới từ tháng 9/2023. Đây cũng là một trong những lý do Bộ yêu cầu sớm hoàn thành rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên (muộn nhất là 31/3). Quy định này tưởng chừng chỉ mang yếu tố kỹ thuật, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng; thậm chí có thể quyết định việc thí sinh có trúng tuyển vào đại học hay không.

Đáng chú ý, toàn bộ quy trình tuyển sinh năm nay tiếp tục được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ sẽ kết hợp tất cả phần mềm liên quan tới tuyển sinh, kết nối cơ sở dữ liệu ngành (điểm kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT) với cơ sở dữ liệu HEMIS. Các khâu trong quá trình tuyển sinh cũng được thực hiện trực tuyến (online), từ khi các em đăng ký dự thi; cung cấp minh chứng, tài liệu, thông tin về đối tượng ưu tiên hay khu vực ưu tiên cho đến khâu cuối cùng là các em xác nhận nhập học.

Thực tế cho thấy, chúng ta đã có những bài học nhãn tiền, ở mùa tuyển sinh trước, một số thí sinh nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên nên mất cơ hội trúng tuyển. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chính xác cho thí sinh. Qua đó nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng và không để em nào rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, dẫn đến “trượt oan” như năm trước.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà từ mùa tuyển sinh năm nay sẽ áp dụng cách tính mới về điểm ưu tiên khu vực của thí sinh (nếu có). Cụ thể, Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên.

Điểm thi của thí sinh càng cao, mức điểm ưu tiên càng thấp. Thí sinh đạt 30 điểm không còn được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, không thí sinh nào có điểm xét tuyển vượt quá 30, các ngành điểm cao sẽ cạnh tranh công bằng hơn. Nói như vậy để thấy rằng, mỗi khâu trong quy trình tuyển sinh sẽ là một mắt xích quan trọng, không thể tách rời. Nếu bị lỗi ở bất kỳ khâu nào sẽ cho chúng ta kết quả không trọn vẹn. Bởi thế, ứng dụng công nghệ thông tin không có nghĩa là ỷ lại vào hệ thống, hay thiết bị công nghệ. Suy cho cùng, con người vẫn là yếu tố quyết định.

Do đó, mỗi cán bộ, chuyên viên cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình để làm việc bằng cả tâm huyết, trách nhiệm; giúp thí sinh được thụ hưởng đúng và trúng đối tượng ưu tiên (nếu có). Đây cũng là giải pháp thiết thực để đưa chính sách vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.