Mất ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến trong thai kỳ và điều đáng buồn là thời gian mang thai đáng lẽ chúng ta cần có được những giấc ngủ ngon để đảm bảo sức khỏe thì lại rất khó khăn. Vậy vì sao mẹ bầu lại hay mất ngủ và có cách nào để khắc phục?
Nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ
Thay đổi hormone
Những thay đổi hormone nội tiết tố trong cơ thể, cộng thêm tác dụng phụ khi mang thai, ảnh hưởng không ít cũng nhiều lên hệ tiêu hóa mẹ bầu. Từ đó, gây chứng táo bón, ợ nóng, khó tiêu, đầy bụng, cuối cùng dẫn đến chứng mất ngủ.
Khó tìm được vị trí ngủ thoải mái
Vị trí ngủ không thoải mái cũng có thể làm bà bầu ngủ không ngon, không sâu giấc. Ở từng giai đoạn mang thai, tư thế ngủ nên thay đổi để phù hợp, nhất là khi thai phát triển ngày càng lớn.
Vị trí ngủ không thoải mái cũng có thể làm bà bầu ngủ không ngon, không sâu giấc. Ảnh minh họa
Hay mơ
Những giấc mơ trong thai kỳ là điều không thể tránh khỏi, và đây cũng là một trong các nguyên nhân gây xáo trộn giấc ngủ của mẹ bầu.
Chứng chuột rút
Không ít mẹ bầu bị chuột rút “hành hạ” mỗi đêm nhiều đến nỗi không tài nào chợp mắt được, nhất là vào tam cá nguyệt cuối cùng.
Đi tiểu thường xuyên
Chứng đi tiểu liên tục trong thai kỳ cũng dễ dẫn đến hiện tượng mất ngủ khi mang thai.
Thai nhi làm phiền
Nhiều mẹ bầu than thở do thai nhi chuyển động nhiều, thường xuyên huých mạnh khi mẹ đang ngủ làm mẹ đột ngột tỉnh giấc và khó ngủ lại.
Mất ngủ khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi?
Mẹ có biết thai nhi ngủ khi mẹ thức và thường thức khi mẹ ngủ? Do đó, đừng quá lo lắng chứng mất ngủ của mình sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của con. Hơn nữa, nhờ lớp da, lớp cơ, nước ối bao bọc, thai nhi sẽ không bị làm phiền bởi những âm thanh khó chịu bên ngoài khiến mẹ khó ngủ.
Sức khỏe của bé chỉ bị ảnh hưởng khi hoạt động hằng ngày của mẹ bị ảnh hưởng bởi chứng mất ngủ, chẳng hạn như kiệt sức, biếng ăn, mệt mỏi, nhức đầu…
Từ đó, dẫn đến chứng thiếu máu ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo rằng mẹ bầu ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày trong tháng cuối thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh mổ cao hơn hoặc chuyển dạ lâu hơn.
Cách khắc phục chứng mất ngủ khi mang bầu
Khắc phục biểu hiện khó chịu khi ốm nghén
Ốm nghén cũng gây mất ngủ cho bà bầu. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu tình trạng ốm nghén của mình để có cách điều trị thích hợp. Nếu chỉ là cảm giác buồn nôn, bạn có thể uống những loại trà thảo mộc như trà gừng, trà bạc hà…
Chế độ ăn uống
Bà bầu nên hạn chế tối đa đồ uống chứa chất kích thích như nước ngọt, cà phê, trà và không dùng chúng vào giờ chiều, tối muộn và trước giờ đi ngủ. Không ăn tối quá no và nên ăn trước khi ngủ từ 2-3 tiếng để cơ thể có thời gian tiêu hóa thức ăn và tránh mất ngủ khi mang thai.
Mỗi ngày bạn nên uống 8 ly nước lọc để giảm các cơn đau và những triệu chứng khó chịu khác. Nếu bà bầu bị tê chân thì hãy bổ sung canxi và thường xuyên massage chân.
Trước khi ngủ
Bạn không nên xem ti vi hay đọc sách báo trên giường. Nghe nhạc nhẹ để có giấc ngủ êm ái. Chọn đồ ngủ với chất liệu cotton rộng rãi thoải mái. Ngâm chân nước nóng trước khi ngủ cũng giúp lưu thông máu huyết và làm cho mẹ dễ ngủ hơn. Chỉ ngủ khi cảm thấy buồn ngủ.
Tư thế ngủ
Bà bầu nên nằm ghé sang bên trái để ngủ vì tư thế ngủ này giúp lượng máu đến nhau thai tốt nhất. Còn nếu bụng bầu quá lớn, bạn hãy chèn một chiếc gối mềm ở phần bụng hay dùng loại gối quấn toàn thân dành cho bà bầu.
Tạo tâm lý thoải mái
Cuối cùng, để ngăn ngừa chứng mất ngủ, cách tốt nhất là mẹ hãy dẹp bỏ những gánh lo, tạo cho mình tâm lý thoải mái nhất.