Mất liên lạc với 1.400 sinh viên nước ngoài: Trường Đại học Phúc lợi Xã hội Tokyo bị điều tra

GD&TĐ - Từ hôm 26/3, chính phủ Nhật Bản đã chính tiến hành điều tra một cơ sở của Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo (thuộc địa bàn quận Kita, Tokyo) để tìm hiểu làm thế nào trường lại mất liên lạc với khoảng 1.400 SV nước ngoài kể từ năm học 2016.

Các phóng viên tập trung tại cơ sở Oji của Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo ngày 26/3.
Các phóng viên tập trung tại cơ sở Oji của Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo ngày 26/3.

Trong đó riêng năm học 2018 có tới 700 SV nước ngoài mất liên lạc (trong đó có cả SV đến từ Việt Nam - ND).

1.400 SV nước ngoài “mất tích”

Theo kế hoạch điều tra được công bố, Bộ GD và Cục Quản lý xuất nhập cảnh khu vực Tokyo (thuộc Bộ Tư pháp) sẽ kiểm tra cách Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo quản lý tuyển sinh đối với SV nước ngoài.

Theo các quan chức Bộ GD và Bộ Tư pháp, nếu phát hiện có vấn đề trong cách thức quản lý, trường này sẽ đối diện với nguy cơ bị cắt giảm hoặc ngừng hoàn toàn khoản trợ cấp từ chính phủ.

Tính đến ngày 1/5/2018, Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo có 5.133 SV nước ngoài nhập học (trong tổng số khoảng 8.000 SV toàn trường). Đây cũng là tổ chức GD ĐH có số lượng SV nước ngoài theo học lớn thứ hai ở Nhật Bản, chỉ sau Trường ĐH Waseda (có trụ sở chính ở quận Shinjuku, Tokyo; là một trong những trường ĐH tư thục lớn nhất Nhật Bản nói riêng và cả châu Á nói chung).

Năm học 2018, Trường ĐH Waseda có 5.412 SV nước ngoài nhập học, theo số liệu thống kê của Tổ chức Dịch vụ SV Nhật Bản.

Ban quản trị Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo cho biết họ đã báo cáo với Bộ GD Nhật Bản cũng như các cơ quan chức năng khác rằng hầu hết trong số khoảng 1.400 SV “mất tích” đã bị hủy đăng ký theo học tại trường.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Bộ GD và Bộ Tư pháp không có thông tin về nơi ở hiện tại của các lưu học sinh (LHS) này và trên thực tế, theo các cơ quan chức năng, đơn giản là “họ đã biến mất”.

Cơ sở Oji của Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo tại quận Kita (Tokyo), nơi đang bị Bộ GD và Bộ Tư pháp tiến hàng điều tra.
Cơ sở Oji của Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo tại quận Kita (Tokyo), nơi đang bị Bộ GD và Bộ Tư pháp tiến hàng điều tra.

Nghiêm trọng

“Chúng tôi sẽ kiểm tra xem các SV nước ngoài đã được chấp nhận đăng ký nhập học có đúng thủ tục chưa, có được quản lý theo quy định hay không. Hồ sơ các lớp học mà các LHS mất tích đã đăng ký theo học cũng được kiểm tra.

Tùy thuộc vào kết quả các các cuộc điều tra, chúng tôi sẽ đưa ra hướng dẫn để nhà trường cải thiện và khắc phục tình hình; đồng thời chúng tôi sẽ cải thiện lại quy định về quản lý SV nước ngoài ở các trường ĐH trong nước”, Bộ trưởng Bộ GD Nhật Bản, ông Masahiko Shibayama, tuyên bố trong một cuộc họp báo mới đây.

Liên quan đến sự việc được coi là nghiêm trọng này, Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ xem xét áp dụng kiểm tra tình trạng cư trú nghiêm ngặt hơn đối với SV nước ngoài theo học tại các Trường ĐH Nhật Bản, trước hết là đối với Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo.

ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo là một trường tư thục, được thành lập năm 2000 tại thành phố Isesaki, tỉnh Gunma. Trường hiện có bốn cơ sở tại ba thành phố, gồm Tokyo, Isesaki và Nagoya. Số lượng SV nước ngoài tại trường tăng mạnh từ con số 348 SV vào tháng 5/2013 lên mức 5.133 SV vào tháng 5/2018.

Tuy vậy, kèm theo sự bùng nổ về số lượng SV nước ngoài theo học, trường này cũng dính phải bê bối về quản lý LHS. Năm 2017, Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết hàng chục SV nước ngoài tại trường bị phát hiện đã quá hạn thị thực, trước khi báo chí tiết lộ thông tin nhà trường mất liên lạc với 1.400 LHS chỉ trong hai năm 2016 - 2018.

Kẽ hở lưu trú?

Theo thông tin từ Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo, trong số 5.133 SV nước ngoài đăng ký theo học của năm học 2018, có 925 SV ĐH và sau ĐH; 2.711 SV theo học hệ nghiên cứu hoặc học dự bị ĐH; 1.495 LHS theo học tiếng Nhật trước khi vào ĐH. Trong số 2.711 SV theo học hệ nghiên cứu hoặc dự bị ĐH, khoảng 700 người đã bị hủy đăng ký theo học, trong đó phần lớn là những SV đang học tại cơ sở Oji ở quận Kita (Tokyo).

Họ đến từ các quốc gia bao gồm Việt Nam, Nepal và Myanmar. Đó là những SV nợ học phí dài hạn, hết hạn visa hoặc không thể liên lạc được trong ba tháng và không xác định được địa điểm hiện tại.

“Chúng tôi đã giúp đỡ nhiều SV nước ngoài, những người ban đầu gặp khó khăn khi vào ĐH” - một quan chức của Trường ĐH Phúc lợi Xã hội Tokyo nói: “Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, như đến thăm nơi lưu trú (trong đăng ký hồ sơ) tại Nhật Bản của những SV bắt đầu vắng mặt trong các lớp học, hoặc liên lạc về đất nước của họ. Nhưng chúng tôi không thể làm gì khi không có cách nào xác định nơi ở hiện tại của họ”.

Quan chức này cũng cho biết tất cả SV mất liên lạc đến từ các trường ngôn ngữ Nhật Bản, hoạt động tại Nhật Bản. Theo lý giải trước đó của các SV, họ đăng ký theo học hệ nghiên cứu thay vì theo học các chương trình ĐH thông thường, bởi khả năng ngôn ngữ chưa đủ đáp ứng yêu cầu học tập (hệ ĐH).

Về phần mình, các quan chức Bộ GD Nhật Bản cho biết sẽ không chỉ tiến hành điều tra trách nhiệm của nhà trường trong việc mất liên lạc với các LHS nói trên, mà còn có kế hoạch thẩm vấn nhân viên của trường về tình hình tuyển sinh. Họ cũng sẽ xem xét các kế hoạch bài giảng mà trường đã trình lên chính phủ có phù hợp hay không.

Bộ trưởng Bộ GD, ông Masahiko Shibayama cho biết, một số trường ĐH có thể đã chấp nhận SV nước ngoài không có đủ kỹ năng ngôn ngữ, với cách thức tăng nguồn thu như một doanh nghiệp, qua đó góp phần mở rộng tình trạng cư trú tại Nhật Bản.

Ông Shibayama khẳng định, Bộ GD và Bộ Tư pháp sẽ xem xét cẩn thận vấn đề và đưa ra các hướng dẫn để cải thiện cần thiết. Ông cũng nói thêm rằng, sẽ làm việc với các chính quyền tỉnh có thẩm quyền đối với các trường ngôn ngữ và kỹ thuật, để tìm hiểu tình huống này xảy ra như thế nào.

Theo Japan Today, NHK, Asahi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.