Mật lệnh tàn sát và quyền lực ở "thủ phủ đen" của ông trùm giang hồ

“Đế chế đá đỏ” không chỉ gắn liền với những cuộc thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm giang hồ tứ chiếng, mà không ít lần, dân bản địa cũng xảy ra hỗn chiến chỉ vì “giọt máu” của đất.

Mật lệnh tàn sát và quyền lực ở "thủ phủ đen" của ông trùm giang hồ

Những cuộc đâm chém, cướp giết ở “thủ phủ máu” chỉ chấm dứt ông trùm Phong “trọc” ngôi “bá chủ”.

Sơn “cụt” và mật lệnh tàn sát

Những ngày tháng đầu tiên của “đế chế đá đỏ”, dân đãi sa khoáng chủ yếu khai thác ở đồi Hoa cỏ may, địa danh nằm tiếp giáp giữa xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) và huyện Quỳ Châu. Tình hình lúc đó cực kỳ phức tạp. Đa phần người bản địa kéo nhau đến đây tự khai thác và gây dựng thanh thế. Dân tứ xứ đổ về gần như không thể chen chân vào lãnh địa. Và nếu có, họ cũng chỉ được phép khai thác ở những địa điểm có cực ít đá đỏ.

Sự thèm muốn những vỉa đá trữ lượng lớn, cùng nỗi ấm ức trong lòng, các băng nhóm từng bị dân bản địa cho bật bãi buộc phải “hạ sơn”, nhờ đàn anh tên Sơn “cụt” ra tay giúp đỡ. Chập tối một ngày cuối tháng 8/1990, Sơn dẫn khoảng 20 người, đột nhập vào cứ điểm bất khả xâm phạm của người dân bản địa. Biết tiếng Sơn “cụt” đã lâu, nên dân Yên Hợp ngậm ngùi để nhóm của hắn khai thác.

Khi Sơn đang nằm trong lán hút thuốc phiện, đàn em hớt hải chạy đến, thông báo tình hình: “Quân mình vừa đào được một vỉa có rất nhiều đá, dân bản địa kéo đến cướp hầm”. Cay cú vì bị hớt tay trên, Sơn “cụt” hầm hầm cùng đồng đảng vác dao lê chạy ra. Biết trước sự tình, không để cho Sơn kịp ra tay, nhóm dân bản địa ngay lập tức rút chốt hai quả lựu đạn, ném thẳng vào hội của Sơn. Sơn vội lăn mình xuống đồi, nằm rạp xuống để tránh. Lúc ngửa mặt nhìn lên, gã giang hồ thấy hai đồng bọn nằm bất động trên vũng máu, một số đàn em khác bị thương nặng, nằm kêu than.

Như con mãnh thú bị thương, Sơn vác lê vùng dậy, nhằm thẳng tên vừa ném lựu đạn chém tới tấp. Lĩnh hàng chục nhát chém chí mạng, tên cầm đầu nhóm dân bản địa quằn quại rồi đổ rạp xuống. Thấy chủ soái bị Sơn “cụt” chém trọng thương, tất cả người dân Yên Hợp vội cầm xà beng và mã tấu chạy theo Sơn, nhằm thẳng đầu mà phang. Thế yếu, Sơn hô anh em rút quân để tập hợp thêm viện binh.

May mắn thoát khỏi vòng vây, Sơn vội tập hợp nhanh lực lượng, quyết ăn thua đến cùng bằng một trận huyết chiến. Gần 100 đồng đảng là giang hồ tứ xứ, quy tụ dưới trướng của Sơn “cụt”, nhanh chóng có mặt để đi đòi món nợ bằng máu. Mệnh lệnh mà Sơn đưa ra lúc này “cứ thấy ai là người dân Yên Hợp đang tập trung ở đồi Hoa cỏ may chém hết, không tha một ai”.

Thông tin về cuộc tàn sát đến tai lực lượng công an thời bấy giờ. Với lực lượng mỏng, phải vất vả lắm họ mới dẹp yên được trận tử chiến này. Sau vụ điều hơn 100 quân đến để tiêu diệt người dân bản địa bất thành, tên tuổi của Sơn “cụt” nổi như cồn. Các tên cầm đầu ở bản địa cuối cùng cũng quy thuận, núp bóng dưới trướng của Sơn. Ngẫu nhiên, Sơn “cụt” trở thành thủ lĩnh, cai quản khu vực đồi Hoa cỏ may, sống ngập trong khói thuốc phiện, rượu bia và gái mại dâm.

Mật lệnh tàn sát và quyền lực ở

vĐồi Tỷ, nơi xảy ra vụ hỗn chiến giữa người dân xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với dân Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Đàn).

Cũng trong giai đoạn đó, tại “thủ phủ máu”, ở một ngọn đồi khác – đồi Tỷ, nhiều người cũng chưa quên một vụ hỗn chiến giữa người dân xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với dân Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), mà kết cục là cả chiếc xe bán tải chở la liệt người bị thương tiến thẳng đến bệnh viện huyện Nghĩa Đàn để cấp cứu. Hôm đó, trong khi đang khoét hầm ếch để tìm đá đỏ, dân đào đá Nghĩa Minh bất ngờ phát hiện thấy vỉa lớn, nhiều khả năng có trữ lượng đá đỏ. Thông tin nhanh chóng đến tai bưởng trưởng, cầm đầu toán người Yên Hợp. Ngay lập tức, bưởng trưởng ra lệnh cho anh em khoét thông sang hầm của Nghĩa Minh để tranh giành, phân chia mỏ đá.

Lúc này, dưới hầm sâu, 3 người của Nghĩa Minh đang thoăn thoắt chuyển lên trên những bì đất để đãi thì phát hiện mấy người Yên Hợp từ hầm bên kia mò sang. Sau một hồi cãi vã, dân Yên Hợp cầm xà beng, táng thẳng. Không kịp chống trả, 2 người Nghĩa Minh bị đánh vỡ đầu, tử vong ngay tại chỗ. Nghe tin đệ tử bị giết dưới hầm, bưởng trưởng vội huy động anh em vác mã tấu, xà beng chống trả quyết liệt. Một trận hỗn chiến xảy ra ngay trên miệng hầm. Đất đá từ trên đổ ầm ầm, che hết miệng hầm. Lần đó, phải đến ngày hôm sau, người ta mới bới đất đưa xác người dân Nghĩa Minh đi chôn cất.

... Đến quyền lực “khó đỡ” của Phong “trọc”

Đầu năm Tân Mùi (1991), thời điểm mà cơn sốt đá đỏ đạt tới đỉnh điểm, “thủ phủ máu” bỗng nhiên xuất hiện một giang hồ cộm cán, tên Phong “trọc”. Ra tù hôm trước, hôm sau Phong đã xuất hiện tại Quỳ Châu. Dường như sự xuất hiện của y không được chào đón, bởi “thủ phủ máu” lúc bấy giờ đã có chủ là Sơn “cụt”, Phương “tay trái” và Tường “lợn” chia nhau nắm giữ. Thế “chân vạc” đã tồn tại bất biến khá lâu và rất khó “có cơ” để Phong bày trò.

Nắm vững thời thế, mang trong mình âm mưu bá chủ, Phong nhanh chóng tập hợp các đồng đảng từng quen biết ở tù lại để kết nghĩa huynh đệ. Phong thành lập hội “Lương sơn bạc”, ý định thâu tóm quyền lực nơi đây vào tay mình. Nghiên cứu kỹ thế “tam quốc” do giang hồ đá đỏ thống lĩnh bấy giờ, Phong hiểu được, kẻ ngáng đường mà y ngán nhất không phải Sơn “cụt” , Phương “tay trái” mà chính là Tường “lợn” – một tên sát thủ, sẵn sàng xả súng vào kẻ đối diện nếu... thích.

Đang loay hoay tính mưu đối phó với Tường “lợn”, bỗng nhiên Phong nhận được tin vui, Tường bị lực lượng công an bắt giữ trong một vụ hỗn chiến. Tường “lợn” sa cơ, thế “chân vạc” ở “thủ phủ máu” bị phá vỡ. Nếu như trước đây, mỗi khi “có biến” hay có băng đảng nào nổi lên, Tường “lợn” cùng với Sơn “cụt” và Phương “tay trái” thường ngồi lại để bàn cách ứng phó và dẹp bỏ. Từ ngày Tường bị bắt, hội của Sơn “cụt” và Phương “tay trái” yếu thế hẳn.

Mật lệnh tàn sát và quyền lực ở

Nguyễn Văn Đường, một trong những trợ thủ đắc lực của Phong “trọc”.

Thời cơ đến, Phong và đồng bọn quyết định “xưng vương”. Lúc bấy giờ, trợ thủ đắc lực nhất của Phong, người được nhắc đến nhiều nhất trên con đường Phong lên “ngôi vương” là Nguyễn Văn Đường (huyện Hưng Nguyên, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An), thường gọi là Đường “lỳ”, hoặc Đường “mặt rộ”. Hắn từng có nhiều tiền án, đi tù cùng thời với Phong. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, ra tù, y và Phong gặp nhau tại Quỳ Châu và bàn mưu thống nhất giang hồ bằng mọi giá.

Đường nổi tiếng là kẻ máu lạnh, giết người không run tay. Một lần, để răn đe đàn em, gã nhằm thẳng 1 tên đệ tử mà siết cò. Gây án xong, Đường tuyên bố: “Chúng mày coi nó mà liệu hồn, nếu lừa tao, phản tao, ắt sẽ cùng chung số phận với nó”.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Sơn “cụt” và Phương “tay trái” nhanh chóng nhận ra, thời thế của mình đã hết. Cố đối đầu với Phong “trọc” chỉ thêm máu đổ và nhận thất bại là phần chắc. Không ai bảo ai, hai chủ soái khét tiếng một thời chủ động nhường lãnh địa mà chúng và đồng bọn đổ không biết bao nhiêu là máu mới giành được cho Phong. Phong “trọc” gần như không cần đến máu, không sử dụng đến bạo lực cũng giành được lãnh địa”. “Đế chế đá đỏ” đã có chủ mới – Vi Văn Phong, Phong “trọc”. Và, thế là dân phu đá lại được phen khiếp đảm.

(Còn nữa)

Quá khứ bạo liệt của 2 ông trùm

Trong hồ sơ lưu tại TAND tỉnh Nghệ An còn ghi rất rõ về những tội danh Phong “trọc” từng gây ra trong thời kỳ hoàng kim của đá đỏ. Tên thật của hắn là Vi Văn Phong. Trước khi thống lĩnh giang hồ tại Quỳ Châu (Nghệ An), Phong từng có 2 tiền án về tội Trộm cắp và Trấn lột. Trong khi đó, Tường “lợn” tên thật là Tạ Hữu Tường (SN 1953, trú xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Thông tin phía công an lúc bấy giờ nắm được, Tường lúc nào cũng thủ sẵn 2 khẩu súng K54 trong người. Gặp biến, y sẵn sàng xả đạn để tẩu thoát. Có lần, Tường “lợn” gí súng và cướp của Châu “lé” (Kim Bôi, Hòa Bình) một lô đá đỏ, trị giá khoảng hơn 100 triệu đồng.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ