Mẹ ơi, có rau này con mang từ Đà Nẵng về. Người ở đó bảo quý và bổ dưỡng lắm. Ban đầu con nào có biết mà chỉ là vô tình muốn được “giải nhiệt” bằng đĩa rau xanh sau bao bữa tiệc tùng của chuyến du lịch dài ngày.
Nhà hàng đem tới, nói rằng đó là rau càng cua trộn giấm, ăn sẽ thấy “vui miệng” vì độ giòn rồi chợt lắng lại bởi hơi đắng. Chỉ cần vượt qua chút thử thách ấy thôi là thực khách không chỉ “giải nhiệt”, mà còn được đón nhận các vitamin, khoáng chất như sắt, kali, magiê, vitamin C… cùng nhiều công dụng của một dược liệu khá hữu hiệu như chống viêm, oxy hóa; bảo vệ tim mạch, tốt cho huyết áp, ngăn ngừa viêm khớp…
Mẹ của con vốn đau khớp từ bao năm qua. Mỗi lần trái gió trở trời là cơn đau theo những bước chân của mẹ. Và mẹ cũng cao huyết áp nữa, có lúc má mẹ đột nhiên ửng hồng. Mấy bố con không biết cứ trêu mẹ đang nghĩ về ai mà e thẹn thế. Chỉ khi khám bệnh dạ dày thì mới vỡ lẽ…
Con liền hỏi cách làm thế nào để mang được giống rau này về trồng ở vườn nhà. Thật đơn giản, chỉ cần nhúm hạt khô rắc nơi chân bờ tường là mấy bữa sau vườn của mẹ xanh sẫm những bụi càng cua có lá hình trái tim, có bông li ti hạt ngổng cổ lên kiêu hãnh rung rinh.
Rồi đến những ngày sau, bông già bung hạt bay theo gió đến đâu là có chúng ở đó, kể cả chỉ là khe gạch he hé ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy xanh um. Rõ ràng, cái tên gọi “càng cua” ấy là theo sự “bò ngang” từng đám, bám theo chân tường quây vườn, gian nhà, gian bếp…
Thấy từng vạt càng cua mơn mởn, mẹ hái nấu canh với tép, gion biển quê nhà. Chỉ cần sôi đều lên là chín. Bố cũng rất ưa thích vì loại rau này giòn mềm, không làm khó cho những chiếc răng của ông lão ngoài bát tuần.
Mẹ thường cố tình nấu dư thành vài ba tô, đến bữa mang sang biếu hàng xóm dọc ngõ, đều là những “vợ chồng son” U80 – 90. Rồi mẹ kể về càng cua, chia hạt tới mọi người. Giờ ngõ nhỏ của mẹ có phần xôn xao thêm câu chuyện rau càng cua mát lành trong những chiều hoàng hôn…