'Mất con, mất vợ' vì khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc

GD&TĐ - Trung Quốc đang tạm ngừng thi công nhiều công trình nhà ở. Điều này khiến hàng triệu người mua trước căn hộ trở nên “không có nhà”.

40% các nhà xây dựng ở Trung Quốc hoãn tiến hành dự án vì thiếu tiền.
40% các nhà xây dựng ở Trung Quốc hoãn tiến hành dự án vì thiếu tiền.

Trong đất nước “kinh tế mẹ chồng”, không nhà đồng nghĩa với khó có vợ con. Nhiều nam thanh niên đang có hôn ước, thậm chí sắp lên làm cha đột ngột mất tất cả.

Chia tay “trai không nhà”

Sau nhiều năm vất vả ở Thượng Hải, Li (34 tuổi) quyết định mua căn hộ đang xây tại Tương Đàm, thị trấn yên bình thuộc tỉnh Hồ Nam. Vì cần đặt trước 200 nghìn nhân dân tệ (khoảng 672 triệu đồng), Li đã vay ngân hàng 500 nghìn tệ (khoảng 1,68 tỷ đồng).

“Tuy khoản lãi hàng tháng không quá nhiều, chỉ tầm 3 nghìn tệ (khoảng 10 triệu đồng) nhưng vẫn chiếm 35% thu nhập của tôi”, Li cho biết.

Mấy năm vừa qua, thị trường bất động sản Trung Quốc “sốt sình sịch”. Trung bình họ xây 15 triệu ngôi nhà/năm, gấp 5 lần Mỹ và châu Âu cộng lại. Tuy nhiên, trong vòng 1,5 năm trở lại đây, nhiều dự án đã bị tạm ngừng thi công. Kết quả, hàng triệu người mua trước căn hộ như Li rơi vào tình cảnh không biết khi nào mới có nhà.

“Căn hộ chưa xây xong thì không phải là nhà”, mẹ bạn gái Li nhấn mạnh. Mặc dù con gái đã mang bầu và dự định kết hôn, bà nhất quyết “không nên lấy đàn ông không có nhà riêng”. Nghe lời mẹ, bạn gái của Li phá thai và chia tay.

“Việc cô ấy phá thai đã tước đi của tôi toàn bộ niềm tin vào cuộc sống. Thế giới như sụp đổ. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng…”, Li đau khổ.

Trung Quốc khét danh “kinh tế mẹ chồng”. Vì nam giới nhiều hơn nữ giới 35 triệu người, sự “giành giật nàng dâu” giữa các bà mẹ có con trai rất khốc liệt. Chỉ 18, 19 tuổi, nam giới Trung Quốc đã được cha mẹ cho nhà hoặc căn hộ riêng.

“Trai bình thường như tôi, ít nhất cũng phải có 1 căn hộ. Còn không, chẳng cha mẹ nào sẵn lòng gả con gái cho”, Li lý giải.

Dù tuyệt vọng, Li hiểu tại sao bạn gái và gia đình cô đưa ra quyết định dứt khoát. Đời thực không phải là mơ. Những gì Li thiếu không chỉ có căn hộ mà còn cả khả năng tài chính. Với khoản nợ thế chấp 500 nghìn tệ, anh chỉ có thể trả dần trong 20 năm.

“Ngay cả khi bạn gái cãi lời cha mẹ mà lấy tôi, tôi cũng không chắc dám gánh vác”, Li chua xót.

“Kinh tế mẹ chồng” góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ cũng như sụp đổ của thị trường bất động sản.

“Kinh tế mẹ chồng” góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ cũng như sụp đổ của thị trường bất động sản.

Tuyệt vọng lan rộng

Theo phân tích của các chuyên gia, căn nguyên khủng hoảng bất động sản hiện nay của Trung Quốc đến từ “kinh tế mẹ chồng”. Vì nỗ lực mua nhà cho con trai, các bậc sinh thành vô tình trở thành người đầu cơ. Họ chủ yếu mua để đó hoặc cho thuê, chờ con trai lớn, lấy vợ mới bàn giao.

Nguyên nhân các nhà xây dựng tạm ngừng thi công là thiếu tiền. Lấy ví dụ Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhì Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, Evergrande có trên 1.300 dự án và 12 triệu hộ gia đình làm khách hàng.

Dưới tác động của Covid-19, Evergrande sụp đổ. Năm ngoái, tập đoàn này phá sản với khoản nợ trị giá 300 tỷ đô, tương đương với 2% tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc.

Không chỉ Evergrande, 40% các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính. Ước tính, họ đang dở thi công khoảng 2,4 triệu căn hộ.

Tian là một trong những khách hàng mua trúng căn hộ bị tạm dừng thi công. Vào năm 2018, anh và vợ quyết định đăng ký mua sau khi phát hiện chị mang thai.

Theo tiến độ, công trình phải được hoàn thành và bàn giao vào tháng 8/2020. Nào ngờ, đại dịch ập đến. Thay vì có căn hộ, Tian chỉ có khoản nợ 400 nghìn tệ (khoảng 1,34 tỷ đồng) vay thân nhân và ngân hàng, phải trả lãi 2,8 nghìn tệ/tháng (khoảng 9,4 triệu). Số tiền lãi này chiếm hẳn 70% thu nhập của 2 vợ chồng.

Chưa hết, Tian còn bị mất việc. Vợ anh buộc phải trở thành trụ cột, cáng đáng sinh hoạt phí của cả gia đình. Ngoài người mua, tạm ngừng thi công xây dựng còn đẩy nhiều ngành nghề liên quan vào ngõ cụt.

Ví dụ ngành sản xuất gạch men. “Trước đại dịch, chúng tôi kiếm được cả 100 nghìn tệ/ngày (khoảng 336 triệu đồng). Bây giờ, đến 10 nghìn tệ/ngày (khoảng 33,6 triệu đồng) cũng không nổi”, một xưởng gốm sứ lớn ở Phật Sơn, Quảng Đông than vãn.

Tương lai mịt mù

Li (34 tuổi) tuyệt vọng vì mất tương lai làm cha, làm chồng trong căn hộ mua trước chưa hoàn thành.

Li (34 tuổi) tuyệt vọng vì mất tương lai làm cha, làm chồng trong căn hộ mua trước chưa hoàn thành.

Tháng 7/2022, Tian gửi thư đến ngân hàng với nội dung mang tính chất đe dọa. Anh viết, nếu công trình chung cư không được xây tiếp vào tháng 9 thì sẽ “bùng” nợ. Cùng với Tian, nhiều người mua trước căn hộ cũng gửi thư tương tự.

“Chúng tôi đã trình bày cơ sự với cơ quan nhà nước cũng như các nhà phát triển, nhưng không ai ỏ ê. Họ chỉ trả lời lấy lệ rồi bỏ đấy”, Tian ấm ức. Trên các mạng xã hội, nhiều tài khoản lên tiếng đòi “bùng” nợ. Chí ít, người mua căn hộ của hơn 340 dự án khắp 120 thành phố Trung Quốc đang rủ nhau “không trả ngân hàng”.

Trước đại dịch, đầu cơ bất động sản là đầu tư siêu lợi nhuận. Ngay cả trong đại dịch, giá thành nhà đất vẫn liên tục lên cao. Dù có sẵn tiền hay phải vay mượn, các bậc phụ huynh cũng thấy mua căn hộ là quyết định sáng suốt nhất. Nhờ “kinh tế mẹ chồng”, thị trường xây dựng tha hồ mở rộng.

Các chung cư chưa động móng đã bán sạch căn hộ, chỉ việc xây cho xong rồi bàn giao. Vì lời lãi cao, nhiều thanh niên cũng cắm mũi theo đuổi đầu cơ bất động sản, trong đó có Qiang. Anh thậm chí không buồn tới xem địa điểm xây dựng, chỉ nhìn vào tên nhà phát triển mà đăng ký mua.

Tháng 6, Trung Quốc ban hành quy định cắt giảm lãi vay thế chấp và cam kết hỗ trợ hoàn thành các dự án xây dựng nhà ở dở dang. Tháng 7, Bắc Kinh tuyên bố, chính quyền địa phương các cấp sẽ chịu trách nhiệm giải quyết những chung cư bị tạm ngừng thi công. Có điều, thời hạn hoàn thành thì chưa được ấn định.

Bước đường cùng, Tian và nhiều hộ gia đình dọn thẳng vào căn hộ mua trước mà ở. Họ hy vọng hành động của mình gây áp lực lên các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương.

Không rõ kế sách này liệu có hiệu quả không nhưng thấy Tian đang phải sống trong điều kiện thiếu điện, nước, gas, nhà vệ sinh. Mỗi khi cần “giải tỏa”, anh phải đến nhà vệ sinh công cộng nằm cách chung cư nửa cây số.

Theo Channelnewsasia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ