Mạo danh công an gửi lệnh bắt tạm giam để chiếm đoạt tiền tỷ của cô gái trẻ

GD&TĐ - Một cô gái trẻ trình báo tới cơ quan chức năng về việc bị đối tượng lạ mặt thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ bằng cách mạo danh công an gửi lệnh bắt tạm giam.

Ngày 20/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này đã tiến hành khởi tố vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 và đang tích cực điều tra làm rõ, truy bắt các đối tượng liên quan.

Khoảng 14h ngày 31/3,  chị V.T.L.A. (SN 1999, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nhận được cuộc điện thoại từ số +00174430790150 và giới thiệu tên Bùi Ngọc Hân với chức danh cán bộ Cục quản lý giao thông đường bộ số 3 – TP. Đà Nẵng, số hiệu là 121522.

Người đàn ông này thông báo cho chị L.A. thông tin có nội dung: “Vào ngày 15/3/2022, chị L.A. thuê một xe ôtô nhãn hiệu i10, biển kiểm soát 43A – 688.52 đi tại Đà Nẵng. Đến ngày 17/3/2022, xe ôtô chị thuê gây tai nạn tại đường Điện Biên Phủ giao nhau với đường Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Chị L.A. có một mã biên bản xử phạt với mức phạt 16,8 triệu đồng”.

Sau khi nghe thông tin trên, chị L.A. trao đổi lại và khẳng định mình không đi vào Đà Nẵng thì người này bảo chị giữ máy để kết nối với cán bộ Công an TP. Đà Nẵng để được giải quyết. Qua điện thoại, chị A. nghe một giọng nam giới thiệu tên Triệu Khải Duy với cấp bậc Đại úy, chức danh cán bộ Công an TP. Đà Nẵng.

Tiếp đó, người xưng Triệu Khai Duy nói “chị L.A. liên quan đến một vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền, Công an Đà Nẵng hiện đã bắt giữ được 2 đối tượng, 2 người này khai ra chị L.A. có liên quan đến vụ án”. Đồng thời, đối tượng yêu cầu chị A. phải giữ bí mật thông tin và nội dung cuộc nói chuyện đang được ghi âm lại để làm bằng chứng trước tòa.

Ngoài ra, người xưng tên Duy còn yêu cầu chị L.A. cung cấp các thông tin, gồm họ và tên, số Căn cước công dân (CCCD) rồi hướng dẫn chị vào Google Chrome, truy cập đến trang web của Bộ Công an để tải 1 ứng dụng có tên “Phần mềm bảo mật”.

Sau khi sử dụng Ipad, tải ứng dụng “Phần mềm bảo mật”, người xưng tên Duy đọc cho chị L.A. 1 dãy số để truy cập ứng dụng “Phần mềm bảo mật”. Sau khi truy cập, chị L.A. thấy có các mục ô trống thông tin cá nhân, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, địa chỉ trên CCCD, số điện thoại, tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng.

Chị L.A. tưởng đã điền đầy đủ thông tin vào các ô trống thì đối tượng bảo chị L.A. tải 1 ứng dụng có tên “WhatsApp” về điện thoại để quản lý. Sau đó, đối tượng nói chị A. không được đi khỏi nơi cư trú, cứ 1 tiếng phải nhắn tin trên ứng dụng “WhatsApp” để báo cáo, giám sát.

Duy yêu cầu chị A. khai báo toàn bộ tài sản đang đứng tên, nếu không khai báo sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước. Sau đó, đối tượng này gửi cho chị A. hình ảnh “Lệnh bắt tạm giam và quyết định ban hành quy chế công tác kiểm sát về việc tạm giữ niêm phong tài sản đối với chị V.T.L.A. của Viện KSND TP. Đà Nẵng”.

Lo sợ, chị L.A. đã cung cấp 3 tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng. Sau khi có thông tin, đối tượng không nói gì nữa mà tắt máy. Đến khoảng 19h cùng ngày do nghi ngờ bị lừa nên chị A. đã gọi điện đến số tổng đài của Ngân hàng Techcombank tra cứu số tiền trong tài khoản của mình thì phát hiện toàn bộ số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trong tài khoản đã bị chiếm đoạt hết. Chị A. sau đó đã đến cơ quan chức năng trình báo nội dung vụ việc.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.