Mảnh xương tiết lộ "chuyện yêu" của người tiền sử

Một mảnh xương tình cờ được phát hiện trên bờ một con sông ở Siberia đã cung cấp bộ gene người hiện đại cổ nhất từ trước tới nay cũng như hé lộ thời điểm người hiện đại giao phối lần đầu tiên với giống người tiền sử Neanderthal.

Mảnh xương tiết lộ "chuyện yêu" của người tiền sử

Theo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature, mảnh xương được xác định thuộc về một người sống cách đây 45.000 năm, chắc chắn có liên quan đến cả người hiện đại và giống người Neanderthal đã tuyệt chủng. ADN của người này cho thấy, hai nhóm người lần đầu tiên đã giao phối với nhau cách đây khoảng 60.000 năm.

Chuyên gia Chris Stringer đến từ Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London, Anh, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích, người đàn ông Siberia nói trên thuộc về một cộng đồng dân cư có quan hệ gần gũi với các tổ tiên của người châu Âu và châu Á hiện nay. Ông ta chỉ mang lượng ADN của giống người Neanderthal nhiều hơn một chút so với người châu Âu và châu Á hiện đại.

"Tuy nhiên, tính trung bình, các đoạn hệ gene Neanderthal của ông ta dài gấp khoảng 3 lần so với những đoạn hệ gene Neanderthal được tìm thấy trong các bộ gene ngày nay. Điều này cung cấp rất nhiều thông tin, do các đoạn ADN Neanderthal dần dần bị phá vỡ qua mỗi thế hệ, kể từ thời điểm giao phối giữa hai giống người", ông Stringer nhấn mạnh.

Chuyên gia Stringer và nhóm cộng sự đã biểu thị tốc độ thay đổi đó tới thời điểm hiện tại, khi tất cả những người đang sống, không có gốc gác châu Phi sở hữu 2% ADN Neanderthal trong ADN của họ.

 Ngược dòng thời gian, các nhà nghiên cứu khi đó có thể nhận thấy rằng, "quan hệ" giữa người hiện đại và người Neanderthal xảy ra 7.000 - 10.000 năm trước khi người đàn ông Siberia xuất hiện. Điều này ám chỉ, sự "lai giống" giữa người hiện đại và người Neanderthal xảy ra cũng không lâu hơn thời điểm cách đây 60.000 năm.

Một lời giải thích đơn giản khi đó là, người hiện đại đầu tiên rời châu Phi cách đây khoảng 60.000 năm. Tuy nhiên, các phát hiện khác đã hoài nghi giả thuyết này. Các nhà nhân chủng học đã phát hiện những bộ xương 100.000 năm tuổi của người hiện đại trong các hang động Skhul và Qafzeh ở Israel.

Chắp ghép các mẩu thông tin với nhau sẽ dẫn tới 2 khả năng: Một là, người hiện đại rời châu Phi vào thời điểm cách đây khoảng 100.000 năm, nhưng không "an cư, lạc nghiệp" thành công và lâu dài. Một nhóm sau đó đi khỏi châu Phi cách đây gần 60.000 năm và xây dựng các cộng đồng định cư thành công. Nhóm này đã dẫn tới sự ra đời của tất cả những người không có gốc gác châu Phi ngày nay.

Hai là, người hiện đại đã rời châu Phi cách đây 100.000 năm và thành công. Các thành viên trong nhóm này mất một khoảng thời gian ngắn để phân tán đi khắp nơi, với một làn sóng di cư tiếp cận vùng phía nam châu Á trước thời điểm cách đây 75.000 năm, rồi cuối cùng đặt chân tới Australia và New Guinea. Sau đó, một làn sóng di cư thứ 2 cách đây khoảng 60.000 năm đã mang các tổ tiên của thổ dân châu Mỹ và người Á - Âu hiện đại rời khỏi châu Phi.

Vậy khả năng nào thực sự đã xảy ra? Người đàn ông Siberia đã mang tới một manh mối xác thực các giả thuyết và chỉ rõ rằng, chuyện giao phối giữa người hiện đại và người Neanderthal khó có khả năng xảy ra trước thời điểm cách đây 60.000 năm.

Theo chuyên gia Stringer, mặc dù vẫn có khả năng người hiện đại đã di cư qua miền nam châu Á trước thời điểm cách đây 60.000 năm, nhưng những người đó không thể có đóng góp đáng kể tới các cộng đồng người hiện đại còn sống sót bên ngoài châu Phi, vốn chứa đựng bằng chứng về sự lai giống giữa 2 giống người.

Theo Vietnamnet, Discovery, Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ