Từ đây, chúng tung chiêu mời đám giỗ hòng “mượn tiền” nạn nhân rồi cao chạy xa bay. Ma mãnh và nhẫn tâm hơn, chúng toàn nhắm đến người già neo đơn, đau ốm liệt giường để lừa đảo, trộm cắp.
Trò bịp
Mới đây, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tấn Sáu – Phó chủ tịch UBND xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) xác nhận, thời gian qua trên địa bàn xã liên tiếp xảy ra tình trạng kẻ gian đóng giả “con cháu, người thân” để lừa tiền của một số hộ dân. Theo thông tin ông Sáu cung cấp, lực lượng công an xã đã đến từng nhà người bị kẻ gian gạt để thu thập thông tin. Hiện, Công an huyện Duy Xuyên đang điều tra về vụ việc này.
Có mặt tại xã Duy Vinh những ngày này, PV ghi nhận những ánh mắt dò xét của người dân địa phương khi bắt gặp đoàn người lạ. “Bà con chúng tôi thì mến khách và thân thiện lắm. Nhưng đợt rày, không hiểu từ đâu ra nhiều kẻ lừa đảo nhẫn tâm cướp tiền trắng trợn của một số cụ già trong xã. Từ đó, bà con đâm lo. Thấy các cô, chú lạ, họ đề phòng cũng là hiển nhiên thôi”, một người dân Duy Vinh phân trần.
Tiếp xúc với PV, cụ Trần Khương (82 tuổi, trú thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh) – một trong những nạn nhân của màn kịch “lừa tiền” gần nhất vẫn chưa hết âu lo. Ngồi phệt xuống góc nhà, lão nông tuổi bát thập kể: “Hôm đó là sáng ngày 11/5, con cái đi làm hết, chỉ mình tui với vợ ở nhà. Hồi lâu có một ông trạc 50 tuổi vô nhà. Ông này nói là con rể ông Ba Mậu bà con của tui sống ở Đà Nẵng. Nghe họ xưng tên xưng tuổi thế, tui cũng chả nghi ngờ chi”.
Bà Phạm Thị Duy, một trong những nạn nhân bị lừa vẫn chưa hết âu lo khi kể lại sự việc. |
Theo lời cụ Khương, gặp được “rể quý” của bà con nơi xa xôi đến thăm, vợ chồng cụ vui mừng ra mặt. Sau một hồi tay bắt mặt mừng hỏi thăm sức khỏe, “rể quý” ông Ba Mậu cho biết mục đích đến đây để mời vợ chồng cụ Khương ra Đà Nẵng dự đám giỗ. Câu chuyện rôm rả cho đến hồi người đàn ông này ngỏ lời muốn vợ chồng cụ Khương cho mượn (vay - PV) 5 triệu đồng để mua một lô hàng ở gần đó.
Cuộc sống tằn tiện nơi quê nghèo nên khi nghe số tiền quá lớn, vợ ông Khương gạt phắt từ chối. “Bà ấy từ chối. Nhưng tui lại nghĩ con cháu mình chứ ai. Sau hồi, tôi giục vợ cho nó mượn. Nhưng nhà nghèo, chỉ có 1,2 triệu đồng đưa cho nó. Nhận được tiền, nó làm bộ bận rộn rồi đi mất. Mấy ngày sau, tui lặn lội ra Đà Nẵng ăn giỗ, hỏi tin thì mới vỡ lẽ bị lừa”, cụ Khương giãy bày với PV.
Tương tự cụ Khương, một buổi chiều trung tuần tháng Năm, một thanh niên ăn vận lịch sự gõ cửa nhà cụ Võ Thị Bôi (80 tuổi, trú thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh) giới thiệu là “mạnh thường quân”. Sau chén trà nước, “mạnh thường quân” nổ mình hoạt động từ thiện nhiều năm nay, từng giúp nhiều người qua cơn bĩ cực, mang đến niềm vui cho nhiều gia đình.
Cùng với đó, vị này không quên vẽ nên những gói quà, suất tài trợ chục triệu đồng khiến cụ Bôi mừng mừng tủi tủi. Sau khi bóng “mạnh thường quân” vừa khuất cuối con hẻm, cụ hớn hở gọi con cháu về báo tin mừng. Giữa lúc này, mới phát hiện hơn 5 triệu đồng trong túi áo của cụ đã không cánh mà bay. Tá hỏa, họ chạy hỏi chính quyền địa phương mới hay cụ đã bị lừa.
Được biết, hoàn cảnh cụ Bôi hiện vô cùng khó khăn. Cụ đau ốm đã mấy năm nay. Bi đát hơn, theo lời ông Dương Công Liệu – Trưởng thôn Vĩnh Nam, số tiền hơn 5 triệu đồng bị kẻ gian lừa lấy nói trên là số tiền chính quyền địa phương và người dân địa phương giúp đỡ cụ. “Cụ ấy ki cóp cả năm trời để đi chữa bệnh thì trong thoáng chốc đã bị lừa lấy. Thật nhẫn tâm!”, ông Liệu chia sẻ.
Bằng thủ đoạn tương tự, kẻ gian đã lừa lấy của vợ chồng bà Phạm Thị Duy (77 tuổi, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) gần 2 triệu đồng. Theo lời bà Duy, một người đàn ông lạ đến nhà xưng là con trai ông Mười Lãn (người bà con của bà Duy ở xa – PV) đến mời dự đám giỗ ở Đà Nẵng.
Sau hồi trò chuyện, kẻ này đã “mượn” của bà 2 triệu đồng để đi dự tiệc nhà mới của một cán bộ huyện. “Mượn” được 2 triệu đồng, người đàn ông họ xa này cũng bỏ đi. Vợ chồng bà Duy chờ đến ngày đám giỗ nhưng vẫn không thấy “người con” của họ hàng xa đến như đã hứa. Hỏi thăm gia đình ông Mười Lãn mới biết gia đình họ không có người con nào như thế.
Nghi vấn sự có tiếp tay của người địa phương?
Nhờ tinh thần cảnh giác mà gia đình ông Phạm Miên (trú thôn Cây Xanh, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã may mắn không rơi vào bẫy người thân. Theo lời ông Miêu, mới đây, một gã trung niên đến nhà ông và giới thiệu mình là “cháu” một người thân của ông đang sinh sống ở TP.Đà Nẵng. Cũng chỉ sau vài ba câu trò chuyện, chào hỏi, những màn kịch kể về cuộc sống của người thân đang ở Đà Nẵng, “người cháu” mở lời mượn tiền.
Cụ Bôi, một cụ già bị bệnh cũng bị kẻ gian nhẫn tâm lừa tiền. |
Vốn chẳng nghi ngờ, ông Miêu tất tả chạy sang hàng xóm mượn tiền giúp đỡ “người cháu”. “Đúng lúc ấy, thằng con tui về. Nó sinh nghi nên can tôi, rồi tìm cách thăm dò thêm người này. Bấy giờ, tôi quay vào nhà bảo gã thanh niên này: “Con ngồi chơi, để bác ra chỗ đứa cháu làm ở công an xã mượn tiền về cho cháu mượn”. Nghe tôi nói đến đây, nó luống cuống bảo đang có việc gấp rồi chạy mất”, ông Miên vỗ đùi khoái chí khi thoát khỏi bẫy lừa.
Cùng ngày, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Võ Ngọc Lệnh, Trưởng Công an xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cho biết, hiện thông tin về vụ việc đang được Công an huyện Duy Xuyên điều tra. Nói về thủ đoạn của những trò bịp tinh vi trên, vị này cho hay, qua việc thu thập thông tin từ các nạn nhân ở thôn Vĩnh Nam có thể thấy, đây là một thủ đoạn tinh vi, được các đối tượng chuẩn bị chu đáo.
Kẻ gian đóng giả “con cháu, người thân” của bạn bè hoặc người thân của các nạn nhân để dễ bề lừa gạt. Đặc biệt, để tạo niềm tin cho gia chủ, các đối tượng này bằng nhiều cách thức đã nắm khá rõ thông tin về người thân mà chúng giả mạo. “Những người dân bị gạt đều cho biết, kẻ gian nắm khá rõ về người họ hàng xa của họ.
Thậm chí, lúc bắt chuyện chúng hào hứng kể về công việc, cuộc sống của người bà con này khiến người dân không thể không tin. “Con mồi” mà kẻ gian nhắm đến đa phần là những cụ ông, cụ bà neo đơn, già yếu hoặc các gia đình thường xuyên vắng người”, vị này nói.
Đáng nói, theo nguồn tin riêng của PV báo Người Đưa Tin, trường hợp kẻ gian, sau khi lừa lấy mất của cụ Bôi hơn 5 triệu đồng, đã để “sót” lại hiện trường một mảnh giấy ghi tên 27 người già neo đơn trong xã Duy Vinh. Điều này, khiến dư luận địa phương hoài nghi liệu kẻ gian lạ mặt có nhận được sự tiếp tay của người bản địa hay không?
Cần cảnh báo rộng rãi để người dân biết Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, ông Võ Ngọc Lệnh khẳng định, ngay khi có thông tin trình báo của người dân, lực lượng chức năng xã một mặt trình báo lên huyện, mặt khác, tổ chức tuyên truyền cho người dân toàn xã. “Xã đã ra thông báo về vấn đề này gửi đài phát thanh để cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó, trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động chuẩn bị bầu cử, cán bộ xã cũng nhiều lần thông tin, cảnh báo cho nhân dân”, vị Trưởng Công an xã nói. |