Mảnh đất ươm mầm tài năng

GD&TĐ - Ngày 1/9/1997, quận Cầu Giấy chính thức được thành lập theo Nghị định số 74/1996/ NĐ-CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ. Sự phát triển trong suốt chiều dài lịch sử 20 năm qua - cả một chặng đường chưa dài - song tên tuổi của ngành GD quận Cầu Giấy đã đọng lại trong lòng nhân dân Thủ đô là một hình ảnh đẹp, một thương hiệu GD có chất lượng thuộc tốp đầu thành phố.

Mảnh đất ươm mầm tài năng

Chặng đường ngắn để hình thành thương hiệu

Cầu Giấy được biết đến là vùng đất có truyền thống hiếu học, có nét văn hóa đặc trưng với nếp sống văn minh, thanh lịch của Hà Nội. Đây chính là một trong “Tứ danh hương” Mỗ - La – Canh - Cót của đất kinh kỳ Thăng Long xưa, từng có nhiều Tiến sĩ và hàng trăm cử nhân tú tài.

“Đầu tư cho GD là đầu tư để phát triển bền vững” – đây chính là phương châm luôn được lãnh đạo quận quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, ngành GD-ĐT quận Cầu Giấy không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng.

Phát huy tiềm năng là mảnh đất có truyền thống hiếu học, có nhiều trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống các trường sư phạm, quận đã tập trung đầu tư mạnh về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Quận chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa GD; mở rộng quy mô, các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý.

Trong thập niên đầu tiên vượt qua những thử thách ban đầu, Đảng bộ và nhân dân Cầu Giấy đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo để đưa kinh tế của quận phát triển nhanh chóng và toàn diện.

Là quận mới với tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng (12,5%/năm), với tầm nhìn chiến lược, quận đã hoàn thành quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2015 tầm nhìn 2020.

Với tốc độ tăng bình quân 30%, thu ngân sách bình quân tăng 64% , hàng năm, quận đã dành khoảng 30% ngân sách để đầu tư cho GD. Nhờ đó, quy mô GD tăng nhanh với 47 trường, gần 30.000 HS; 12 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 26%), có 22 trường học được xây mới theo hướng hiện đại hóa, trong đó có 6 trường ngoài công lập. Các nhà trường đã được trang bị phương tiện dạy học hiện đại.

Thời gian này, Quận ủy, HĐND, UBND quận luôn thống nhất quan điểm “Mỗi bước tiến về kinh tế phải đi đôi với phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo ra những điều kiện cho sự tiến bộ, công bằng xã hội”.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về GD&ĐT, Đảng bộ quận đề ra mục tiêu: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.

Quận tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các ngành học, bậc học, từng bước sắp xếp lại mạng lưới trường học các cấp phù hợp với địa bàn dân cư và tình hình kinh tế - xã hội của quận.

Công tác đào tạo đội ngũ được quan tâm hàng đầu thông qua hoạt động bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và đánh giá đúng, kịp thời. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu GD toàn diện, nhiều mô hình GD mới được xây dựng như những bước đi đột phá, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và có ý nghĩa xã hội lớn lao.

Thành tích đáng tự hào

Chặng đường từ năm 2008 đến nay, cùng với cả nước và GD Thủ đô, ngành GD-ĐT quận đã bước đi trong công cuộc hội nhập và phát triển. Để đổi mới GD, quận đã tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư, ngân sách hàng năm dành cho GD vẫn duy trì ở mức 30% tổng thu ngân sách hàng năm, gần 1.700 tỷ đồng; được dành để xây dựng mới, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị dạy học trong các nhà trường.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không ngừng được quan tâm thông qua các chương trình hợp tác đào tạo bồi dưỡng với các nước có nền GD phát triển trên thế giới và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…

20 năm, quận có 88 trường học (60,2% trường ngoài công lập) với hơn 60.000 HS (tăng 60 trường, gần 45.000 học sinh so với năm 1997), trong đó, 35 trường đạt chuẩn quốc gia (26 trường công lập - đạt 74,6% số trường công lập trên địa bàn).

20 năm, các thế hệ HS Cầu Giấy đã đem lại thành tích đáng tự hào: Toàn ngành có 125 HS đạt giải Quốc tế, 336 HS đạt giải Quốc gia, 2.857 HS đạt giải cấp thành phố. Năm 2017 là năm thứ 9, quận dẫn đầu thành phố về kết quả thi vào các trường THPT.

20 năm qua, không chỉ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên, trong suốt quá trình xây dựng, ngành Giáo dục Cầu Giấy được biết đến là đơn vị đi đầu trong thực hiện đổi mới.

Từ đổi mới chính mình, tìm hướng đi mới để khẳng định thương hiệu đến thực hiện các chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà Đảng đã đề ra và toàn ngành đang nỗ lực thực hiện.

Trong 20 năm, các trường trong quận có ba tập thể được tặng Cờ thi đua Chính phủ, một Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT, 16 Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố; Phòng GD&ĐT được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 11 Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố, 01 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT; Có 5 Nhà giáo ưu tú, 9 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 40 Bằng khen của Thủ tướng, 46 Bằng khen của Bộ GD&ĐT, 57 Bằng khen của UBND thành phố, 9 Chiến sĩ thi đua thành phố, 6 giáo viên đạt giải toàn quốc, 280 giáo viên giỏi thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải