Phi hành đoàn Apollo 14 của NASA đầu năm 1971 đã đổ bộ tại khu vực Fra Mauro của Mặt trăng. Trong gần 34 giờ trên bề mặt Mặt trăng, hai phi hành gia Alan Shepard và Edgar Mitchell đã thực hiện 2 chuyến đi dạo vũ trụ và thu thập gần 45 kg mẫu đất đá.
Sau sứ mệnh Apollo 14, các nhà khoa học bắt đầu phân tích các mẫu đá thu thập được. Nhiều mảnh đá còn lại cho đến ngày nay nhờ ứng dụng công nghệ mới. Kết quả phân tích thường xuyên được công bố trên các tạp chí khoa học và các cuộc hội thảo khác nhau. Một trong những công bố mới nhất trên tạp chí “Earth and
Planetary Science Letters” (Khoa học Trái đất và các hành tinh) liên quan đến việc phát hiện một mảnh đá nhỏ có nguồn gốc Trái đất được mang về từ Mặt trăng.
Mảnh đá có khối lượng khoảng 2 gam, có thành phần gồm thạch anh, felspat (tràng thạch) và
zirconi. Những khoáng chất này là không điển hình trên Mặt trăng nhưng lại rất phổ biến trên Trái đất. Phân tích tiếp theo đối với mảnh đá này cho thấy, nó hình thành trong các điều kiện giống Trái đất cùng oxy với nhiệt độ tương đối thấp.
Các khoáng chất được quan sát có thể kết tinh trên Mặt trăng, tuy nhiên chúng cần có những điều kiện xảy ra ở độ sâu khoảng 170 km dưới bề mặt Mặt trăng. Việc dịch chuyển của đá từ độ sâu đó lên bề mặt Mặt trăng là không khả thi. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học kết luận, mảnh đá nói trên có nguồn gốc Trái đất.
Các nhà khoa học cho rằng, mảnh đá nhỏ kết tinh khoảng 4 - 4,1 tỷ năm trước ở độ sâu khoảng 20 km dưới bề mặt Trái đất. Sau đó, do kết quả va chạm của thiên thạch hay tiểu hành tinh với Trái đất, mảnh đá bị văng vào vũ trụ và vô tình rơi xuống Mặt trăng.
Một điều chắc chắn là trên bề mặt Mặt trăng còn những mảnh đá vụn khác có nguồn gốc Trái đất. Các sứ mệnh vũ trụ tương lai có thể sẽ mang về những mẫu đá như vậy cho công việc nghiên cứu tiếp theo.