Đáng buồn, tỷ lệ thuận với con số tăng trưởng trên là những cú lừa điếng người mà nạn nhân chính là cư dân mạng.
Belle Gibson và quyển sách của cô - Ảnh: 9Honey
Blogger người Úc Belle Gibson (25 tuổi) nổi tiếng là bệnh nhân ung thư não thoát bệnh hiểm nghèo bằng cách tự điều trị bằng phương pháp tự nhiên thay vì sự can thiệp của y học hiện đại.
Cô cam đoan mình chỉ sử dụng kiến thức từ hệ thống chữa bệnh bằng các phương pháp Ayurveda có nguồn gốc từ Ấn Độ, phương pháp khí công trị liệu và thực đơn hoàn toàn không đường.
Cộng đồng mạng tin tuyệt đối vào những gì Belle Gibson chia sẻ. Họ không hề kiểm chứng cũng như chẳng yêu cầu Belle Gibson công khai hồ sơ bệnh án.
Tận dụng uy tín ảo, Belle Gibson đã lập ứng dụng The Whole Pantry, trang web và quyển sách cùng tên với nội dung hướng dẫn chế biến món ăn an toàn cho sức khỏe.
Cô hứa sẽ dành một phần lợi nhuận cho một số tổ chức từ thiện. Blogger này đã chiếm trọn niềm tin của cộng đồng, giúp cô thu về 280.000 USD từ ứng dụng và lợi nhuận 132.000 USD từ tiền bán sách.
Trước tòa, Belle Gibson thừa nhận mình không hề mắc chứng ung thư như cô đã chia sẻ trên mạng.
Các chuyên gia pháp lý cho biết, Belle Gibson vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Úc và cô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi của mình.
Belle Gibson đã lập ứng dụng The Whole Pantry, trang web và quyển sách cùng tên với nội dung hướng dẫn chế biến món ăn an toàn cho sức khỏe
Nội dung kém chất lượng, sai sự thật liên quan đến mảng y tế-sức khỏe ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội.
Theo thống kê của trang Independent thì trong số 20 nội dung đăng tải có chủ đề về ung thư thì đến một nửa là giả mạo.
Cơ quan y tế công và Trung tâm nghiên cứu ung thư Anh quốc đã kêu gọi cần có những biện pháp kịp thời để ngăn những thông tin chưa kiểm chứng, thiếu cơ sở, tạo nên “cơn sốt” trong cộng đồng.
Từ thông tin trên mạng đến đời thực là khoảng cách mà người dùng mạng khó có thể chạm tới, đó là sự thật.
Blogger người Anh Madalin Giorgetta chuyên tư vấn kiến thức thể hình, có 214.000 người theo dõi trên Instagram mới đây chia sẻ “mánh” để đăng những bức ảnh cho thấy nỗ lực giảm cân triệt để.
Cô nói: “Nhiều người bấn loạn vì những nội dung quảng cáo về thực phẩm, thức uống giảm cân mà không biết người mẫu dùng những chiêu trò tinh vi khiến người khác tin ngay những gì mình thấy trên mạng”.
Madalin Giorgetta chỉ ra cách dùng ánh sáng để “gọt” đi phần mỡ bụng hoặc chọn góc chụp và những ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh thông minh. Bản thân cô cũng đăng tải hình ảnh cá nhân trước và sau khi sử dụng công cụ sửa ảnh, cho thấy việc “phù phép” hình ảnh trước khi đăng lên mạng xã hội là điều trong tầm tay.
Belle Gibson thừa nhận mình không hề mắc chứng ung thư như cô đã chia sẻ trên mạng
Thông tin giả trên mạng không gói gọn ở bất cứ chủ đề nào mà xuất hiện ở mọi lĩnh vực. Trước thềm bầu cử tổng thống Pháp dự kiến diễn ra vào tháng Tư tới, các phương tiện truyền thông chính thống đã phối hợp cùng nền tảng CrossCheck (kiểm tra chéo) lọc ra những đầu tin giả, tránh đẩy dư luận đi quá xa.
Đến nay, CrossCheck đã đưa ra ánh sáng những thông tin nhạy cảm, đồng thời có cả số liệu đo lường chính xác mức tương tác cũng như chỉ rõ nguồn thông tin giả xuất phát từ đâu.
Một trong những thông tin sai là nội dung ứng cử viên Emmanuel Macron nhận tiền tài trợ từ Saudi Arabia. CrossCheck còn xác định được thông tin trên xuất hiện đầu tiên vào ngày 24/2 trên mạng xã hội facebook.
Một thông tin khó tin xuất hiện trên mạng xã hội tháng Ba vừa qua là các nhà chức trách Pháp có kế hoạch tung 100 triệu EUR mua khách sạn cho người tị nạn ở. Tất cả đều bị CrossCheck đối chứng, công bố kết luận cuối cùng đây là thông tin giả.
CrossCheck là một nền tảng hợp tác trực tuyến giúp các đối tác truyền thông cùng tham gia dự án này đưa lên những thông tin yêu cầu kiểm chứng từ khắp các nguồn trên mạng.
CrossCheck được thành lập trước tiên nhằm đảm bảo luồng thông tin chính thống trong suốt giai đoạn chuẩn bị và diễn ra bầu cử, rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm ngoái.
Blogger này từng được coi là người phụ nữ truyền cảm hứng nhất từ trước tới nay, nhờ câu chuyện mà cô tạo dựng nên.
Sau cuộc bầu cử, các chuyên gia mạng thống kê 20 tin bài giả mạo có tổng cộng gần chín triệu lượt chia sẻ đã giúp ông Trump tạo sức ảnh hưởng.
Mới đây, Bộ Tư pháp Đức công bố dự luật yêu cầu các trang web (chủ yếu là các mạng xã hội) phải có đường dây nóng túc trực ngày đêm và phải xóa nội dung bất hợp pháp trong vòng 24 tiếng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Heiko Maas cho biết, các biện pháp trên được đưa ra là do các trang mạng xã hội không thể tự giải quyết vấn đề một cách triệt để.
Các nhà chức trách không thể đứng ngoài trước sự phát tán tràn lan những thông tin chưa kiểm chứng. Ông Heiko Maas từng dọa sẽ phạt facebook 500.000 EUR cho mỗi thông tin giả được đăng tải.
Một khi hành lang pháp lý hoàn thiện, “án oan” như trường hợp của người tị nạn Syria Anas Modamani sẽ không còn. Tuần trước, tòa án Đức đã bác đơn kiện facebook của Anas Modamani.
Anh gửi đơn kiện vì facebook để cho người dùng mạng mặc sức đăng tải hình ảnh anh lên và vu cho anh là phần tử khủng bố thời điểm hàng loạt vụ khủng bố diễn ra ở châu Âu năm 2016. Trước đó, hình ảnh của anh chụp cùng Thủ tướng Đức Angele Merkel trở thành tâm điểm trong dòng tranh cãi về vấn đề người tị nạn.
Facebook hiện chưa có chế tài chung ngăn chặn việc phát tán thông tin giả. Tuy nhiên, trước thái độ quyết liệt của chính quyền Đức, facebook sẽ cho người dùng quyền báo cáo (report) những tin tức nghi ngờ là giả mạo.
Các thông tin này sau đó sẽ được gửi đến trụ sở của hãng truyền thông phi lợi nhuận tại Berlin với tên gọi là Correctiv, sau đó sẽ có những bước xử lý tiếp theo.
Cuộc khủng hoảng tin tức giả đang làm đảo lộn cuộc sống của không ít người, kể cả những người không có tài khoản mạng xã hội. Bước đi của Bộ Tư pháp Đức được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuẩn mực ban đầu về ngăn chặn thông tin giả từ các trang mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu.