Nguy cơ thường gặp khi mang thai sau tuổi 35
Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm khi bước sang tuổi 30 và giảm đáng kể sau tuổi 35.
Nguy cơ sảy thai và biến dị về kiểu gene cũng tăng lên sau tuổi 35. Phụ nữ có thể đối mặt với các biến chứng trong thai kỳ hoặc trong quá trình sinh nở.
Sau tuổi này số lượng trứng-chất lượng trứng giảm, chưa kể tuổi tác gia tăng thì nguy cơ nhân xơ, lạc nội mạc tử cung cao. Vì vậy chuyện có thai, sinh con bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, những bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường cũng là mối nguy hại cho việc mang thai, sinh nở.
Cao huyết áp và tiểu đường là những bệnh lý tác động trực tiếp đến bánh nhau, sự phát triển của thai nhi. Thai phụ sau tuổi 35 cũng dễ gặp rủi ro như tiền sản giật, sảy thai, sinh non, u xơ tử cung, nhau thai bất thường...
Mang thai sau tuổi 35 phải chú ý điều này để an toàn cả mẹ cả con
Khám sức khỏe định kỳ
Bà bầu tuổi 35 chăm sóc sức khoẻ tốt sẽ giúp giảm nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp và các chứng bệnh khác trong thai kỳ. Khi sức khoẻ của mẹ tốt, thai nhi sẽ có được sự phát triển tốt nhất.
Vì vậy, khi có ý định sinh con ở độ tuổi 35 trở đi, hãy kiểm tra sức khỏe và hỏi ý kiến bác sĩ trước mang thai. Trong quá trình mang thai, cần khám thai sớm và thường xuyên.
Ngoài việc khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm thường quy, bạn cần nghiêm túc thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật, tầm soát bất thường ở thai nhi. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể như sinh thiết gai nhau, chọc ối...
Bạn cũng nên gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra răng miệng và vệ sinh răng sạch sẽ. Có một hàm răng và nướu khoẻ sẽ giúp giảm nguy cơ sinh non và sinh con bị thiếu cân.
Chế độ ăn uống khoa học
Bà bầu trên 35 tuổi hãy chọn ăn nhiều loại trái cây, rau quả, ngũ cốc, đậu, thịt nạc, các thực phẩm ít chất béo. Bà bầu cũng nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và bổ sung thêm thực phẩm canxi thường xuyên.
Đây cách giúp cho răng và cả cơ thể của bạn được khoẻ mạnh trong khi thai nhi vẫn đủ chất để phát triển. Bên cạnh đó, đảm bảo phải bổ sung thêm các thực phẩm có chứa axit folic nhiều như rau xanh, đậu khô, gan động vật và một số loại trái cây có múi khác.
Kiểm soát cân nặng
Hãy nhờ bác sĩ tư vấn về số cân nặng mẹ bầu sẽ tăng trong thai kỳ. Phụ nữ sẽ có chỉ số tăng cân BMI bình thường từ 11.5 đến 14 kg trong suốt quá trình mang thai. Phụ nữ thừa cân chỉ nên tăng từ 5 đến 9 kg.
Tăng cân với số cân nặng vừa đủ sẽ giúp cho trẻ giảm nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc sinh non. Đồng thời hạn chế được các bệnh liên quan đến thai kỳ như cao huyết áp hoặc tiểu đường.
Vận động
Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm bớt hoặc thậm chí ngăn ngừa sự khó chịu, tăng mức năng lượng và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. Thói quen này cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh con bằng cách tăng sức chịu đựng cũng như sức mạnh cơ bắp.
Do vậy, hãy tạo ra các thói quen vận động như đi bộ sau mỗi bữa ăn, tập yoga, đi xe đạp (tránh những quãng đường gồ ghề, nhiều vật cản…).
Tránh tiếp xúc với các hóa chất gây nguy hại đến sức khỏe
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc với với các hóa chất độc hại. Những chất đó bao gồm: thuốc lá, thức uống có cồn, những sản phẩm tẩy rửa sàn nhà, sơn dầu, thuốc nhuộm quần áo, bình ắc qui… bởi chúng đều có nguy cơ gây nguy hại đến thai nhi.
Bổ sung Vitamin
Phụ nữ mang thai độ tuổi 35 cần phải sử dụng vitamin hàng ngày và sử dụng ít nhất 400mcg acid folic. Sử dụng đủ acid folic hằng ngày trong ba tháng đầu thai kỳ sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị dị tật về não và tuỷ sống.
Acid folic là thành phần quan trọng cần được bổ sung cho phụ nữ lớn tuổi, những người có nguy cơ cao hơn về sinh con dị tật bẩm sinh. Một vài loại vitamin có chứa 800-1000 mcg acid folic là đủ an toàn cho cả thai kỳ.
Bà bầu không nên sử dụng quá 1.000 mcg (1mg) acid folic nếu như không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Phụ nữ có tiền sử mang thai bị dị tật tuỷ sống cần 4.000 mcg acid folic.