Mai là mơ ta và mơ tây

GD&TĐ - Mơ ta và mơ tây là đôi loài thực vật cận chủng, đều thuộc chi Mận mơ Prunus, phân họ Mơ mận / Prunoideae, họ Hoa hồng / Rosaceae.

Hoa mơ ta hiện là biểu tượng / logo của 中華航空公司/ Trung Hoa hàng không công ty / China Airlines.
Hoa mơ ta hiện là biểu tượng / logo của 中華航空公司/ Trung Hoa hàng không công ty / China Airlines.

Trổ hoa tươi xinh, kết quả để ăn tươi và chế biến lắm món ngon, đôi loài thực vật nọ lại là cây thuốc được y học cổ truyền dùng để phòng và chữa bệnh.

Mơ ta / mơ Đông Á / mơ Nhật Bản / mơ chùa Hương

Loài thực vật này lại được nhiều ngôn ngữ gọi mơ Nhật Bản, chẳng hạn:

* Pháp: Abricotier du Japan

* Anh: Japanese apricot

* Đức: Japanische aprikose

* Tây Ban Nha: Albaricoque japonés

* Indonesia: Abrikos jepang

* Nga: Абрикос японский

Mơ ta được quốc tế định danh khoa học bằng tiếng Latinh là Prunus mume Siebold & Zucc., thì mume đích thị tiếng Nhật cổ, còn tiếng Nhật nay gọi ume nhằm chỉ cây này, chữ Hán ghi 梅mà bính âm phát méi, còn âm Hán - Việt phát mai. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn và Võ Thiện Hoa, mơ là âm Hán - Việt xưa của mai.

Quê hương bản quán của mơ ta ở lưu vực sông Dương Tử, phía Nam Trung Quốc, về sau mới di thực sang Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Cây mơ ta được phong lão tổ là cội cổ thụ đã thọ 16 thế kỷ, có từ đời Tấn (265 - 420), hiện ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bao lâu nay vẫn sung sức trổ hoa, kết quả.

Thuở xưa, tại 4 quốc gia đồng văn vừa nêu, hầu hết tác phẩm nghệ thuật, có văn chương và hội họa, đề cập mai - như “tam ích hữu” tức 3 bạn lợi ích gồm ngự sử mai, trượng phu tùng, quân tử trúc, hay “tứ quân tử / tứ quý / tứ bình” mai, lan, cúc, trúc - thì mai đó là mơ ta.

Mứt mơ ta.
Mứt mơ ta.

Việt Nam quen gọi mơ ta là mơ chùa Hương, bởi được trồng nhiều trong thung lũng Hương Sơn ở xã cùng tên thuộc huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, ven sông Đáy. Mơ chùa Hương còn đâm chồi nẩy lộc ở lắm địa phương khác, như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai thuộc khu vực Tây Bắc. Ở miền Trung, hữu ngạn dòng Hương, ven đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế, lối dẫn vào nhà vườn An Hiên xanh tốt đôi dãy mơ chùa Hương.

Hằng năm, cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch, mơ ta trổ hoa. Hoa tàn thì lộc trẩy: Lá xuất hiện hình oval nhọn mũi. Quả tròn có đường soi chạy từ cuống tới chóp, vỏ màu lục lúc non, chín thì vỏ vàng hoặc đỏ.

Quả mơ ta chín tỏa hương thơm hấp dẫn, ăn tươi quá ngon lành. Dùng thiết bị ép quả mơ ta chín ra dung dịch, ướp lạnh hoặc thả đá lạnh, giải khát rất thú vị. Quả mơ ta ngâm đường tạo nên xi rô mơ. Ngào đường quả mơ ta thành mứt dọn mời khách dịp Tết càng phù hợp.

Quả mơ ngâm chua thành 酸梅/ toan mai, âm Quảng Đông phát xí muội. Quả mơ đồ chín đoạn phơi khô, ấy là 烏梅/ ô mai, nghĩa quả mơ đen, có thể phụ gia cam thảo cùng gừng, được nhiều thực khách ưa chuộng.

Ngâm quả mơ vào rượu trắng, thời gian sau có 梅酒/ mai tửu. Việt Nam nổi tiếng rượu mơ Yên Tử, rượu mơ núi Tản, rượu mơ Hương Sơn. Ngâm ô mai mơ vào rượu trắng, thu được烏梅酒 / ô mai tửu, được Đài Loan sản xuất nổi tiếng.

Người Hoa phối chế quả mơ ta với muối, đường, dấm, ớt, tỏi, gừng, tạo nước xốt đậm đặc gọi là 梅酱 / mai tương. Bao thực khách thưởng thức các món chế biến từ thịt gia cầm, cả món trứng cuốn, chấm mai tương, khen rằng đáo khẩu.

Loạt món ăn chế biến từ quả mơ, kể cả xí muội, ô mai và rượu, được ngành Đông y dùng điều trị ho, khó thở, nôn mửa, dạ dày, hen suyễn, phù thủng, chai chân, giun chui ống mật, băng huyết, kiết lị, làm rụng trĩ.

Lạ thay, biên soạn công trình “Các cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, với cây mơ ta, GS.TSKH, dược sĩ Đỗ Tất Lợi chẳng ghi tên khoa học Prunus mume Siebold & Zucc. mà lại ghi Prunus armeniaca L…

Quả mơ tây qua tem bưu chính của Cộng hòa Armenia.
Quả mơ tây qua tem bưu chính của Cộng hòa Armenia.

Mơ tây / mơ châu Âu / hạnh

Loài thực vật này mới được quốc tế định danh khoa học Prunus armeniaca L.. Từ

armeniaca chỉ rõ đất nước từng trồng nhiều mơ tây từ thời cổ đại là Armenia ở Tây Á.

Mơ ta / mơ châu Âu qua các thứ tiếng:

* Pháp: Abricotier

* Anh: Apricot

* Đức: Aprikose

* Tây Ban Nha: Albaricoque

* Indonesia: Abrikos

* Nga: Абрикос

* Hoa: 杏(xìng / hạnh)

Là 2 loài cận chủng, hình dáng quả và lá mơ ta lẫn mơ tây khá giống nhau. Tuy nhiên, cũng có những đặc trưng hình thái khác biệt. Như chiều cao cây mơ ta chỉ 4 - 5m, còn cây mơ tây những 8 - 12m. Đường kính hoa mơ ta chỉ 1 - 3cm, hoa mơ tây 2 - 5cm. Dễ biết nhất là tách hạt khỏi thịt: Mơ ta khó, mơ tây dễ.

Tuy nhiên, ngành sinh học và nông học hiện đại đã lai ghép mơ ta với mơ tây thành công, nên những khác biệt vừa nêu về hình thái cũng bị xóa nhòa.

Top 10 nước hiện thu hoạch quả mơ tây nhiều nhất hoàn vũ: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ý, Pakistan, Hy Lạp, Pháp, Algérie, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Maroc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.