Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Cà Mau:

Mái ấm của trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Một bộ phận phụ huynh chưa có cái nhìn đúng đắn về trẻ tự kỷ, dẫn đến bỏ lỡ rất nhiều thời gian vàng ở giai đoạn can thiệp sớm...

Cô Đoàn Thị Thảo hướng dẫn bài cho học sinh thông qua kí hiệu ngôn ngữ.
Cô Đoàn Thị Thảo hướng dẫn bài cho học sinh thông qua kí hiệu ngôn ngữ.

“Có một kỷ niệm mà chắc cả đời tôi không thể quên, đó là lần tôi lâm bạo bệnh, phải cạo hết tóc. Tôi không muốn học trò nhìn thấy, sợ các em lo lắng. Một hôm, có trò nhớ quá gọi điện đến bằng video, theo phản xạ tôi vội bắt máy. Học trò nhìn thấy đầu tôi không có tóc, biết cô bị bệnh nặng, òa khóc”, cô Đoàn Thị Thảo - giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau - chia sẻ.

Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ

Năm học 2023 - 2024, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau có 32 lớp với hơn 270 học sinh từ cấp mầm non đến THPT. Học sinh ở đây được chia làm 3 dạng tật: Khuyết tật nghe – nói; khuyết tật nhìn và khuyết tật trí tuệ, trong đó cấp mầm non có 19 lớp với hơn 160 học sinh, hầu hết là trẻ tự kỷ.

Cô Trịnh Tuyến Nhu, giáo viên trung tâm cho biết, việc dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ gặp rất nhiều trở ngại. “Trong lớp trẻ có đa dạng tật, nhiều hành vi khác nhau và có nhiều em không tự chủ được vấn đề vệ sinh cá nhân. Đặc biệt vào những ngày thời tiết nóng bức, trẻ sẽ la hét, quấy khóc, không hợp tác với giáo viên, việc giảng dạy đã vất vả lại càng thêm khó khăn.

Trong khi đó một bộ phận phụ huynh chưa có cái nhìn đúng đắn về trẻ tự kỷ, dẫn đến bỏ lỡ rất nhiều thời gian vàng ở giai đoạn can thiệp sớm. Một số phụ huynh khác còn ỷ lại vào giáo viên nên công tác phối hợp dạy, ôn luyện cho trẻ tại nhà không được sát sao nên không đạt hiệu quả”.

Hơn 10 năm giảng dạy cho trẻ khuyết tật tại trung tâm, cô Đoàn Thị Thảo cũng như các đồng nghiệp khác phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi đứng lớp. Lúc đầu, là sự lúng túng trong giao tiếp với học sinh bởi chưa hiểu nhiều ngôn ngữ ký hiệu của các em. Thế nhưng càng tiếp xúc với những đứa trẻ khiếm khuyết phải chịu quá nhiều thiệt thòi thì tình thương trong trái tim người thầy càng trỗi dậy thúc giục nhu cầu được bù đắp cho các em, xem học trò như con cái, muốn gắn bó, giúp đỡ chúng lâu dài.

“Học sinh ở đây cùng một lớp nhưng trình độ tiếp thu khác nhau, giáo viên nào cũng hiểu rất rõ điều này. Thế nên việc truyền thụ kiến thức và kỹ năng cho các em cũng phải linh hoạt, uyển chuyển. Khả năng tiếp thu của em nào đạt được mức độ nào thì cô giáo truyền đạt trình độ đó, chứ không thể ép học theo kiểu đại trà và việc đánh giá kết quả học tập cũng linh động chứ không hẳn học lớp 5 là phải hiểu biết đạt trình độ lớp 5”, cô Thảo lý giải.

Khi giáo viên xem học trò như những người con, thì ngược lại trò cũng xem giáo viên như những người cha, người mẹ thứ hai của mình. Cô Thảo chia sẻ, nhiều học sinh học nội trú nhưng đôi khi không muốn về lại gia đình, bởi thầy, cô ở trường nhiều khi còn hiểu, tiếp xúc với các em nhiều hơn người thân.

“Có một kỷ niệm mà chắc cả đời tôi không thể quên, đó là lần tôi lâm bạo bệnh, phải cạo hết tóc, tôi không muốn học trò mình nhìn thấy, sợ các em lo lắng. Một hôm, có trò nhớ quá gọi điện đến bằng video, chưa kịp suy nghĩ, theo phản xạ tự nhiên tôi vội bắt máy, học trò nhìn thấy đầu tôi không có tóc, biết cô bị bệnh nặng òa khóc và thông báo đến các bạn. Vài ngày sau, tôi quyết định trở lại trường thăm lớp, vừa đến cổng các em đã ôm chầm lấy cô khóc, khiến tôi cũng khóc theo”, cô Thảo xúc động kể về tình cảm mà những “đứa con đặc biệt” dành cho mình.

Cô Nguyễn Thị Nga, Giám đốc trung tâm cho biết, tập thể sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, chịu khó học hỏi, nhiệt tình trong công việc. “Giáo viên khi đã đặt chân vào làm việc tại ngôi trường này, ngoài kỹ năng sư phạm thì phẩm chất trước tiên phải có là những người có tâm huyết và có tình yêu bao la đối với trẻ khuyết tật. Phải xem sự thiệt thòi, kém may mắn, bệnh tật của các em là nỗi đau, là trách nhiệm của bản thân mình, để từ đó đồng cảm, yêu thương và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên từng vị trí công tác, thì mới trụ được lâu dài”, cô Nga chia sẻ.

Học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau được dạy nghề đan.

Học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau được dạy nghề đan.

Một lớp học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau.

Một lớp học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau.

Dạy kiến thức, dạy cả kỹ năng nghề

Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau luôn thực hiện nuôi - dạy học sinh khuyết tật trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục trong điều kiện mới. Học sinh tự kỷ học bán trú; học sinh khiếm thính, khiếm thị ở nội trú. Trường thực hiện giảng dạy đúng kế hoạch, chương trình sách giáo khoa và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về chuyên môn của Sở GD&ĐT Cà Mau.

“Tất cả kế hoạch bài dạy của giáo viên đều hướng đến mục đích: Học sinh làm được gì sau tiết học; Các em biết vận dụng kiến thức như thế nào vào thực tế cuộc sống? Nhà trường luôn khuyến khích khả năng tự học và giúp học sinh biết cách khai thác, tìm hiểu và lựa chọn kiến thức phù hợp nhu cầu trên các phương tiện thông tin đại chúng”, cô Nguyễn Thị Nga, Giám đốc trung tâm cho biết về phương pháp dạy học của đơn vị mình.

Ngoài ra, trung tâm còn đặc biệt quan tâm việc giáo dục văn, thể, mỹ cho học sinh, tận dụng và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các dụng cụ và phương pháp dạy học cho trẻ khiếm thính, khiếm thị, bên cạnh việc tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa… Nhờ những giải pháp đúng hướng và trọng tâm mà chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao.

Kết thúc năm học 2023 - 2024, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau có 100% học sinh các cấp học hoàn thành chương trình lớp học, không có học sinh ở lại lớp. 19/162 học sinh tự kỷ hòa nhập, (đạt tỉ lệ 11,7%). Tổng kết năm học có 172/271 học sinh được khen thưởng, đạt tỉ lệ 63,5%.

Bên cạnh việc dạy chữ, thời gian qua, trung tâm còn quan tâm dạy nghề cho học sinh. Theo đó, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp TP Cà Mau, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau tổ chức dạy nghề nấu ăn, nghề đan, thêu, tin học, điện gia dụng… cho hơn 30 học sinh.

Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức dạy cho 20 em các phương pháp chiết xuất tinh dầu sả, tràm, bưởi và nấu xà phòng hương sả, bưởi. Kết quả, đã có gần 20 em sau khi ra trường có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống được bản thân. Các em đều phấn khởi và càng có động lực vượt khó để tiến bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ