Maharishi Sushruta: Cha đẻ của phẫu thuật thẩm mỹ

GD&TĐ - Cách nay hàng nghìn năm, Maharishi Sushruta - một thầy lang người Ấn Độ, đã mang đến cuộc cách mạng cho nhân loại bằng các biện pháp trị bệnh hiệu quả. Ông được xem là “cha đẻ của Y học” và “cha đẻ của phẫu thuật thẩm mỹ”.

Tượng của Sushruta ở Patanjali Yogpeeth, thành phố Haridwar, Ấn Độ.
Tượng của Sushruta ở Patanjali Yogpeeth, thành phố Haridwar, Ấn Độ.

Học giả uyên bác

Maharishi Sushruta sống ở Kashi, một thành phố cổ ở miền Bắc Ấn Độ, nơi ngày nay được gọi là Varanasi. Ông là tác giả của một trong những tác phẩm y học và phẫu thuật sớm nhất, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Ông đã làm việc ở cả hai vai trò, học viên và giáo viên phẫu thuật. Đóng góp của ông đối với y học cổ truyền và di sản văn hóa cổ xưa của Ấn Độ luôn được xem là vô giá.

Trong thời đại của mình, Sushruta luôn đi tìm kiếm thông tin, cùng các nguồn kiến thức về phẫu thuật và điều trị bệnh trên khắp Ấn Độ, ghi chép lại thành một cuốn sách bằng tiếng Phạn.

Trước Công nguyên 600 năm, ông là người đã hình thành nền tảng của y học Ấn Độ, được gọi là Ayurveda. Cuốn sách của ông nổi tiếng nhất trong Great Trilogy of Ayurvedic Medicine - Bộ ba tác phẩm vĩ đại về y học Ayurvedic - đó là Charak Samhita, Sushruta Samhita và Ashtangha Hridaya Samhita.

Sushruta Samhita, chứa đựng những chi tiết về chẩn đoán y học và phẫu thuật của Sushruta. Charaka Samhita, được viết bởi Charaka được cho là tài liệu tham khảo kinh điển chính, nhấn mạnh đến 3 đặc tính của mỗi người: Thể xác, thần kinh và tâm thức. Tác phẩm thứ ba Ashtanga Hridaya Samhita thực chất là một phiên bản ngắn gọn về các tác phẩm của Charaka và Sushruta.

Sushruta Samhita có nhiều hướng dẫn bao quát và cặn kẽ để hoàn thành các tiến trình phẫu thuật trị bệnh, đồng thời cũng trình bày chi tiết ba loại phẫu thuật ghép da chính và tái tạo mũi. Chính vì điều này, Sushruta thường được xem là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên trên thế giới.

Ông có thể thực hiện các thủ thuật vô cùng phức tạp như sửa dái tai bị cắt, xỏ lỗ tai, sửa môi bị sứt và ghép da. Ông đã sử dụng các dụng cụ cổ để thực hiện tất cả các ca phẫu thuật này, hầu hết do chính ông sáng tạo.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Sushruta đã thực hiện những bước đột phá này rất sớm trong lịch sử loài người. Trong khi đó, những nhà biên soạn, thầy thuốc vĩ đại của Hy Lạp và La Mã như Hippocrates, Galen và Celsus xuất hiện sau ông nhiều thế kỷ.

Tiên phong về phẫu thuật

Kỹ thuật sửa mũi năm 1794, áp dụng phương pháp của Sushruta hơn 2.000 năm trước.

Kỹ thuật sửa mũi năm 1794, áp dụng phương pháp của Sushruta hơn 2.000 năm trước.

Sushruta là một trong những học giả uyên bác thời cổ. Theo một số nhà sử học, ông đã học khoa học đời sống và phẫu thuật y khoa từ Dhanwantari, một “cha đẻ của ngành Y” khác.

Còn một số tài liệu thì cho biết, Sushruta học nghề từ Divodasa, từng là một thầy thuốc tài ba của Benares (tên khác của Varanasi). Tuy nhiên, theo một số sử gia, hai vị thầy này thực ra chỉ là một người.

Những hạn chế về thông tin đã tạo ra nhiều nhầm lẫn về nguồn gốc của Sushruta. Nhưng thực sự ông là một thầy thuốc giỏi, đã tiên phong trong thực hành phẫu thuật và sau đó truyền dạy lại cho nhiều đệ tử của mình tại Đại học Benares, nằm trên bờ sông Hằng, vào khoảng năm 600 trước Công nguyên.

Công trình để đời của ông là một chuyên luận đồ sộ, Sushruta Samhita hoặc Sushruta Compendium. Đây được xem là văn bản lâu đời nhất trong số tất cả các văn bản liên quan đến phẫu thuật, chứa đựng các chi tiết nâng cao, mở rộng về chẩn đoán, tiên lượng, kiểm tra và điều trị nhiều bệnh tật. Nó cũng bao gồm các tiến trình phẫu thuật thẩm mỹ, nâng mũi và phẫu thuật tạo hình.

Đầy đủ chi tiết, thông tin và cực kỳ hữu ích, Sushruta Samhita là tài liệu chia sẻ kiến thức và trí tuệ của Sushruta. Hơn nữa, Sushruta Samhita đã được dịch sang một số ngôn ngữ như tiếng Ả Rập, tiếng Latinh, tiếng Đức, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác để truyền bá thông tin y học này đến mọi người trên toàn cầu.

Sushruta Samhita được chia thành năm phần chính khác nhau. Sushruta quan tâm về cách cấu trúc văn bản để bảo đảm những hướng dẫn rõ ràng và dễ hiểu nhất, có thể thực hành với những diễn biến kịp thời. Ông đã phân chia tác phẩm của mình như sau:

- Sutrasthana: Các nguyên tắc cơ bản được trình bày trong phần đầu tiên qua 46 chương, giải thích nguyên tắc của dược học và y học.

- Nidana: 16 chương, đề cập đến các khái niệm bệnh lý.

- Sarirasthana: 10 chương, dành riêng cho giải phẫu con người.

- Chikitsasthanam: 34 chương về quản trị y tế và phẫu thuật.

- Kalpasthanam: 8 chương về độc chất.

Thông tin trong năm phần này được đánh giá là chính xác, hữu ích và hầu như không có sai sót, ngay cả đối với khoa học hiện đại.

Một trong những phương pháp mà ông đề cập trong quyển sách dành để nghiên cứu giải phẫu người là để xác chết phân hủy ở một dòng sông. Khi phần thịt đã rơi ra, Sushruta sẽ chà thi thể theo từng lớp để xác định một số chi tiết cấu trúc về cơ thể người.

Những dụng cụ phẫu thuật do Sushruta tự chế.

Những dụng cụ phẫu thuật do Sushruta tự chế.

Ngoài ra, sách còn giới thiệu các kỹ thuật chi tiết về vết mổ, sử dụng kiềm, làm lành vết thương bằng kim loại nung nóng, cắt bỏ, nhổ răng, phẫu thuật thăm dò kiểm tra, lấy dị vật và các phương pháp dẫn lưu áp xe cùng các chất lỏng khác một cách an toàn. Bên cạnh đó, cũng có thông tin về phẫu thuật xâm lấn, chẳng hạn như đưa ra các phương pháp hồi phục những tổn thương ở ruột.

Sushruta còn thực hiện các tiến trình phức tạp hơn, bao gồm cắt bỏ tuyến tiền liệt, nong lỗ niệu đạo, phẫu thuật thoát vị, hỗ trợ sinh bằng phương pháp mổ lấy thai, phẫu thuật cắt bàng quang (loại bỏ sỏi bàng quang), kiểm soát bệnh trĩ, phẫu thuật mở bụng, và điều trị các lỗ rò sau phẫu thuật cùng các biến chứng khác.

Ngoài các hướng dẫn về phẫu thuật, cuốn sách cũng đề cập chi tiết về điều trị gãy xương, trật khớp và phân loại xương.

Sushruta nêu bật những phản ứng tức thời của cơ thể đối với những chấn thương xương, giải thích cặn kẽ về lực kéo, thao tác, ổn định, định vị và xử trí gãy xương, thậm chí phục hồi và sử dụng các bộ phận giả.

Nói tóm lại, ông đã đóng góp cho nền y học hiện đại bằng cách giới thiệu cho thế giới 1.120 căn bệnh, 700 cây thuốc, 57 chế phẩm từ nguồn động vật và 64 chế phẩm từ nguồn khoáng.

Sushruta không giới hạn cuốn sách trong các thủ thuật, mà ông còn mô tả các loại dụng cụ phẫu thuật, ống bơm tưới và ống thông. Ông đã cung cấp chi tiết về việc chế tạo những thiết bị này, như ông đã từng tự làm ra mọi thứ.

Đi đầu trong phẫu thuật thẩm mỹ

Sushruta đang thực hiện phẫu thuật sửa mũi cho bệnh nhân

Sushruta đang thực hiện phẫu thuật sửa mũi cho bệnh nhân

Tuy nhiên, Sushruta trở nên nổi tiếng nhất khi giới thiệu phẫu thuật nâng mũi hoặc tái tạo mũi. Quy trình này mô tả việc sửa mũi bị biến dạng bằng cách sử dụng một vạt da lấy từ trán. Trước đó, Sushruta đã sử dụng mũi bị cắt của những tên tội phạm để tái tạo hoặc sửa mũi bằng các phương pháp điều trị trong y học.

Đây là một kỹ thuật được thực hành khá tiên tiến, ngay cả với ngày nay. Sushruta đã đưa thế giới bước vào một kỷ nguyên vàng của phẫu thuật, giúp người đương thời nhận ra nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề trong thời kỳ mà nhiều người thường dựa vào các vị thần để chữa lành cho họ. Sự hiểu biết của ông về y học khiến ông được xem như một người đàn ông đến từ tương lai.

Trí tuệ của Sushruta đã được truyền lại cho thế hệ hiện đại. Thông tin, quy trình và kỹ thuật nói chung là đúng và vẫn được tuân thủ cho đến ngày nay. Sự phát triển của công nghệ chỉ nâng cao quy trình của những phương pháp điều trị này. Gốc rễ của nó vẫn kết nối với Sushruta Samhita và tác giả của nó, “cha đẻ của Y học”.

Sushruta thu nhận một số đệ tử được gọi là Saushrutas. Họ phải học trong sáu năm trước khi bắt đầu được đào tạo thực hành về phẫu thuật. Họ phải tuyên thệ long trọng là cống hiến hết mình để chữa bệnh và không làm hại người khác - có thể so sánh với Lời thề Hippocrate. Sau đó, Sushruta sẽ hướng dẫn các sinh viên tiến trình phẫu thuật bằng cách cho họ thực hành cắt rau hoặc động vật chết để hoàn thiện chiều dài và độ sâu của một vết rạch. Một khi đã chứng minh được khả năng của mình trên thực vật, xác động vật, hoặc với gỗ mềm hay mục nát - và đã quan sát kỹ lưỡng các quy trình thực tế trên bệnh nhân - thì họ mới được phép tự thực hiện phẫu thuật.

Theo Historicmysterious

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.