Ảnh minh họa. (Nguồn: 1stchoicechildcare.com)
Da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh dễ nhạy cảm với môi trường bên ngoài nhất là tiếp xúc với quần áo, tã lót.
Khi bị dị ứng da bé sẽ ngứa ngáy, nổi vết sần dẫn tới khô ráp, nứt nẻ thậm chí chảy máu, nhất là vào mùa khô, da của trẻ em cần được chăm sóc kỹ lưỡng để tránh những yếu tố trên.
Tại hội thảo “Chăm sóc da và giấc ngủ trẻ sơ sinh,” vừa được tổ chức ở Hà Nội, ông Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam phân tích, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra. Da và giấc ngủ của trẻ sơ sinh là hai yếu tố quan trọng đối với sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hành chăm sóc da và giấc ngủ cho trẻ đang có nhiều khác biệt tại một số cơ sở y tế và cộng đồng.
Chính vì vậy, các kỹ năng và quy trình chăm sóc da cho trẻ với những người chăm sóc trẻ là điều cần thiết nhằm giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc, phát triển khỏe mạnh ngay từ khi sinh ra.
Thử bột giặt
Bột giặt cũng là nguyên nhân khiến bé ngứa ngáy, khó chịu hay thậm chí gây mẩn ngứa, dị ứng.
Các bậc phụ huynh có thể kiểm tra phản ứng trên da bé bằng cách như đem giặt một chiếc áo hoặc một chiếc quần của bé. Đợi một vài ngày sau khi bé mặc chiếc áo đó để xem da bé có phản ứng với bột giặt và nước xả không vì đôi khi sẽ mất vài ngày thì da bé mới phản ứng. Nếu da bé không bị nổi đỏ, tiếp tục giặt số quần áo còn lại của bé.
Nếu bạn thấy da bé có phản ứng như nổi mẫn đỏ hoặc da bị khô bong từng lớp, bạn nên thử chuyển sang một loại bột giặt và nước xả khác. Bạn có thể chọn mua loại bột giặt và nước xả dành riêng cho trẻ nhỏ.
Ngâm áo quần bé với nước xả để tránh việc bé tiếp xúc với áo quần khô cứng có thể làm hại da bé.
Không nên tắm bé hằng ngày
Bên cạnh việc chọn loại bột giặt và nước xả riêng cho bé, một cách khác để giữ cho da bé sơ sinh luôn mềm mại là không nên tắm bé hằng ngày.
Bé sơ sinh không cần tắm rửa nhiều vì bé vẫn chưa ra bên ngoài nên sẽ không tiếp xúc với bụi bẩn.
Việc tắm bé quá nhiều có thể làm mất độ ẩm trên da của bé. Thay vào đó, nên giữ vệ sinh vùng kín của bé luôn sạch sẽ và nên tắm bé hai hoặc ba lần một tuần.
Để giữ độ ẩm cho da của bé sau mỗi lần tắm, xoa lên da bé một ít nước dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh, để những chất này thấm vào lỗ chân lông của bé. Thay vì tắm, bạn có thể lau người cho bé bằng một cái khăn mềm và nước sạch.
Thay tã thường xuyên
Hầu hết các bà mẹ có con nhỏ cho biết trong cuộc sống hiện nay, rất nhiều bà mẹ lựa chọn đóng tã cho bé để tiết kiệm thời gian và vệ sinh cho bé.
Để đảm bảo vệ sinh cho bé, cứ bốn tiếng thay tã cho bé sơ sinh một lần - hơn sáu miếng tã một ngày. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra xem bé có đi ngoài để thay sớm, tránh để lâu dẫn tới bé bị hăm.
Khoảng thời gian thay tã có thể trở thành cơ hội gắn kết tuyệt vời giữa mẹ và bé. Thay vì nghĩ rằng đây là một việc vặt khó chịu, mỗi người mẹ nên thực hiện nó chậm rãi, bình tĩnh và đừng quên trò chuyện cùng bé, làm cho bé cảm thấy vui vẻ.
Bạn nên đặt một món đồ bắt mắt gần chỗ thay tã để bé giải trí khi thay. Một món đồ chơi đầy màu sắc, một đồ vật lấp lánh hay tiếng hát của bố mẹ sẽ giúp ích cho bé rất nhiều./.