Theo Tiến sĩ Kristina S. Brown – Trưởng khoa Gia đình và Đôi lứa thuộc đại học Alder (Mỹ), mối quan hệ giữa các anh chị em họ đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Theo bà, anh chị em họ trở thành nguồn lực bổ sung lớn (chủ yếu là về cảm xúc) ngoài gia đình cơ bản. Những người chị em họ trong gia đình có thể là đối tượng phù hợp để mỗi người tìm đến trong những giai đoạn khó khăn, hoặc đơn giản là chia sẻ niềm vui trong cuộc sống. Bà khẳng định: "Dì chỉ là dì, bà cũng chỉ là bà, nhưng những người anh em họ lại mang lại nhiều thứ hơn thế cho một đứa trẻ".
Theo tiến sĩ, những trải nghiệm được san sẻ giữa các anh chị em họ là tiền đề cho việc phát triển một mối quan hệ. Thế nên, sự xa cách (về mặt địa lý hay thời gian) không gây ra vấn đề lớn, bởi hai phía được kết nối bởi những yếu tố độc nhất, được chia sẻ bởi một nhóm các thành viên trong cùng một thế hệ.
Theo Fatherly, mối quan hệ họ hàng giúp những người anh em hiểu nhiều hơn về nhau, nhất là khi họ lớn lên và bắt đầu tiếp thu những quan điểm xã hội, chính trị... khác biệt. Tiến sĩ Brown khẳng định: "Những người không cùng một dòng họ, khi có quan điểm chính trị đối lập thường có xu hướng dễ quay lưng lại với nhau. Trong khi đó, với các thành viên trong cùng một đại gia đình, những "hiệu ứng" này được giảm đi đáng kể. Sự kết nối trong gia đình có thể dẫn đến sự thay đổi quan điểm của mỗi người".
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, anh em họ trong một gia đình không chỉ là chỗ dựa cho nhau về mặt tình cảm. Hơn thế nữa, họ có xu hướng vị tha với nhau hơn vì quan niệm điều đó làm củng cố sức mạnh của hệ gene trong gia đình. Nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều người có xu hướng muốn giúp đỡ anh chị em trong họ hàng, trước khi giúp cho bạn bè. Ngay cả khi mối liên hệ là không quá gần gũi, thân thiết, những xu hướng này cũng rất cao.
Tiến sĩ Brown nhấn mạnh, bên cạnh yếu tố cảm xúc tự nhiên thôi thúc mỗi người chúng ta giúp đỡ họ hàng của mình, một điều khác cũng quan trọng không kém, chính là xuất phát từ những mối quan hệ "hình mẫu", từng được xây dựng nhờ các thế hệ đi trước (ông bà, bố mẹ). Tiến sĩ cũng khuyến khích các gia đình xây dựng những mối quan hệ hình mẫu này cho các thế hệ tương lai.
Ở thời hiện đại ngày nay, theo bà Kristina S. Brown, các mối quan hệ họ hàng được xây dựng dễ dàng nhờ các phương tiện mạng xã hội, các ứng dụng... Bà cũng khuyến khích các bậc cha mẹ nên cùng con cái và các anh chị em trong đại gia đình gặp gỡ, tụ họp trong các dịp nghỉ, nhằm tăng cường những sự gắn kết tình cảm.