Kết luận điều tra ban đầu của vụ việc, Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang làm rõ hành vi nhận hối lộ đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh và ông Đặng Hải Anh. Tổng số tiền nhận hối lộ gần 350 triệu đồng.
3 người đưa hối lộ gồm: Ông Đ.N.Y (SN 1984), Phó giám đốc công ty Đ.Tr., hối lộ Đặng Hải Anh 90 triệu đồng để không bị giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà công ty đã thi công trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Ông Trần Hanh (SN 1971), kế toán UBND xã Tân Tiến, đưa cho Nguyễn Thị Kim Anh 68 triệu đồng để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà UBND xã này là chủ đầu tư.
|
Trung tâm thương mại đang có nhiều khiếu kiện, tố cáo tại xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường |
Ông Đỗ Mạnh Cường (SN 1979) công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang đưa 91,5 triệu cho Kim Anh.
Sau khi bị bắt, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, CQĐT thu giữ nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn huyện, 335 triệu đồng trong tủ do Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.
Vĩnh Tường dẫn đầu lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai
Thời điểm đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng tiến hành kế hoạch thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (từ ngày 10/4), có lịch tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì chủ trì vào ngày 12/4.
Thông báo số 90 của UBND tỉnh hôm đó cho thấy, huyện Vĩnh Tường là địa phương có số lượng người gửi đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nhất (7 đơn thư tố cáo, khiếu nại).
Số đơn thư này chủ yếu liên quan đến công tác đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Phùng Văn Lý (đại diện cho hàng chục hộ dân ở khu 4, thị trấn Tứ Trưng) khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp Đồng Sóc.
|
Công trình xây dựng nhà văn hóa thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân |
Người dân tố cáo, trong quá trình thực hiện dự án chưa tổ chức họp dân, chưa lấy ý kiến về thu hồi đất. Mặc dù chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng ngày 27/6/2018, UBND huyện đã tiến hành chi trả tiền bồi thường GPMB với nhiều hình thức khác nhau, ép người dân nhận tiền bồi thường, ngoài ra, không công khai các bước trong việc thu hồi đất…
Đơn khiếu nại, tố cáo của ông Trần Doãn Bộ cùng nhiều hộ dân xã Phú Đa khiếu nại về việc thu hồi đất nông nghiệp và giao cho nhân dân làm nhà ở tại khu vực Ao Sén, Cửa Ngòi, Gốc Gạo, Đồng Roi, bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định.
Ông Hạ Văn Cấp, thôn 3 xã Vĩnh Sơn cũng có đơn thư, khiếu nại tố cáo với nhiều nội dung liên quan đến vấn đề quyết định thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Tường gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ngành…
|
Những công trình "xây cho có" mà không cần biết đến giá trị sử dụng tại Vĩnh Tường |
Ngoài ra, người dân gửi đơn thư khiếu kiện về dự án KCN Chấn Hưng (xã Chấn Hưng); tình trạng xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp tại hàng loạt xã…
Vĩnh Tường là huyện có tốc độ đô thị hóa, đầu tư xây dựng hạ tầng, công trình cơ bản với số lượng lớn, mật độ dày và quy mô lớn ở Vĩnh Phúc trong thời gian gần đây.
Đây cũng là điểm nóng về đơn thư, khiếu kiện kéo dài chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường và GPMB. Hầu hết các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng, khu đô thị, KCN của địa phương này đều thu hồi, chuyển đổi đất nông nghiệp của người dân.
Ở xã Tân Tiến có tới gần 300 hộ vi phạm trật tự xây dựng. Người dân tự ý lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Sự việc kéo dài, không được xử lý và tiếp tục gia tăng theo các năm… khiến đơn thư tố cáo ngày càng nóng.
|
Vĩnh Tường là điểm nóng nhất về đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến sai phạm đất đai của tỉnh |
Theo báo cáo của UBND xã Tân Tiến vào tháng 5/2018, ở xã có gần 300 hộ vi phạm luật Đất đai. Không chỉ các hộ dân có diện tích đất ruộng gần mặt đường lấn chiếm, xây dựng trái phép mà rải rác ở các cánh đồng khác cũng có tình trạng tương tự.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Bùi Đức Hùng, tình trạng tự ý xây dựng, mua bán trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Tân Tiến tương đối nhiều, tổng số vi phạm từ trước đến bây giờ gần 300 trường hợp.
“Chúng tôi cũng bị kiểm điểm, xã báo cáo lên huyện đã nhiều năm, năm nào cũng phát sinh lấn chiếm đất đai. Do chính quyền xã quản lý lỏng lẻo và không ngăn chặn kịp thời nên mới để xảy ra nhiều sai phạm”, ông Hùng thừa nhận.
Ngoài ra, dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường sử dụng đất sai mục đích, tự ý chia các lô đất bán đấu giá để dân xây nhà đã thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp của người dân.
Bí thư huyện Vĩnh Tường Lê Minh Thịnh xác nhận với VietNamNet, các sai phạm liên quan tới đất đai là vấn đề nóng của huyện. Địa phương này từng đưa ra nghị quyết, xã nào để tồn tại quá 5 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lãnh đạo xã sẽ bị kỷ luật, cách chức hoặc chuyển công tác.