3 dạng câu hỏi trắc nghiệm
Ngày 29/12/2023, cùng với thông tin về định dạng đề thi, Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, trong đó có đề minh họa môn Hóa học.
Cô Nguyễn Thị Thủy cho biết, đề minh họa môn Hóa học gồm 40 lệnh hỏi (28 câu hỏi), thời gian làm bài 50 phút. Trong đó có 18 câu hỏi trắc nghiệm 4 đáp án; 4 câu đúng/sai với 16 ý hỏi tương đương với 16 lệnh hỏi; 6 câu dạng trả lời ngắn.
Các câu hỏi thuộc 3 cấp độ tư duy biết - hiểu - vận dụng theo tỷ lệ 40% - 30% - 30%; tập trung đánh giá 3 thành phần của năng lực Hóa học: nhận thức hóa học; tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hóa học; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học theo tỉ lệ 47,5% - 10,0% - 42,5%.
Đề bao gồm 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm cụ thể như sau:
Dạng thức 1: trắc nghiệm nhiều lựa chọn (4 lựa chọn, 1 phương án đúng), là dạng câu hỏi phổ biến được áp dụng nhiều năm nay. Đề thi gồm 18 câu hỏi (chiếm 45% số lệnh hỏi trong đề thi), thuộc 3 cấp độ biết, hiểu, vận dụng với tỷ lệ 32,5% - 2,5% - 10%. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.
Dạng thức 2: câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng mẹo hoặc chọn may rủi.
Đề thi gồm 4 câu hỏi dạng thức 2, mỗi câu hỏi gồm 4 lệnh hỏi, tổng đề thi có 16 lệnh (chiếm 40% số lệnh hỏi trong đề thi), thuộc 3 cấp độ biết, hiểu, vận dụng với tỷ lệ 7,5% - 17,5% - 15%. Cách tính điểm các câu hỏi thuộc dạng thức này như sau:
Điểm tối đa của 1 câu hỏi là 1 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn đúng 1 ý trong 1 câu được 0,1 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn đúng 2 ý trong 1 câu được 0,25 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn đúng 3 ý trong 1 câu được 0,5 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu được 1 điểm.
Dạng thức 3: câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.
Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, việc dùng mẹo và chọn may rủi là gần như không thể dùng.
Đề thi gồm 6 câu hỏi dạng trả lời ngắn (chiếm 15% số lệnh hỏi trong đề thi. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.
Cô Nguyễn Thị Thủy nhận định: các dạng thức trắc nghiệm mới phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.
Dạng câu trắc nghiệm yêu cầu trả lời ngắn trong đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025. |
Áp dụng đề minh họa thế nào trong dạy học, ôn tập?
Chia sẻ về việc triển khai áp dụng đề minh họa trong dạy học, ôn tập bộ môn Hóa học, cô Nguyễn Thị Thủy cho rằng, trong dạy học, giáo viên cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học theo định hướng phát triển năng lực với 3 thành phần của năng lực Hóa học: nhận thức hóa học; tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hóa học; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.
Đồng thời, thường xuyên ôn tập các phần đã học để học sinh có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn.
Giáo viên cũng cần xây dựng các câu hỏi theo cả ba dạng thức trên, đặc biệt là hai dạng thức mới (câu hỏi dạng đúng/sai và câu hỏi dạng trả lời ngắn).
Việc sử dụng cần thường xuyên trong quá trình dạy - học, ở các hoạt động: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng - mở rộng; cũng như trong quá trình kiểm tra đánh giá (thường xuyên và các bài kiểm tra định kỳ), bắt đầu từ học kỳ 2 của năm học 2023 - 2024 với học sinh khối 10, 11.