Một số điều cần chú ý khi ôn tập cho học sinh
Chia sẻ những lưu ý khi ôn tập môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, đối với phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, giáo viên nên chọn ngữ liệu có thể đặt nhiều câu hỏi để phong phú hoá kiến thức. Về nội dung ngữ liệu, cần chọn vấn đề phù hợp với nhận thức của học sinh, được học sinh quan tâm yêu thích.
Giáo viên cũng nên chú ý rèn kỹ năng làm bài ở từng dạng. Khi triển khai vấn đề nghị luận xã hội (vấn đề có thể là nội dung của văn bản hoặc một khía cạnh nào đó của văn bản), giáo viên hướng dẫn học sinh cách khai thác ý và dẫn chứng từ văn bản đọc hiểu để xây dựng luận điểm cho bài nghị luận xã hội. Đồng thời, chú ý thực hiện đúng kết cấu văn bản nghị luận xã hội (bài văn hay đoạn văn).
Đối với phần nghị luận văn học, theo cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên nên chia thành các dạng bài; hướng dẫn học sinh cách xây dựng luận điểm, lựa chọn và phân tích dẫn chứng tiêu biểu; uốn nắn cách sử dụng câu, từ...
Lưu ý học sinh khi làm bài
Ở phần đọc hiểu, cô Nguyễn Thị Thu Phương đưa ra những lưu ý với học sinh khi làm bài thi như sau:
Thứ nhất: Bất cứ ngữ liệu nào dù đề có yêu cầu hay không cũng phải nắm được nội dung văn bản.
Thứ hai: Học sinh cần trả lời ngắn gọn, trình bày cẩn trọng, khoa học
Thứ 3: Đối với câu bày tỏ quan điểm, quan điểm phải dựa trên tư tưởng đúng đắn, tích cực, hợp pháp lí.
Ở phần nghị luận xã hội, cô Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, học sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận và dạng nghị luận; trình bày theo đúng kết cấu đề bài yêu cầu (đoạn, bài); sử dụng các thao tác lập luận hợp lí; trển khai các ý logic; huy động dẫn chứng cụ thể, phong phú; bày tỏ quan điểm rõ ràng.
Ở phần nghị luận văn học, cô Nguyễn Thị Thu Phương đưa ra những lưu ý sau: Học sinh xây dựng kết cấu một bài văn. Xây dựng đúng vấn đề nghị luận; xây dựng các luận điểm, luận cứ logic, mạch lạc; tìm đúng dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ luận điểm, luận cứ.
Đặc biệt, học sinh khi làm bài thi cần chú ý dừng lại phân tích sâu các điểm sáng nghệ thuật, khái quát tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Phần làm văn gồm 2 câu chiếm 7 điểm. Câu nghị luận xã hội đòi hỏi thí sinh trình bày suy nghĩ về "sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống" (2 điểm). Phần nghị luận văn học chiếm phân nửa số điểm của cả bài thi, đề tập trung yêu cầu phân tích đoạn trích trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường để làm rõ một nhận định.